Chuyện của người phát hiện Sơn Ðoòng

Cái tên Hồ Khanh khiến thêm nhiều người biết đến khu nghỉ cạnh sông Son này. Ảnh: N.M.Hà.
Cái tên Hồ Khanh khiến thêm nhiều người biết đến khu nghỉ cạnh sông Son này. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Tôi đến ở khu nghỉ Hồ Khanh chỉ vì nó có vị trí đẹp, tất nhiên không để ý chủ nhà là ai. Cho đến khi chúng tôi đang ăn bữa tối do vợ anh nấu, và anh ra chào khách. Cuộc trò chuyện ngoài dự kiến với người phát hiện ra Sơn Ðoòng lập tức diễn ra. Nếu động kia không lớn nhất thế giới, hẳn đã mang tên anh rồi.

Sự tích Sơn Ðoòng

Hồ Khanh có ngoại hình thon gọn, khá trẻ so với ngấp nghé 60. Hiện anh vẫn tham gia dẫn khách thám hiểm Sơn Ðoòng, nhưng công việc chính của người làm “nghề hang động” vẫn phải là phát hiện hang mới. Ngoài hang lớn nhất quả đất, Hồ Khanh cho hay còn tìm ra trên 20 hang nữa. Trong đó một số đã đưa vào khai thác như hang Va, hang Nước Nít, hang E, hang Tối, hang 116, hang 24…

Nghề hang động của Hồ Khanh khởi phát từ một nghề khác. Anh bắt đầu theo đàn anh đi tìm trầm năm 16 tuổi. Người tìm trầm ban đầu đi cùng nhau. Nhưng chỉ sau một đêm, mỗi người tự tỏa ra mỗi hướng. Cuối ngày ai không cắt nổi đường tìm về lán sẽ phải tự tìm chỗ qua đêm. Khanh hay để ý tìm hang từ thuở đó vì anh biết trong hang thường có nước - thứ tối quan trọng với người tìm trầm. Lâu ngày thành kinh nghiệm, anh có thể dựa vào thế núi, dòng nước mà đoán chỗ nào có hang. Cho đến khi Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCA) đến Phong Nha cần thổ địa dắt đi (cho đỡ tốn kinh phí), thú vui tìm hang của Hồ Khanh được dịp phát huy. Anh chỉ việc đưa họ lại những hang mình đã biết.

“May mắn thì đời mình, chứ không phải đời con cháu mới khám phá được hết Sơn Ðoòng, vì nó nhiều ngóc ngách lắm. Vào được nửa động là dòng suối đổ xuống sâu tới 50m. Phương tiện thám hiểm còn nghèo nàn chưa đủ thiết bị tối tân xuống đến mức đó, nên mình mới chỉ đi phần hang khô. Nếu có người dân nào phát hiện được cửa sau của hang nước đó thì gọi là may mắn.”

 Nhà thám hiểm hang động Hồ Khanh

Hồ Khanh: “Trong quá trình làm trầm, từ khoảng 1990, tôi qua một khu vực thấy một hang khác thường. Tôi đến đó lúc nào cũng thấy sương mù từ trong bốc ra, trước cửa hang gió thổi ra phải tầm cấp 5-6.”

Chuyên gia của BCA, TS. Howard Limbert nghe kể, giục Hồ Khanh đi tìm lại ngay (Hồ Khanh phát âm tên Howard thành “hồ-uốt” như thể cả hai cùng họ): “Cậu cố gắng đi. Bọn tôi không có tiền để cậu đi tìm đâu. Cậu cố gắng tìm như kiểu từ thiện…” Năm 2008, Hồ Khanh đánh đường đi tìm lại, thấy luôn. Năm sau, Hội của Limbert qua quyết định vào hang ngay.

“Ngày đầu tiên họ bảo hang rất tốt. Ngày thứ hai: Hang này có thể lớn nhất thế giới. Ngày thứ tư về kẻ vẽ lại sơ đồ. Ngày 5 quay lại. Bốn ngày tiếp theo lại quay lại, đáng ra quay lại sớm hơn nhưng mất 2 ngày chờ lũ rút. Về công bố nội bộ: Ðã thấy hang lớn nhất thế giới,” Hồ Khanh thuật lại. Phải sang 2010, có sự xác nhận của giới địa chất quốc tế, độ lớn của hang mới chính thức được loan báo.

