Chuyện đời của “mẹ mìn” Nguyễn Thị Lệ

Chuyện đời của “mẹ mìn” Nguyễn Thị Lệ
TP - Tiếp xúc với người thân và đại diện chính quyền nơi Nguyễn Thị Lệ (người bắt cóc cháu bé tại BV Phụ sản T.Ư) sinh sống có thể phác thảo cuộc đời không bình thường của người phụ nữ “mẹ mìn” này.

 > Thủ tướng gửi thư khen Công an Hà Nội
 > Phía sau người đàn bà bắt cóc cháu bé

Nguyễn Thị Lệ tại cơ quan điều tra
Nguyễn Thị Lệ tại cơ quan điều tra.

Hai lần xe hoa vội vã

Tại xã Trung Sơn (Việt Yên, Bắc Giang), đến sáng qua ông Nguyễn Khắc Sử, bố Lệ vẫn chưa hết bàng hoàng về việc con gái lại là người đã bắt cóc cháu bé. Qua lời kể đứt quãng của ông Sử với PV Tiền Phong, Lệ là con gái thứ hai trong gia đình thuần nông có 4 anh chị em. Tuổi thơ của Lệ ngắn ngủi hơn so với chúng bạn bởi cuộc hôn nhân vội vàng khi Lệ mới 16 tuổi. Nhưng, chỉ sau 3 tháng cưới xin, Lệ lại ôm quần áo về với bố mẹ.

Từ đó, Lệ lang bạt kỳ hồ, ít dịp về quê. Ông Sử nói không biết chính xác con mình làm gì, chỉ thấy cô chẳng mấy khi gửi tiền về. Cũng thời gian ấy, Lệ đi lại với một người đàn ông quê Hưng Yên và sinh một con trai. Lệ ôm con về với bố mẹ khoảng 3-4 tháng, rồi để con lại ra đi, thi thoảng mới ghé về. Cách đây không lâu, phía gia đình bố cháu bé đòi đón cháu về nuôi, ông Sử không đồng ý.

Tháng 8-2011, ông Sử thấy một chiếc xe ô tô đem lễ vật cau trầu xin được đón dâu. Nhà trai nói vì Lệ mang thai nên phải cưới. Đám cưới chóng vánh, chỉ có vài mâm cơm mời người thân 2 bên gia đình. Đến tận bây giờ, ông Sử vẫn chưa đến thăm gia đình chồng Lệ. Theo ông được biết, chồng Lệ làm thợ mộc, cũng từng có một đời vợ.

Nói dối là mua con nuôi

Khoảng tháng 10, gia đình ông Sử được Lệ thông báo đã sinh cháu nhưng không cho ai tới chăm sóc. “Quả thực lúc đó tôi vẫn nghi. Tôi cũng lờ mờ đoán nó nói dối thế để che mắt 2 bên gia đình” - ông Sử nói.

Cũng theo ông Sử, trưa 3-11, Lệ bỗng đi taxi về nhà với một đứa bé trên tay và có cô vừa mua được của một nữ sinh viên “trót dại” với giá 5 triệu đồng. Cháu bé được gia đình ông Sử cùng chăm bẵm, nuôi bằng sữa ngoài.

PV Tiền Phong (trái) trò chuyện cùng gia đình chồng Lệ
PV Tiền Phong (phải) trò chuyện cùng gia đình chồng Lệ .

“Đứa nhỏ rất ngoan, hầu như không mấy khi khóc và ăn tốt” - ông Sử kể. Đến tối 6-11, gia đình ông Sử nhận được điện thoại từ phía gia đình chồng Lệ yêu cầu phải đưa cháu về Hà Nội. Khi biết tin con gái mình chính là người bắt cóc cháu bé tại BV Phụ sản T.Ư, ông không khỏi bàng hoàng.

Có con để được cưới?

Cũng trong sáng qua, PV Tiền Phong có mặt tại nhà chồng Lệ ở xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội. Khá khó khăn, PV tiếp cận được ông Nguyễn Văn Thọ, bố anh Nguyễn Văn Tường (chồng Lệ). Ông Thọ (từng là trưởng thôn) khá kiệm lời khi kể về cô con dâu.

Nhân viên bệnh viện thay tã cho cháu Trường Ảnh: Trường Phong.
Nhân viên bệnh viện thay tã cho cháu Trường Ảnh: Trường Phong..

