Doanh nhân Nguyễn Hữu Dũng giao lưu văn nghệ với các trại viên Trại giam Nghĩa An.
Tôi rèn trong gian khó
“Thép đã tôi thế đấy” là quyển sách gối đầu giường của Nguyễn Hữu Dũng (khu phố 5, phường 1, TP Đông Hà) cũng như nhiều thanh niên cùng thời. Đến giờ, Dũng vẫn nhớ như in câu chuyện về chàng trai Pavel Korchagin luôn nỗ lực vượt qua mọi thử thách trong lý tưởng, tình yêu lẫn cuộc sống.
Dũng chào đời vào tháng 4/1972, trong những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến giải phóng quê hương Quảng Trị. Chỉ vài hôm sau khi sinh, Dũng được mẹ bế đi sơ tán, bỏ lại ngôi nhà nho nhỏ gần cổng Tây Thành cổ Quảng Trị. Trên đường vào Hải Lăng, mẹ Dũng cũng không ít lần ngã khuỵu, suýt tuột con khỏi vòng tay. Người mẹ trẻ chỉ thở phào khi biết mình đã chở che thành công đứa con mới chào đời. Thi thoảng, mẹ Dũng kể lại cho con câu chuyện về chuyến sơ tán không thể nào quên ấy. Bà muốn nhắn nhủ Dũng rằng: “Mình may mắn được sinh ra, vượt qua ranh giới sinh tử vậy thì hãy sống sao cho ý nghĩa”.
Cũng như lũ bạn bè đồng trang lứa, Dũng tự hào khi chào đời trong thời điểm nóng rẫy của chiến tranh và trở thành lớp công dân nhỏ tuổi nhất ở Quảng Trị được hít thở bầu không khí hòa bình. Chính dấu mốc lịch sử ấy khiến anh biết trân quý hòa bình. Và, cuộc sống vất vả nuôi Dũng lớn khôn từng ngày. Những năm đầu giải phóng, mẹ anh cùng đoàn người vai gánh, tay cuốc lên đường đến huyện Triệu Hải phá đồi, ngăn đập xây dựng đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Cha Dũng miệt mài trên những chuyến xe chở vật liệu cho các công trình. Bấy giờ lũ trẻ như Dũng cũng dần quen và yêu lao động. Dũng hiểu, một thanh sắt, thép dẫu gỉ sét cũng đáng quý vô ngần.
Trong giai đoạn khó khăn nhất của gia đình cũng như quê hương, đất nước, điều may mắn nhất đối với Dũng là được đến trường. Vậy nhưng, sau hơn một năm theo học Khoa Kinh tế, Đại học Nông-Lâm Huế (nay là Đại học Kinh tế Huế), chàng trai người Quảng Trị này đành phải nghỉ học vì gia đình quá khốn khó. Ghim nỗi buồn vào lòng, Dũng bươn bả lăn lộn đủ nghề, nào phụ xe, bốc vác rồi lái xe kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi em ăn học và ấp ủ giấc mơ trở lại giảng đường. Dũng bảo, em chưa bao giờ nghĩ mình bỏ học, chỉ là… dừng lại để đi tiếp mà thôi. Sau này, khi đã tốt nghiệp đại học và tìm được một vị trí trên thương trường, em vẫn không cho phép mình dừng việc học.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Dũng say mê với những dự án mới.
Xây thương hiệu “Đất Thép”
Ngay các đối tác làm ăn, khách hàng thân thiết của Dũng đều không ngờ vị doanh nhân, thành đạt này lại không mấy rành rẽ về ngành nghề cơ khí, kỹ thuật. Bù đắp cho sự “thiếu hụt” mà bản thân không ngại thừa nhận, Dũng có một cái đầu đầy ắp ý tưởng, khả năng quản lý tốt và năng khiếu thiên bẩm về kiến trúc, hội họa. Việc Dũng “rẽ ngang” mở một trung tâm cơ khí từng khiến nhiều người bất ngờ. Dũng bảo: “Thời nhỏ, chính những buổi lượm sắt vụn đã giúp em có thêm quyển sách, ngòi bút để đến trường. Lớn lên, em yêu từng chiếc máy gặt, máy xay xát… và các nông cụ làm người dân quê mình bớt khổ. Từ đó, em hiểu giá trị của sắt, thép và nghĩ mình cần dựa vào nó để bứt phá”.
