Chuyên gia hiến kế 'kéo' người Sài Gòn đi xe buýt

Theo thống kê của Sở GTVT TP HCM lượng hành khách sử dụng xe buýt ngày càng giảm. Ảnh: Hữu Công/VnExpress
Theo thống kê của Sở GTVT TP HCM lượng hành khách sử dụng xe buýt ngày càng giảm. Ảnh: Hữu Công/VnExpress
Các chuyên gia báo động tình trạng người dân đang rời bỏ xe buýt khi thống kê trong 3 năm gần đây đã giảm đến 36.000 người.

Tại hội thảo "Bàn về các giải pháp phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TP HCM" ngày 4/12, đại biểu HĐND thành phố Lâm Thiếu Quân cho biết, 3 năm qua lượng người đi xe buýt liên tục giảm. Năm 2013 có 300 nghìn người, năm 2014 còn 281 nghìn và năm nay dự kiến giảm sâu chỉ còn 264 nghìn.

“Phát triển xe buýt để giảm ùn tắc giao thông nhưng xe này lại bị kẹt giữa ùn tắc. Vậy mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ xe buýt đảm nhận 20% chuyến đi có khả thi?”, ông Quân băn khoăn.

Báo cáo của Công ty Xe Khách Sài Gòn - đơn vị nhà nước đảm nhận hoạt động trên 28 tuyến xe buýt có trợ giá - cũng cho thấy lượng hành khách sử dụng xe buýt 11 tháng đầu năm nay giảm đến 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đơn vị này, cùng với tốc độ đô thị hóa, mật độ giao thông trên đường ngày càng cao, tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên đã tác động lớn đến thời gian của chuyến đi. Ở tuyến xe buýt số 45, năm 2014, từ bến xe Miền Đông đến bến xe quận 8 (khoảng 11 km) là 60 phút nhưng năm nay kéo dài lên 70 phút. Trong khi đó đi xe máy chỉ mất 45 phút.

Chuyên gia hiến kế 'kéo' người Sài Gòn đi xe buýt ảnh 1

Trên xe chỉ có lác đác vài hành khách, thậm chí không có hành khách nào là hình ảnh thường thấy trên một số tuyến xe buýt tại TP HCM. Ảnh: Hữu Công/VnExpress

Đánh giá về thực trạng xe buýt tại TP HCM, lãnh đạo Sở GTVT thành phố thừa nhận xe buýt hiện còn nhiều bất cập như mạng lưới tuyến chưa hợp lý, lộ trình thường xuyên thay đổi, nhân viên phục thiếu văn minh, lịch sự, dừng đỗ không đúng trạm, xe xuống cấp, năng lực quản lý còn nhiều hạn chế...

Để thu hút người dân đi xe buýt, ông Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố) cho rằng, bên cạnh việc đầu tư cho xe buýt cần quyết liệt triển khai các giải pháp hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy.

"Nên lồng ghép chương trình chỉnh trang đô thị trong việc thực hiện chính sách giảm xe cá nhân, tăng tỷ lệ các chung cư cao tầng. Qua đó tạo không gian, mở thêm luồng tuyến mới, gia tăng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt", ông Tân đề nghị.

Về vấn đề này, ông Lâm Thiếu Quân đề nghị thành phố cần có đường dành riêng cho hệ thống xe buýt nhanh chất lượng cao BRT (xe buýt nhanh); quy hoạch mở rộng lòng đường tại trạm chờ. Khai thác tăng thu dịch vụ như quảng cáo tại trạm chờ xe bus, thành lập đơn vị quản lý các depot và trạm trung chuyển, cho phép kinh doanh các dịch vụ khác như ăn uống, quà lưu niệm, cửa hàng tiện lợi…

"Cần giảm lượng xe cá nhân bằng giải pháp tăng dần phí sử dụng vỉa hè để đậu xe, thu phí đỗ xe dưới lòng đường lũy tiến theo thời gian, thu phí ôtô vào trung tâm và các đường thường ùn tắc… Tất nhiên, sử dụng các nguồn thu này bù đắp phần trợ giá cho vận tải hành khách công cộng", ông Quân nói.

Đồng quan điểm, TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP HCM) cũng cho rằng việc xây dựng hệ thống BRT sẽ là một giải pháp “mềm”, linh hoạt, tạo ra một hình ảnh mới về xe buýt, thu hút người dân chuyển sang đi xe công cộng.

"Khi phát triển hệ thống BRT, với các ưu điểm như sức chuyên chở lớn, tốc độ nhanh người dân thành phố sẽ chuyển sang đi xe BRT. Quỹ mặt đường sẽ được giải phóng một phần và phần diện tích đó sẽ dùng cho hệ thống BRT", ông Mai nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.