Chuyện ghi dọc đường cứu trợ

Bà con vùng rốn lũ Quảng Bình chờ nhận quà cứu trợ. Ảnh: Trường Phong.
Bà con vùng rốn lũ Quảng Bình chờ nhận quà cứu trợ. Ảnh: Trường Phong.
TP - Trên con phố lớn ở trung tâm thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), một khách sạn treo biển giảm giá 50 % tiền phòng cho các đoàn cứu trợ đồng bào lũ lụt. Trên nhiều tuyến đường dẫn đến các vùng rốn lũ, hàng trăm chuyến xe ngược xuôi vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận tay bà con. Nhiều người bảo, chưa từng thấy tinh thần tương thân, tương ái lên cao đến thế…

Áo Đoàn không kịp khô

Từ Hà Nội, vượt qua hơn bốn trăm cây số, đoàn cứu trợ báo Tiền Phong cùng nhiều doanh nghiệp đến Quảng Bình sau trận lũ lịch sử. Dù biết Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Quốc Tuấn đang đi trao quà cho bà con vùng rốn lũ, nhưng chúng tôi vẫn ghé qua Tỉnh Đoàn để lên kế hoạch, phối hợp trao quà. Lúc chúng tôi đến, một số cán bộ văn phòng đang bốc hàng cứu trợ của Thành Đoàn Hà Nội lên xe để đi vào vùng rốn lũ. 

Một cán bộ Tỉnh Đoàn nói, đã vài ngày nay, cán bộ, công nhân viên cơ quan được phân công dẫn các đoàn cứu trợ đi hết, chỉ còn một vài anh em ở nhà lo đón tiếp, bốc dỡ hàng hóa cứu trợ chuyển vào. “Trung bình mỗi ngày khoảng gần chục chuyến hàng thế này chuyển đến tận tay bà con”, anh này nói.

Ngày đầu tiên, chị Lê Tâm, cán bộ Văn phòng Tỉnh Đoàn Quảng Bình được giao nhiệm vụ đi cùng đoàn cứu trợ của báo Tiền Phong trao quà tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) và các hộ dân sập nhà, có người chết tại thị xã Ba Đồn và huyện Tuyên Hóa. Dọc đường đi, chị Tâm bảo, người dân Quảng Bình đã chịu nhiều khổ cực do thiên tai, giờ lại thêm lũ lụt, không biết bao giờ mới trở lại bình thường được. Ngay ở Cảnh Dương, gần 20 tàu cá đánh bắt xa bờ của bà con bị hư hỏng nặng, bị chìm. Nhiều chủ tàu mất trắng, có người thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Chị Lê Tâm, cán bộ Văn phòng Tỉnh Đoàn Quảng Bình kể, ngay cả Bí thư, Phó bí thư Tỉnh Đoàn cũng đang bị vợ giận, vì đi suốt từ hôm bão lũ đến giờ. “Có ai được về nhà nhiều đâu. Đi suốt từ sáng đến tối, về lại phải tổng hợp hàng hóa cứu trợ mới chuyển đến, rồi giấy tờ, sổ sách, lên kế hoạch cho hôm sau”, chị Tâm nói.

Ông Trần Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương bảo, sau vụ Formosa, những tàu cá đánh bắt gần bờ đã “nằm yên”, bây giờ thêm vụ bão lũ, nhiều tàu cá vốn đánh bắt ở ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa cũng bị hư hỏng, khó lòng ra khơi, bám biển. Nói thay các ngư dân, ông bảo, chỉ mong ngân hàng ưu đãi cho những chủ tàu có thêm kinh phí, đóng tàu để đánh bắt xa bờ, vừa giúp ngư dân vượt qua khó khăn, lại thêm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trong câu chuyện với đoàn cứu trợ, chị Tâm kể, nhà cửa của các cán bộ Tỉnh Đoàn cũng bị ngập, nhưng nhiệm vụ cứu trợ được đặt lên hàng đầu. Chị kể, nhiều khi đi cứu trợ cả ngày, đói lả người nhưng không ai dám ăn, dù chỉ là một gói mì hàng cứu trợ bà con. “Bà con thấy thì không hay, mang tiếng lắm”, chị Tâm nói.

Đến huyện Tuyên Hóa, chị Tâm gọi điện cho Phó Bí thư Huyện Đoàn đưa đến các hộ dân trong vùng bị thiệt hại nặng. Dù đã yêu cầu đưa đoàn đi cứu trợ thì cán bộ phải mặc áo Đoàn để dễ nói chuyện và tạo sự tin tưởng cho bà con, nhưng anh cười trừ, bảo có 3 chiếc áo xanh, nhưng vì phải hoạt động liên tục, thời gian gấp rút nên áo giặt phơi chưa kịp khô.