Không để ý tưởng ngủ quên, Dũng miệt mài vào Nam, ra Bắc “tầm sư học đạo”, đêm ngày bên laptop tìm đọc từng cuốn sách, tập tài liệu… Hiểu điểm yếu lớn nhất của mình là tay nghề, Dũng về từng làng quê, vào tận lò rèn để tìm kiếm những người thợ giỏi. Điều đáng mừng là chỉ một thời gian ngắn sau ngày thành lập, năm 2009, trung tâm cơ khí của Dũng phát triển thành Cty cổ phần. Chọn cái tên “Đất Thép” như một lời vinh tôn, gợi nhắc đến quê hương, doanh nhân Nguyễn Hữu Dũng còn muốn khẳng định, ngày nay “chất thép” vẫn chảy thành dòng trong huyết quản nhiều người dân Quảng Trị. Để thương hiệu vươn xa, Dũng quyết tâm làm ra những sản phẩm trên cả mong đợi của khách hàng.
Làm ăn trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt song Dũng chưa bao giờ cho phép mình ích kỷ với nghề. Hiện anh đang tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động với thu nhập bình quân chục triệu đồng mỗi người/tháng. Dũng không tìm cách ràng buộc hay níu giữ những lao động muốn tách ra thành lập doanh nghiệp riêng. Hiện Quảng Trị có ít nhất 10 doanh nghiệp với người đứng đầu từng là “quân” của Dũng. Dũng bảo, em nghĩ cạnh tranh là chuyện tốt. Em tự tin rằng với ngọn lửa nhiệt huyết, đức tính ưa tìm tòi, kinh nghiệm quản lý…, mình sẽ vượt qua mọi sự cạnh tranh dẫu là khốc liệt nhất.
Lời nói ấy nhanh chóng được khẳng định. Những năm qua, Dũng đã xây dựng thành công thế “kiềng ba chân” cho Cty với việc phát triển cơ khí cổ truyền, cơ khí nội ngoại thất hiện đại và xây dựng dân dụng. Thương hiệu “Đất Thép” giờ vượt ra khuôn khổ quê nhà Quảng Trị, được rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Cùng với đó, sản phẩm do đội ngũ thợ lành nghề của Cty sản xuất đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín. Hiện Dũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm cơ khí hiện đại tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà với nguồn vốn ngót trăm tỷ đồng.
Nhắc đến Dũng, nhiều người nghĩ ngay tới một doanh nhân nặng lòng với cộng đồng. Vị doanh nhân từng trải bao gian khó này còn để lại dấu ấn tốt đẹp với những hoạt động từ thiện -xã hội ý nghĩa. Giữa cuộc sống thường nhật, Dũng trở về là một “nghệ sĩ”, yêu sáng tác nhạc, biên đạo, vẽ tranh… Có lẽ chính niềm đam mê này đã làm nên nét hào hoa của vị doanh nhân thép Nguyễn Hữu Dũng!
Dũng tự bạch trong face book của anh: “Biểu diễn trên nhiều sân khấu rồi. Chuyên nghiệp có, nghiệp dư có . Nhưng đây là lần đầu tiên Dũng hát trên sân khấu này. Thật xúc động. Lúc đầu nhìn hàng trăm phạm nhân mặt mày trầm tư bất cần đời... Nhưng khi mình xích lại đứng giữa họ, hòa đồng với họ và bắt nhịp cùng hát thì cảm giác vui sống, lạc quan yêu đời hiện lên trên ánh mắt và đôi tay vỗ nhịp. Mình cảm thấy rất vui khi làm được một điều thật ý nghĩa "Thắp sáng ước mơ hoàn lương".
(Chương trình do Hội doanh nhân trẻ Quảng Trị tham gia phối hợp với các tổ chức và Trại giam Nghĩa An, Bộ Công an, ngày 22/5/2016)