Chuyện gì đang xảy ra ở chợ Hà Vỹ?

Chuyện gì đang xảy ra ở chợ Hà Vỹ?
TP - Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội), sau những ngày “biển lặng”, nay “đại náo” trở lại. Vì sao chỉ một chợ gia cầm, mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mới đây phải yêu cầu tới 3 bộ (Công Thương, NN&PTNT và Công an) phải bắt tay, cùng “làm sạch”?

> Gà thải loại 'giết' ngành chăn nuôi

Nhiều kiốt ở chợ Hà Vỹ vẫn bán gà loại thải nhập lậu (Ảnh chụp ngày 14-10). Ảnh: Phạm Anh
Nhiều kiốt ở chợ Hà Vỹ vẫn bán gà loại thải nhập lậu (Ảnh chụp ngày 14-10). Ảnh: Phạm Anh.

Gà lậu lại tràn ngập

Sau những ngày vắng bóng trong tháng 8, gà loại thải lậu (còn gọi là “gà trọc đầu”) từ Trung Quốc nay lại được bán nhiều tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Trở lại chợ Hà Vỹ ngày 14-10, quan sát của PV, có gần chục kiốt nhốt bán gà trọc đầu trong chợ.

Lông gà lẫn bụi, cuộn mù mịt sau vệt bánh xe máy mới vù qua, quyện trong mùi tanh hôi nồng nặc của phân gia cầm.

Thấy chúng tôi hỏi mua gà, chị N., chủ một kiốt ở dãy A, nhanh nhảu: “Mua đi các anh ơi, gà mía Đông Anh đấy, giá chỉ 65.000 đồng/kg thôi. Giá đó đã giảm hơn 10.000 đồng/kg so với tháng trước rồi”. Nhìn hình dáng, thực chất đây là gà Trung Quốc.

Cách đó vài ki ốt cua chị Quyên bán giá gà ta Bắc Giang giá 53.000 đồng/kg. Chị Quyên cho biết, gà ta ở Bắc Giang, Hải Dương đều khó bán, vì gà lậu Trung Quốc về quá nhiều.

Chỉ mấy tiếng đồng hồ tại Hà Vỹ, chúng tôi thấy hàng trăm chiếc xe máy, ô tô ra vào chợ, chở đầy gà rồi tỏa đi các hướng, trong đó không ít lồng ních đầy gà trọc đầu. “Mỗi ngày ít cũng 5-7 tấn gà lậu về chợ” - chị Quyên nói.

Ông H., một tay buôn gà lậu ở làng Hà Vỹ (xã Lê Lợi) cho biết, gà lậu thường chạy từ Móng Cái (Quảng Ninh) và Lạng Sơn, trong đó khoảng 80% tuồn qua đường Móng Cái.

Gà lậu về chợ Hà Vỹ thường đi qua Khoái Châu (Hưng Yên), sau đó cập bến đò An Cảnh (xã Lê Lợi) lúc nửa đêm về sáng.

Theo ông H., muốn lấy hàng phải đặt trước với mối gom (đầu nậu), sau khi gà về ở Khoái Châu, qua đò An Cảnh rồi xé lẻ bằng xe máy.

Có dạo, cơ quan chức năng làm căng, nên phải xé nhỏ ở Hưng Yên, rồi mới đưa về Hà Vỹ. “Còn bây giờ, chú muốn mua bao nhiêu chỉ cần báo trước, hàng lúc nào cũng sẵn” - ông H. khẳng định.

Ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban quản lý chợ Hà Vỹ cho biết, chợ Hà Vỹ có 162 ki ốt, chia A và B (81 ô) bày bán gà, dãy C, D là khu bán vịt, ngan để dễ kiểm soát.

Theo quy định, gia cầm đưa vào chợ phải xuất trình giấy tờ kiểm dịch, nguồn gốc, có kẹp chì, nêu rõ số lượng.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, chẳng có trật tự nào như ông Viết nói, vì khu bán ngan, vịt có nhiều kiốt bán gà; còn hàng trăm xe máy, ô tô ra vào, nhưng nào ai thấy “cơ quan liên ngành”.

Tại chốt kiểm dịch ở cổng chợ, máy phun khử trùng “có mặt”, còn cán bộ kiểm dịch thì đâu không thấy.

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, cách đây hơn một tuần, cơ quan liên ngành đã huy động trên 50 chiến sỹ công an, lực lượng thú y, quản lý thị trường mới bắt được một xe chở hơn 3 tấn gà lậu.

Qua kiểm tra, lô gà không có giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, lái xe khai vận chuyển từ Móng Cái về. Cơ quan chức năng phát hiện trên xe gà lậu này có hơn chục biển kiểm soát của Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên…

Chuyện gì xảy ra?

Hà Vỹ là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc, đây cũng được xem là “chợ kiểu mẫu” buôn bán gia cầm của cả nước.

Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, chợ thiết kế mỗi ngày khoảng 1 vạn con gia cầm, sau đó nâng lên khoảng 3 vạn, nhưng bây giờ, thực tế gia cầm vào chợ đã lên tới 80-100 nghìn con, thậm chí hơn, gấp tới 3-4 lần so với thiết kế, gây quá tải về xử lý chất thải, quản lý, kiểm soát dịch bệnh.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, cả hai chiếc xe hút lông, rác nhỏ dự án không chạy được, 5 máy phun tiêu độc khử trùng, mới chỉ dùng một, còn lại vẫn đóng thùng, nguyên đai, nguyên kiện; việc quy định dùng bơm cao áp, cọ rửa từng ngày cũng chưa thực hiện. Các hộ buôn bán gia cầm tự tháo sàn lồng của dự án đưa về nhà, làm thay đổi thiết kế ki ốt chợ.

Ông Cấn Xuân Bình, Quyền Chi cục trưởng Thú y Hà Nội cho biết: “Khi vận chuyện từ Móng Cái về Hà Vỹ, phải qua bốn năm tỉnh, nếu có chủng virus mới, nó rải khắp đường các tỉnh, thành. Muốn kiểm soát dịch bệnh, không thể làm ở ngọn, mà phải làm ở gốc, tức là các tỉnh biên giới. Thứ nữa, thú y không phải là lực lượng chống buôn lậu, mà là ban chỉ đạo 127, đặc biệt ở Trung ương các tỉnh biên giới phải vào cuộc” - ông Bình nói.

Ông Bình cho hay, chợ Hà Vỹ hiện họp 24/24 giờ, không phải lúc nào cũng duy trì kiểm soát được, cứ sểnh ra là có chuyện. Mặt khác, do địa bàn chợ sát với Hưng Yên, nên kể cả công an kiểm soát cũng rất khó.

Ông Bình nói: “Nếu phát hiện có công an tại chợ, họ báo sang bên kia sông thì dân buôn giải tán ngay, trong khi bên kia (Hưng Yên) không có công an trực, mà công an bên này không thể sang bên kia. Cái này, chỉ cấp bộ mới làm được”.

Báo cáo gà lậu tại chợ Hà Vỹ vào cuối tháng 11-2012

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Hà Nội phối hợp với các bộ và địa phương liên quan, có biện pháp ngăn chặn việc nhập lậu với gia cầm ở Hà Vỹ, báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về vệ sinh ATTP vào cuối tháng 11-2012.

Theo Phó Thủ tướng, việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu làm nguy cơ lây bệnh cúm gia cầm, ảnh hưởng xấu đến giá thị trường, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, bức xúc trong xã hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG