Chuyên gia giải thích vì sao việc tìm kiếm tàu ngầm Indonesia lại khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của hải quân Indonesia mất tích hôm thứ Tư. Alex Widojo / Anadolu Agency / Getty Images
Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của hải quân Indonesia mất tích hôm thứ Tư. Alex Widojo / Anadolu Agency / Getty Images
TPO - Vì sao việc tìm kiếm tàu ngầm luôn khó khăn? Hãy nghe một cựu sỹ quan tàu ngầm của Hải quân Mỹ giải thích.

Cuộc tìm kiếm một tàu ngầm Hải quân Indonesia mất tích đã được tiến hành trong nhiều ngày, và thời gian không còn nhiều nữa, các hy vọng dường như đã tan dần.

Bryan Clark, một cựu sĩ quan tàu ngầm của Hải quân Mỹ cho biết: “Các tàu ngầm được thiết kế để khó bị phát hiện, đây là vấn đề có thể xảy ra khi một chiếc bị chìm”.

Các tàu ngầm được chế tạo để thâm nhập vùng biển của đối phương, áp sát và giao tranh với các lực lượng hải quân của đối phương, bắn vào các mục tiêu mặt đất bằng tên lửa hành trình và đạn đạo, thậm chí đưa lực lượng bí mật vào lãnh thổ/lãnh hải đối phương.

Không phải tàu ngầm nào cũng có thể thực hiện mọi nhiệm vụ, nhưng bất kể nhiệm vụ và khả năng của tàu như thế nào, khả năng tàng hình được coi là quan trọng hàng đầu.

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 là một tàu ngầm tấn công diesel-điện do Đức sản xuất đã hơn 40 năm tuổi.

Do tuổi đời của tàu ngầm, nó có thể thiếu lớp phủ và các tính năng tàng hình ở các tàu mới hơn, ngay cả sau khi được tân trang vào năm 2012, mang lại cho các đội tìm kiếm và cứu hộ một chút lợi thế khi họ cố gắng tìm kiếm nó, nhưng những thách thức khác sẽ lấn át bất kỳ lợi thế tiềm năng nào.

Trong trường hợp khẩn cấp, tàu ngầm có thể kích hoạt thiết bị “ping” trên tàu hoặc gửi một phao phát tín hiệu theo dõi được (trường hợp tàu ngầm của Indonesia có các hệ thống này và các hệ thống đang hoạt động cũng như thủy thủ đoàn tàu ngầm biết cách sử dụng chúng và không bị mất năng lực hành động). Thiết bị phát tín hiệu “ping” là cực kỳ giá trị vì cho phép các đội tìm kiếm và cứu hộ sử dụng sonar thụ động để quét một vùng biển rộng lớn hơn cùng với các công cụ khác.

Không có dấu hiệu nào cho thấy KRI Nanggala-402 đang tạo ra âm thanh có thể hỗ trợ việc tìm kiếm. Ông Clark, một chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson của Mỹ, suy đoán rằng nếu con tàu tạo ra âm thanh, nó có thể đã được xác định vị trí.

"Nếu nó gây ra âm thanh dù ở dạng gì, nó sẽ dễ dàng được tìm thấy hơn nhiều", ông nói.

Không có tiếng “ping” báo sự cố hoặc các loại tiếng động khác, các đội tìm kiếm và cứu hộ bị hạn chế khi sử dụng sonar chủ động, thu hẹp phạm vi quét và kéo dài thời gian cần thiết để tìm kiếm một khu vực.

Trong khi sonar thụ động liên quan đến việc lắng nghe âm thanh phát ra từ các vật thể trong đại dương, sonar chủ động phát ra tiếng ping rồi lắng nghe tiếng vọng từ các vật thể trong đại dương.

Hải quân Indonesia xác định tàu ngầm biến mất ở vùng biển phía bắc đảo Bali. Các nhóm tìm kiếm đã sớm nhận thấy vết dầu loang trong khu vực tìm kiếm của họ, thu hẹp phạm vi quan tâm.

Tại khu vực chung này, các đơn vị tìm kiếm đã phát hiện một vật thể có "cộng hưởng từ trường mạnh" có thể phát ra từ tàu ngầm mất tích.

Mặc dù những diễn tiến này đã làm giảm đáng kể kích thước tổng thể của khu vực tìm kiếm, nhưng vẫn còn rất nhiều điều để xem xét. Indonesia có hàng chục tàu và máy bay, được hỗ trợ bởi các lực lượng quốc tế tham gia cuộc tìm kiếm.

Hải quân Indonesia cho biết con tàu có thể đã chìm ở độ sâu hơn 600m, điều này chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm công việc tìm kiếm.

Độ sâu đó không chỉ vượt quá độ sâu tối đa của con tàu, có khả năng gây nguy cơ vỡ thân tàu, mà còn có thể khiến nó nằm ngoài tầm với của các phương án thu hồi hiện có.

Việc tìm kiếm những thứ dưới đáy đại dương cũng khá khó khăn, ông Clark nói.

"Giống như chúng ta đã thấy với nhiều vụ tai nạn hàng không, thật khó để tìm thấy thứ gì đó, thậm chí là lớn, khi nó rơi xuống đáy biển, bởi vì nó bị trộn lẫn trong đống lộn xộn dưới đó," ông nói.

Tàu ngầm ARA San Juan của hải quân Argentina bị mất tích vào năm 2017. Mãi cho đến một năm sau, các đội tìm kiếm mới tìm thấy con tàu, 44 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng, dưới đáy đại dương ở độ sâu khoảng 1.000m.

Ông Clark cho biết: "Nếu một chiếc tàu ngầm diesel nhỏ như chiếc của Indonesia chìm trong độ sâu hơn 600m, nó khó có thể sống sót."

MỚI - NÓNG