Chuyên gia gốc Việt hiến kế phát triển trí tuệ nhân tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cùng các chuyên gia công nghệ hàng đầu quốc tế và trong nước chủ trì phiên thảo luận mở về trí tuệ nhân tạo sáng 21/8.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cùng các chuyên gia công nghệ hàng đầu quốc tế và trong nước chủ trì phiên thảo luận mở về trí tuệ nhân tạo sáng 21/8.
TP - Sáng qua, (21/8), một hội nghị hiến kế về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đã diễn ra trong khuôn khổ chuỗi sự kiện 100 chuyên gia, nhà khoa học gốc Việt về nước. Nhiều chuyên gia đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Sỹ đã đóng góp những ý kiến tâm huyết để kiến tạo, phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

AI nên hướng vào nhu cầu cuộc sống

“Hội nghị Diên Hồng” là cụm từ được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy sử dụng để nói về các ý kiến, đóng góp tâm huyết của những chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới.

Làm sao để thúc đẩy Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo? Ông Đào Ngọc Thành, người sáng lập và điều hành 2 công ty công nghệ tại Nhật Bản chia sẻ, cần phải bắt đầu từ nhu cầu cuộc sống. Ông Thành cho biết, các nước phát triển đã đi rất xa trên con đường phát triển AI. Giờ Việt Nam mới bắt đầu vào đào tạo, nghiên cứu AI thì quá muộn.

Thay vào đó, cần đưa AI như một giải pháp giải quyết các vấn đề, nhu cầu bức thiết của xã hội. Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Thế Minh, làm việc tại Tập đoàn Rakuten của Nhật Bản cũng cho rằng, phải xác định AI phục vụ con người chứ không phải AI phục vụ AI. Từ mục tiêu đó sẽ tìm ra được những vấn đề xã hội rất bức thiết hiện nay để tìm một bài toán đủ lớn, có thể kết hợp nhiều vấn đề, nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực giải quyết.

Lấy ví dụ từ Tập đoàn Hitachi, nơi đang làm việc, TS Nguyễn Xuân Phong, một chuyên gia công nghệ gốc Việt tại Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần xác định các ngành công nghiệp mũi nhọn để đưa AI vào ứng dụng, tạo ra những hiệu quả đột phá trong sản xuất,

Theo GS Vũ Hà Văn, Đại học Tổng hợp Yale (Mỹ), trong điều kiện Việt Nam, AI có thể ứng dụng tốt nhất trong y học, nông nghiệp, giao thông vận tải. GS Vũ Hà Văn cũng chia sẻ thêm, muốn phát triển AI, trước hết phải có dữ liệu chuẩn có thể khai thác, sau đó dùng công nghệ hiện đại, thuật toán hiện đại để tìm giải pháp thông minh cho một vấn đề nào đó. Ở nước ta, dữ liệu thu thập chưa được bao nhiêu lại chưa khai thác ngay được, cũng chưa có người để có thể ứng dụng được dữ liệu đó. Vì vậy AI chưa phát triển mạnh. Theo ông, Việt Nam phải bắt đầu từng bước một, phải trữ dữ liệu trước trong tất cả các ngành.

Theo TS Bùi Hải Hưng, chuyên gia công nghệ tại Nuance Communications (Hoa Kỳ), Việt Nam nên ứng dụng AI trong y tế, năng lượng và các vấn đề đặc thù riêng của Việt Nam như nhận dạng giọng nói, ngôn ngữ. TS Hưng cho biết thêm, có 3 vấn đề để phát triển thành công công nghiệp AI gồm nhân lực, dữ liệu lớn (big data) và tài nguyên tính toán lớn. Đây là những nội dung Việt Nam phải đầu tư.

Theo TS Trần Đặng Minh Trí, đồng sáng lập Công ty Harrison-AI tại Úc, trước mắt, Việt Nam nên đầu tư AI trong lĩnh vực y tế. Ngành y tế luôn được các nước trên thế giới đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng áp dụng AI cao nhất. Việt Nam đang có trong tay một cơ hội rất lớn. Mỗi ngày, với số lượng người bệnh khổng lồ, mỗi bệnh viện ở nước ta tạo ra hàng ngàn điểm dữ liệu như hình ảnh chụp X-Ray, MRI, CT, các xét nghiệm cận lâm sàng, thông tin bệnh lý. Đây là “kho vàng” để phát triển công nghệ AI chẩn đoán bệnh trong tương lai. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để cơ quan chính phủ, bệnh viện, công ty công nghệ, nhà nghiên cứu ngồi lại với nhau khai thác tài nguyên này. Nhiều chuyên gia tại Hội thảo đồng tình quan điểm trên.

Cần đầu tư cho giáo dục

TS Lê Viết Quốc, làm việc tại Google Brain, một trong 2 dự án về trí tuệ nhân tạo lớn nhất của Google chia sẻ, VN có nhiều tiềm năng đề phát triển AI nhưng thiếu nhiều vật liệu để xây dựng, phát triển. Dù vậy, chúng ta cũng có một số con đường để có thể phát triển ngành công nghệ cao này.

Theo TS Quốc, ngành công nghệ AI trên thế giới đòi hỏi khoảng 1 triệu nhân lực nhưng giờ chỉ có khoảng 10.000 người. Vì thế Việt Nam nên đầu tư giáo dục, nên đổi chương trình học, thay vì học khoa học máy tính cơ bản nên chuyển sang khoa học máy tính dữ liệu. Nên dạy thuật toán, học lập trình từ cấp 3 thay vì lên đại học mới học.

Hai là,Việt Nam chúng ta cần tìm cách tạo dữ liệu trong nhiều lĩnh vực như y tế, giao thông, nông nghiệp, khí hậu. Ngoài ra, chúng ta không nên đầu tư nghiên cứu cơ bản dàn trải như hiện nay. Thay vì đó, trong phân ngành này, nên tập trung các cá nhân tinh hoa, tạo ra được những nghiên cứu, công bố quốc tế chất lượng cũng như tạo ra được những sản phẩm có giá trị.

TS Bùi Hải Hưng cũng cho rằng, khó khăn mà cả Google hay Thung lũng Silicon Valley gặp phải là thiếu nhân tài. Việt Nam cũng đang gặp phải vấn đề này. Vì vậy, việc đào tạo những thế hệ tiếp theo, các kỹ sư, nhà nghiên cứu có khả năng làm việc hiệu quả trong lĩnh vực này rất quan trọng.

“Ở nước ta, dữ liệu thu thập chưa được bao nhiêu lại chưa khai thác ngay được, cũng chưa có người để có thể ứng dụng được dữ liệu đó. Vì vậy AI chưa phát triển mạnh. Việt Nam phải bắt đầu từng bước một, phải trữ dữ liệu trước trong tất cả các ngành”.

 GS Vũ Hà Văn, Ðại học Tổng hợp Yale (Mỹ)

MỚI - NÓNG