Chuyên gia: 'Giao thông công cộng ở Hà Nội chưa đủ để cấm xe máy'

Tuyến đường Lê Văn Lương - một trong những trục giao thông dự kiến cấm xe máy. Ảnh: Bá Đô.
Tuyến đường Lê Văn Lương - một trong những trục giao thông dự kiến cấm xe máy. Ảnh: Bá Đô.
Ông Bùi Danh Liên lo ngại cấm xe máy trên tuyến Lê Văn Lương, người dân sẽ dồn sang đường khác và tổng phương tiện cá nhân không giảm.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030; nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực đủ điều kiện hạ tầng như đường Lê Văn Lương hoặc đường Nguyễn Trãi sau khi đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động (tháng 4/2019).

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông cho hay việc cấm xe máy sẽ không tiến hành nóng vội mà được nghiên cứu thấu đáo để khả thi, bảo đảm điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của nhân dân ở khu vực liên quan.

Bên cạnh ý kiến đồng tình, đề xuất trên nhận được nhiều phản biện từ người dân và chuyên gia. 

Chị Nguyễn Thị Quyên ở Cầu Trắng (Hà Đông) thường xuyên đi làm bằng xe máy trên đường Nguyễn Trãi cho biết ủng hộ chủ trương của Sở Giao thông. Theo chị, trước khi cấm, thành phố cần có giải pháp khuyến khích người dân sử dụng hệ thống xe buýt, tàu điện vào giờ cao điểm, đơn cử như giảm giá vé hay tổ chức các điểm trông giữ xe máy dọc theo trục giao thông này để người dân tiện sử dụng khi cần thay đổi phương tiện. 

Chuyên gia: 'Giao thông công cộng ở Hà Nội chưa đủ để cấm xe máy' ảnh 1 Bản đồ đường Nguyễn Trãi ở Hà Nội.

Ông Thanh Minh (phường Mỗ Lao, Hà Đông) tỏ ra bất ngờ và lo lắng khi có thông tin cấm xe máy trên tuyến Lê Văn Lương. "Ngày nào tôi cũng phải dùng xe máy đi làm. Nếu cấm loại phương tiện này thì tôi phải đi nhiều chặng xe buýt mới đến được chỗ làm, rất bất tiện và mất nhiều thời gian", ông chia sẻ. 

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhận định, các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi đã có hệ thống giao thông công cộng song chưa đủ, xe buýt thường và xe buýt nhanh không được kết nối tốt và số hành khách chưa đạt mục tiêu; tàu điện trên cao thì chưa rõ hiệu quả.

"Xe buýt trên các tuyến này mới đáp ứng khoảng 15-20% nhu cầu hành khách. Do vậy lệnh cấm cấm xe máy sẽ không khả thi, cấm đường này thì xe sẽ dồn sang đường kia và thành phố vẫn không tránh khỏi ùn tắc trên diện rộng ở khu vực trung tâm. Theo tôi Hà Nội nên thí điểm vào năm 2025, khi giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại tốt hơn", ông Liên nói.

Chuyên gia: 'Giao thông công cộng ở Hà Nội chưa đủ để cấm xe máy' ảnh 2 Đường Nguyễn Trãi có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sắp vận hành. Ảnh: Giang Huy. 

Ngoài ra, ông cho rằng trên cùng một tuyến đường, khi cấm xe máy thì thành phố phải áp dụng thu phí cao với ôtô nếu không sẽ gây mất bình đẳng xã hội. Cơ quan nhà nước cũng cần vận động cán bộ sử dụng xe buýt thay vì đi xe cá nhân. "Biện pháp tình thế để hạn chế ùn tắc trên đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi là Sở Giao thông làm giải phân cách mềm, buổi sáng tăng phần đường cho phương tiện đi vào thành phố, chiều làm ngược lại", ông hiến kế. 

Đồng quan điểm, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia bày tỏ, hai hai tuyến đường nêu trên là trục giao thông huyết mạch của thủ đô, "nếu cấm xe máy ở Lê Văn Lương thì đông đảo người dân không có cách nào khác phải luồn lách qua Trần Duy Hưng, nghĩa là chúng ta không đạt được mục tiêu giảm phương tiện cá nhân". 

Cũng theo ông Tạo, dù đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi tới đây sẽ có cả xe buýt nhanh và đường sắt đô thị, nhưng do giao thông công cộng ở Hà Nội chưa được khép kín giúp người dân đi từ điểm đầu đến điểm cuối, nên hai loại hình đó chỉ là phương tiện phối hợp, không thể thay thế hoàn toàn xe máy.

TS Đinh Thị Thanh Bình (Đại học Giao thông Vận tải) phân tích thêm, "giao thông công cộng ở Hà Nội như bức tranh vẽ dở, chưa phủ khắp các trục chính và vành đai, trong khi nhiều người dân không chỉ có nhu cầu di chuyển cố định một đoạn đường mà còn đi lại nhiều nơi khác, họp hành, đón con, buôn bán, mua sắm..., nên họ sẽ không muốn rời bỏ xe máy".

Bà Bình cho rằng, nếu Hà Nội muốn thí điểm thì trước mắt nên hạn chế xe máy theo khung giờ (áp dụng vào giờ cao điểm) và có phương án phân luồng phù hợp; đồng thời bố trí điểm dừng đỗ vận tải công cộng, tăng bãi đỗ xe để tạo thuận lợi cho người dân. 

Chủ trương dừng hoạt động xe máy từ năm 2030 tại các quận là một trong những nội dung của nghị quyết về tăng cường quản lý giao thông đường bộ, được HĐND TP Hà Nội thông qua giữa năm 2017.

Theo đó, thành phố sẽ tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn; phân vùng hạn chế hoạt động của loại phương tiện này phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Nghị quyết này cũng nêu rõ, chủ trương của thành phố là giảm tất cả các loại phương tiện giao thông cá nhân chứ không chỉ xe máy.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG