WHO cảnh báo 'rủi ro toàn cầu' do biến thể Omicron

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: AP
Ảnh minh hoạ: AP
TPO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron có nguy cơ lây lan ra toàn cầu và gây nên hậu quả nghiêm trọng ở một số khu vực.

“Omicron có số lượng đột biến cao chưa từng thấy. Trong đó có một số đột biến đáng lo ngại vì chúng có khả năng tác động đến quỹ đạo của đại dịch”, WHO cho biết ngày 29/11. “Rủi ro toàn cầu liên quan đến biến thể mới được đánh giá là rất cao.”

Biến thể Omicron đã xuất hiện ở Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Úc, Đức, Anh, Ý, Bỉ, Israel, Bồ Đào Nha, Botswana, Nam Phi, Hồng Kông (Trung Quốc)...

“Việc gia tăng số ca mắc, bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh, có thể khiến hệ thống y tế quá tải, dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Tác động đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương là rất lớn, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp”, WHO nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi 194 quốc gia thành viên đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên.

Đến thời điểm hiện tại, chưa có ca tử vong nào liên quan đến biến thể Omicron được ghi nhận. Tuy nhiên, giới chuyên gia cần nghiên cứu thêm để đánh giá khả năng thoát miễn dịch của biến thể mới.

Trước đó, trong báo cáo ngày 28/11, WHO nhận định biến thể Omicron có thể tăng nguy cơ tái nhiễm, tức là những người đã từng mắc COVID-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron.

Tuy nhiên, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết hiện chưa rõ Omicron có dễ lây truyền hơn, hoặc gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác (bao gồm cả Delta) hay không. Số ca mắc COVID-19 đã tăng lên ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi biến thể mới, nhưng các chuyên gia dịch tễ học đang tìm hiểu xem nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này là do Omicron hay do các yếu tố khác.

Ngoài ra, những ca nhiễm Omicron đầu tiên chủ yếu là người trẻ - vốn thường có biểu hiện nhẹ khi mắc COVID-19, nên sẽ phải mất thêm vài ngày đến vài tuần để các chuyên gia hiểu được mức độ nghiêm trọng của bệnh gây ra bởi biến thể Omicron.

WHO hiện đang phối hợp với các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể này đối với các biện pháp đối phó hiện có, bao gồm cả vắc xin. “Dù vậy, vắc xin vẫn rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong”, WHO khẳng định.

Cũng theo tổ chức này, xét nghiệm PCR mà các quốc gia sử dụng rộng rãi vẫn có thể phát hiện ca bệnh, bao gồm cả người nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, chưa rõ biến thể này có bất kỳ tác động nào đến các loại xét nghiệm khác, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh hay không.

Vì Omicron được xếp vào nhóm biến thể đáng quan ngại, WHO khuyến nghị các quốc gia tăng cường giám sát, giải trình tự gien các ca bệnh; chia sẻ trình tự bộ gien trên cơ sở dữ liệu có sẵn công khai, chẳng hạn như GISAID; báo cáo các ca bệnh hoặc ổ bệnh ban đầu cho WHO; thực hiện điều tra thực tế và đánh giá trong phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn về Omicron.

WHO khuyến cáo người dân nên giữ khoảng cách 1m với người khác; đeo khẩu trang; mở cửa sổ để thông gió, tránh không gian kém thông gió hoặc đông đúc; giữ tay sạch sẽ; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; tiêm phòng khi đến lượt.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.