Ông cho biết, Lệ về ở với gia đình ông được mấy tháng nay, song cô có biểu hiện sinh hoạt thất thường, hay vắng nhà dài ngày. Mặc dù gia đình ông không đồng ý nhận Lệ làm dâu, nhưng cũng không phản đối thái quá, thậm chí những ngày Lệ báo sắp sinh con, cả gia đình ông còn hồ hởi đón nhận tin vui…

Cháu nhớ mẹ, nhớ em

Ông Tống Quang Học, Trưởng Công an xã Trung Sơn xác nhận, tháng 6-2011, Lệ đến xã xin giấy giới thiệu để đăng ký kết hôn tại Hà Nội. Con trai trước của Lệ là cháu Đ. được sinh ra tại BV Phụ sản T.Ư. Cô giáo Nguyễn Thị M. (Trường Mầm non bán công Trung Sơn), phụ trách lớp cháu Đ. cho biết, Đ. sinh năm 2006, giấy khai sinh chỉ ghi tên mẹ…

Hiện Đ. vẫn ở với ông bà Sử. Trong câu chuyện hồn nhiên với PV, Đ. kể mấy hôm trước mẹ có mang một em bé về, em rất ngoan và cháu rất quý em. Bây giờ, cháu rất nhớ mẹ, nhớ em…

Ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết: Do không được gia đình chấp nhận cuộc hôn nhân này, tháng 7-2011, anh Tường và Lệ tự đến UBND xã đăng ký. Khoảng 4 năm trước, anh Tường từng lấy vợ tại Vĩnh Phúc, không có con chung, rồi cô vợ bỏ đi. Sau đó, cơ quan chức năng tổ chức ly hôn đơn phương theo đề nghị của anh Tường.

Khác với gia đình ông Thọ, nhiều người dân trong làng khi được hỏi cho biết, họ từng tỏ ý nghi ngờ việc Lệ mang bầu. Nhiều người còn đồn đoán Lệ mang thai giả, bởi họ thấy giai đoạn sắp sinh nhưng Lệ không có biểu hiện kiêng khem, kèm theo là thái độ lảng tránh mọi người.

Chị Nguyễn Thị T (bán hàng nước gần nhà anh Tường) kể: “Từ ngày cô ấy xuất hiện ở làng, chúng tôi không bao giờ thấy cô ấy mó tay vào làm bất cứ việc gì, chỉ suốt ngày son phấn. Đã vậy, cô này thường xuyên thoắt ẩn, thoắt hiện. Có khi cô ấy về nhà anh Tường dăm ba ngày, đùng cái lại đi đâu đó dăm bảy hôm, không hiểu cô ấy làm nghề gì nữa!”.

Nhiều người cho rằng, rất có khả năng do áp lực cấm đoán từ gia đình chồng, cũng như việc sợ lặp lại câu chuyện trong quá khứ của anh Tường (từng có vợ, không có con và chia tay) nên Nguyễn Thị Lệ tìm mọi cách có con, kể cả phạm pháp để được thừa nhận thân phận con dâu…

Luật sư của gia đình bị hại:

“Cũng nên thông cảm, Lệ chỉ vì mong muốn có con”

“Người mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em dưới bất cứ hình thức nào sẽ bị phạt tù từ 3 đến 10 năm tù” – luật sư Cao Bá Trung, người bảo vệ quyền lợi gia đình cháu bé bị bắt cóc cho biết. Đây là quy định tại Khoản 1, Điều 120 BLHS, về tội chiếm đoạt trẻ em trái phép.

“Tuy việc làm của Nguyễn Thị Lệ gây tổn thất lớn đến uy tín, tinh thần của các bác sỹ BV Phụ sản T.Ư, cũng như gây nhiều đau khổ cho gia đình anh Chiều, chị Thơm (bố mẹ cháu bé bị bắt cóc) nhưng cũng nên thông cảm với Lệ, vì sức ép của gia đình, vì mong muốn có con nên Lệ mới trộm đứa trẻ về nuôi” - Ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, sáng qua, anh Phạm Xuân Chiều, bố cháu bé bị bắt cóc đã có buổi làm việc với ông. Anh Chiều đề nghị, nếu kết quả xét nghiệm mẫu ADN của cháu Trường khớp với mẫu của anh Chiều, gia đình sẽ rút đơn đề nghị khởi tố các nhân viên, y tế, bác sỹ BV Phụ sản T.Ư. Việc xử lý Nguyễn Thị Lệ sẽ được CQĐT xem xét, gia đình không có ý kiến.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.