Theo các chuyên gia tham dự tọa đàm Giải bài toán chi phí kinh doanh - Khơi thông "điểm nghẽn" cung ứng xăng dầu, do báo Công Thương tổ chức ngày 10/11, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, bài toán cần lời giải không chỉ nằm ở nguồn cung, chi phí kinh doanh, mà còn nằm ở rất nhiều yếu tố khác như quản lý chất lượng, hệ thống phân phối.
Cùng đó, để ổn định thị trường xăng dầu, cần tổng hòa các giải pháp, song trước mắt, vẫn là tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, từ đó ổn định sản xuất kinh doanh, giữ cho dòng chảy xăng dầu được thông suốt.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng, doanh nghiệp xăng dầu đang đối mặt quá nhiều khó khăn khi bị lỗ, bị thâm hụt vào nguồn vốn, không có tiền để nhập hàng tiếp. Cú sốc quá lớn của thị trường xăng dầu cũng bộc lộ sự yếu kém về cơ chế quản lý. Vì vậy, cần tái cấu trúc lại, cơ cấu lại, đi theo cơ chế thị trường chứ không phải quản lý hành chính như từ trước đến nay.
Theo ông Thịnh, bên cạnh việc điều chỉnh kịp thời của cơ quan quản lý, bản thân các doanh nghiệp cũng phải minh bạch hoạt động, chi phí thông qua công bối công khai các báo cáo tài chính, báo cáo số liệu kinh doanh xăng dầu.
Để thị trường vận hành hiệu quả, theo ông Thịnh, bên cạnh việc rà soát lại tất cả các kế hoạch từ nhập khẩu đến tiêu thụ của các địa phương trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023, các bộ ngành cũng nên có kế hoạch dài hạn để điều chỉnh các chi phí phù hợp, đảm bảo doanh nghiệp có chi phí kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, ông Thịnh cho rằng phải có cơ chế cụ thể giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp cung ứng, bán lẻ. Về lâu dài, phải hướng đến kinh tế thị trường, ở đó Nhà nước chỉ định ra cái khung còn doanh nghiệp có quyền hoạt động độc lập, quyết định về giá, về chi phí.
“Nếu ông nào tiết kiệm được chi phí thì ông đó được hưởng. Rõ ràng chúng ta phải xây dựng thị trường xăng dầu từng bước từng bước một”, ông Thịnh nói.
Doanh nghiệp xăng dầu bị lỗ kéo dài từ đầu năm đến nay khiến nhiều cây xăng phải đóng cửa |
Phải để doanh nghiệp có lãi
Khẳng định cuộc khủng hoảng xăng dầu lần này có khác biệt hẳn với các đợt khủng hoảng trước, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho biết, doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn thời gian qua do chưa được tính đúng, tính đủ chi phí, kéo theo việc bị lỗ nên gặp những khó khăn.
Cụ thể, theo quy định của Nghị định 95, những chi phí này được tổng kết, điều chỉnh lại sau 6 tháng nhưng việc này không được thực hiện kịp thời.
“Nhẽ ra đợt điều chỉnh ngày 11/11 này không diễn ra, mà phải từ 1/1/2023 nhưng hiện nhập khẩu thực tế đã ở mức 11 USD, trong khi công thức chỉ tính có 3 USD/thùng. Rõ ràng doanh nghiệp nhập khẩu vẫn bị tính thiếu khoảng 6 USD/thùng kéo theo việc càng nhập về thì bị lỗ xấp xỉ 1.000 đồng/lít”, ông Bảo nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, điểm vướng nữa hiện nay liên quan đến chiết khấu là chi phí lưu thông. Năm 2014 khi làm Nghị định 83, mức phí tính là 1.350 đồng/lít. Năm nào Bộ Tài chính cũng rà soát và nhưng đến nay mọi thứ đã thay đổi và mức tính này cũng không được điều chỉnh.
“Hải quan yêu cầu các đầu mối nhập khẩu tự động kết nối, thuế cũng yêu cầu, chuyển đổi số của hệ thống, thanh toán không tiền mặt… tất cả phải có chi phí, chi phí rất lớn. Nhưng nguồn ở đâu? Nó chỉ nằm trong chi phí về lưu thông. Doanh nghiệp đã kiến nghị lên rất nhiều, cần có giải pháp tháo gỡ sớm”, ông Bảo nói.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cũng cảnh báo việc còn 1 tháng rưỡi nữa sẽ bắt đầu trở lại việc hoàn Thuế Bảo vệ môi trường, do đó, nếu cơ quan chức năng không xử lý sớm thì việc tăng thuế đột ngột trở lại sẽ càng khó cho doanh nghiệp trong ngành.
Cùng với đó, để đảm bảo các doanh nghiệp nhập khẩu không bị lỗ, cần sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bù đắp cho khoản lỗ trong kinh doanh. Đấy là biện pháp vừa làm dung hoà được giá bán cho người dùng và cũng là biện pháp cam kết với doanh nghiệp.