Tình người trong lũ

Thị xã Ba Đồn và huyện Tuyên Hóa là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lụt vừa qua. Lũ dâng cao, nhiều hộ mất nhà cửa. Dọc tuyến đường chúng tôi đến, vết lũ vẫn in hằn lên cây cối, nhà cửa, ruộng vườn. Trong suốt những ngày tổ chức phát quà cứu trợ cho bà con vùng rốn lũ Tuyên Hóa, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn…điều mà đoàn cứu trợ nhận thấy là tình cảm của đồng bào trong thời khắc gian khó.

Thấy đoàn cứu trợ đến phát quà, chị Đinh Thị Vạn (xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn) kéo phóng viên lại trò chuyện. Dù bản thân cũng bị nước ngập ướt hết đồ đạc, tài sản, không nhận được phiếu phát quà, nhưng chị vẫn bảo để nhường cho những người khó khăn hơn. “Từ hôm nọ đến nay tôi nhận được 12 gói mì tôm rồi. Nhà có 2 mẹ con, mỗi người được 6 gói”, chị Vạn nói. 

Chị bảo, con gái chị mới học lớp 7, chị đi dọn vệ sinh UBND xã để kiếm thêm tiền nuôi con. “Hôm trước bà con cho bò lên tầng 2 nên hôm nay phải dọn dẹp lại. Họ thuê thì làm thôi, chứ cũng không biết được bao nhiêu tiền”, chị Vạn nói. Vừa quét dọn, thỉnh thoảng, chị lại ghé vào cửa sổ xem hàng xóm, láng giềng nhận quà. “Cứ có đoàn về trao quà là bà con vui rồi”, chị Vạn cười.

Chỉ cho đoàn cứu trợ xem căn nhà 2 tầng đổ nát trên mảnh đất bị lũ cuốn đi một nửa, bà Nguyễn Thị Thành (thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa) bảo, chưa bao giờ nước lũ dâng nhanh và mạnh đến thế. “Nếu không kịp thời di chuyển thì chắc là tôi cũng trôi theo dòng lũ rồi”, bà kể. Từ hôm sau vụ lũ lụt, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến tặng quà, với hy vọng giúp bà dựng lại căn nhà, ổn định cuộc sống.

 “Chắc tôi phải chuyển đi nơi khác, chứ chỗ này nguy hiểm quá”, bà Thành nói. Cách nhà bà Thành gần trăm mét, nhà ông Phan Đình Du cũng bị lũ cuốn trôi mất căn nhà chính. Hai vợ chồng phải quây lại căn bếp để sống qua ngày. 

Đưa đoàn cứu trợ đến bên nền nhà đổ nát, ông Du bảo, ngô bị lũ cuốn trôi, giờ nảy mầm ngay trên nền nhà. Bên cạnh, dòng nước xiết tạo rãnh sâu vài mét, kéo dài đến tận con đường cạnh đó, lột cả mảng bê tông. “Lúc đó 3h sáng, nước lũ dâng nhanh quá. Tôi thấy ầm một tiếng, căn nhà bị trôi mất một nửa. Nước dâng nhanh, vợ chồng tôi cố gắng tháo ngói để trèo lên ngọn cây xoài. Cũng may cây xoài không bị cuốn trôi”, ông Du nói.

Chuyện ghi dọc đường cứu trợ ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Minh, người hùng cứu 3 người trong dòng nước lũ. Ảnh: Trường Phong.

Chiếc xe tiếp tục lăn bánh, Phó bí thư Huyện Đoàn Tuyên Hóa đưa chúng tôi gặp một người không quản nguy hiểm trong đêm tối, cứu được gia đình 3 người trong dòng lũ dữ. “Ở đây ai cũng bảo anh ấy là người hùng”, Phó Bí thư Huyện Đoàn nói. Nghe điện thoại, anh Nguyễn Văn Minh (xã Thuận Hóa) khởi động xuồng, vượt qua sông Gianh sang đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ. 

Anh Minh sinh năm 1978, từ lọt lòng đã lập nghiệp trên sông. Nhớ lại hôm nước lũ dâng cao, anh bảo, nghe điện thoại báo có người kêu cứu giữa dòng nước, thế là nổ máy xuồng đi luôn. “Thấy bảo là họ đi xuồng sang giúp mẹ dọn đồ tránh lũ, lúc về nước ngập cao quá, xuồng vướng phải dây điện nên bị lật. Hai vợ chồng với đứa con chỉ bám vào chiếc áo phao rồi trôi theo dòng nước”, anh Minh nói.

Anh Minh kể, lúc đó cũng không nhớ chính xác giờ, chỉ nhớ nghe điện xong là đi luôn. Từ nhà anh chạy ngược dòng nước lũ khoảng 4km, quần thảo 2 vòng mới thấy ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pin của gia đình gặp nạn, đưa từng người lên xuồng rồi vòng trở về. Hỏi anh có sợ nguy hiểm không, anh bảo lúc chạy đi cũng không nghĩ gì, lấy hết can đảm mà đi thôi. “Nghe điện báo có người kêu cứu thì đi thôi”, anh Minh nói.

MỚI - NÓNG