Tham dự Hội thảo có ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế quốc dân; ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số; ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là yêu cầu cấp thiết
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, trong những năm qua, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực về chuyển đổi số: Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xếp hạng chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13 (kết quả năm 2023 chưa công bố). Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 114 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã...
Chia sẻ giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Xuân Liêm, có được kết quả trên là do tỉnh Thanh Hoá có lộ trình về chuyển đổi số rất rõ ràng, hợp lý và bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức, sắp xếp các nhiệm vụ chuyển đổi số theo thứ tự ưu tiên (lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực, tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện); thực hiện chuyển đổi số thông qua mô hình thí điểm thành công rồi mới nhân rộng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm trao Bằng khen cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2023 |
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa chú trọng đến việc tuyên truyền về chuyển đổi số để thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp, qua đó làm thay đổi hành vi, thói quen, chuyển từ các phương thức truyền thống sang phương thức số, môi trường số, làm việc với công nghệ số... góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, hội thảo lần này là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có những góc nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đây cũng là dịp để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh Thanh Hóa được kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các sản phẩm dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam đã định hướng mô hình tăng trưởng dựa trên kinh tế số trong bối cảnh quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Thanh Hóa; chia sẻ các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; chuyển đổi số trong doanh nghiệp gắn với chuyển đổi xanh, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động; giới thiệu các nền tảng, giải pháp số để chuyển đổi số và áp dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh làm tăng năng suất, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp...
Tại hội thảo, các đại biểu được lắng nghe các tham luận như: Định hướng mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và kinh tế số tỉnh Thanh Hóa; Định hướng thúc đẩy Kinh tế số, Xã hội số tỉnh Thanh Hóa; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, khuyến nghị cho Thanh Hóa; Chuyển đổi kép - xu hướng phát triển kinh tế bền vững; Giải pháp chuyển đổi số từ cơ sở đến quản lý nhà nước hướng tới nền kinh tế nông nghiệp xanh bền vững; Xây dựng hạ tầng số xanh hướng đến phát triển bền vững; Công nghệ thông tin và chuyển đổi kép trong doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Định hướng thúc đẩy kinh tế số và xã hội số tỉnh Thanh Hóa
Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số-Xã hội số, Bộ Thông tin & Truyền thông, Thanh Hóa hiện đứng thứ 3 cả nước về dân số nhưng GDP xếp thứ 29/63 tỉnh, thành. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Thanh Hóa đạt 7,01%. Toàn tỉnh hiện có 615 doanh nghiệp công nghệ số, xếp thứ 32 cả nước và xếp thứ 5 vùng Bắc Trung Bộ.
Để thúc đẩy kinh tế số, Thanh Hóa cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; phát triển Khu công nghệ thông tin; tập trung phát triển ngành bán dẫn và điện tử; chuyển đổi số các khu công nghiệp; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, giá trị cao gắn với du lịch, thúc đẩy kinh tế xanh.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động mua bán hàng hóa lên sàn thương mại điện tử: Đề xuất các doanh nghiệp Thanh Hóa tăng cường các hoạt động bán buôn (đặc biệt là nông sản) trên các nền tảng xuyên biên giới, nền tảng số (platform) cho hoạt động bán buôn (Viettel Post). Sản phẩm nông nghiệp phải truy xuất được nguồn gốc và phải gắn với du lịch. Sản xuất nông lâm nghiệp cần hướng tới kinh tế xanh.
Đối với các giải pháp để thúc đẩy kinh tế số: Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng bài toán phát triển kinh tế số có trọng tâm, trọng điểm, có tính dẫn dắt, đột phá; các bộ, ngành hướng dẫn chi tiết cho các địa phương dùng nền tảng số dùng chung, không dùng các ứng dụng công nghệ thông tin rời rạc để có dữ liệu; xác định những nền tảng nào trung ương làm/địa phương làm; tích hợp các nền tảng có tính hạ tầng trong việc triển khai các ứng dụng số; làm thí điểm, tìm ra các công thức thành công để nhân rộng; xây dựng các Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số tại các địa phương; hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng số, ứng dụng số giải quyết, tháo gỡ điểm nghẽn, từ đó thúc đẩy kinh tế số.
Về xã hội số cần triển khai phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn; phổ cập và đa dạng hoá các dịch vụ số tiện ích sử dụng chữ ký số; ứng dụng việc sử dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng việc sử dụng chữ ký số trong các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp như: học bạ điện tử, sổ sức khỏe điện tử, hợp đồng lao động điện tử...
Cũng tại hội thảo, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tôn vinh, khen thưởng 35 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác chuyển đổi số. Tổng kết, trao giải cuộc thi trực tuyến trắc nghiệm tìm hiểu về CĐS tỉnh Thanh Hóa năm 2024, Ban tổ chức đã trao 28 giải/4 tuần, gồm 4 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba, 12 giải Khuyến khích.