Tất nhiên số người đến Phong Nha để đi Sơn Ðoòng không nhiều, nhưng cái danh của hang góp phần quan trọng hút khách đến nơi này. “Thời xưa vùng này nghèo lắm, dưới trung tâm du lịch còn chưa sầm uất bằng khu này bây giờ. Bến thuyền nhỏ, lạc hậu lắm. Ðường từ dưới đó lên đây khó đi, chưa rải thảm thế này. Chiến tranh, vùng này tan nát hết. Ðến 2010 công bố tìm ra Sơn Ðoòng, du khách dồn dập đổ về, bắt đầu nảy ra làm homestay.” Hồ Khanh là một trong những người đầu tiên ở làng Phong Nha làm homestay vào 2012. Anh tự trấn an, lỡ không có khách thì lấy chỗ cho mình ở sau này. Bởi anh có “tật” cứ ra thành phố mươi ngày là lăn ra ốm. Nhưng rồi homestay của anh nhanh chóng trở thành quá nhỏ, phải phá đi làm lại.

Ban đầu hang mặc nhiên mang tên người phát hiện ra nó nhưng vì lớn nhất thế giới nên Howard bàn với Khanh đặt tên khác. Hồ Khanh phân tích, vùng này gọi xứ Ðoòng (“đoòng” tức là “rừng”) chia ra thành hai vùng Thượng và Hạ. Hang thuộc vùng dưới, vậy lấy tên Hạ Ðoòng? Howard cho tên vậy không đẹp và góp ý, cửa hang ở lưng núi thì đặt là Sơn Ðoòng? Hai bên thống nhất và hang lớn nhất thế giới có tên từ đó.

Liều mình với nghề

“Ðã gọi là nghề phải có nguồn thu nhập chứ nhỉ, ai sẽ trả tiền khi anh tìm được hang?” Hẳn là nhiều người chung thắc mắc đó với tôi. Hồ Khanh đáp: “Không có gì. Riêng với Sơn Ðoòng, tôi giành được 2 bằng khen của tỉnh kèm 750.000 đồng/cái và Huân chương Lao Ðộng của Nhà nước kèm 5.300.000 đồng, chấm hết.”

Tất nhiên những ngày đi thám hiểm cùng BCA, có công tác phí mà theo anh so với nghề khác không đáng là bao. Vào mùa du lịch, hãng lữ hành Oxalis trả anh 700 ngàn/ngày, cơm nuôi để dẫn khách thám hiểm Sơn Ðoòng. Trong khi thù lao cho các hướng dẫn viên khác là 550 ngàn. Ðương nhiên với du khách thì câu chuyện của chính người tìm ra hang sẽ đậm đà hơn. Nhưng thu nhập đó cũng chỉ đều được cỡ nửa năm. Hết mùa thăm hang, anh trở về phụ vợ trông nom homestay.

Nghề hang động đương nhiên cần những người can trường hơn là khỏe, theo Hồ Khanh. Bằng chứng là bị rạn xương đầu gối cách đây 6 năm, nhưng anh vẫn không dừng lại. Chuyến đi tìm hang đó, anh phải bỏ dở để về Ðồng Hới chữa trị. Lành rồi, nhưng đi nhiều vẫn đau. Thái tử Ả-rập đi chơi hang thấy chân hướng dẫn viên đau, ngỏ ý tài trợ chữa trị toàn bộ tại Thái Lan, kể cả thay khớp gối. Nhưng Hồ Khanh không chịu. Chắc noi gương ông anh “Hồ Uốt”, cũng chấn thương đầu gối mà vẫn bó chân đi tìm hang.

Hồ Khanh: “Ði nhiều mới biết nghề hang động nhiều mạo hiểm. Ở Việt Nam thì chưa, chứ trên thế giới chết vì hang động nhiều”. Anh kể, mỗi dịp sang Anh dự đại hội của BCA, nếu có nhà thám hiểm nào tử nạn thì người đó sẽ được đúc tượng đồng để… bán làm đồ lưu niệm. Mỗi bức tượng gắn một viên đá đen đánh dấu vị trí thương tích. “Trên thế giới, họ hay bị tai nạn là vì hang của họ quá bé,” anh lý giải. “Vì núi đã bị khai thác cạn kiệt nên hang dễ sập. Còn hang ở Quảng Bình quá lớn nên giảm được độ tai nạn”.

Hồ Khanh còn nhiều việc để làm. Anh cho hay vẫn còn nhiều hang anh phát hiện từ hồi đi rừng sở dĩ chưa quay lại được vì ở xa. Không phải các nhà thám hiểm ngại đi mà là vì đã đi thì phải mang đủ đồ ăn và nước sinh hoạt. Người nước ngoài không thể chịu khổ như dân tìm trầm. Cho nên còn phải chờ BCA tìm kinh phí cho những chuyến đi dài, lên tới 10-12 ngày.

Sao tỉnh nhà thu được nhiều nguồn lợi từ du lịch hang động mà không đầu tư tìm hang mới nhỉ, tôi buột miệng. Anh trầm ngâm: “Cái đó mình có suy nghĩ một tí. Ðánh lẽ trích ra mấy % từ tiền thuế môi trường cho người làm hang động. Vì họ bỏ công đi tìm, họ không sử dụng đồng tiền đó vào lợi ích riêng mà để phát triển công việc”.

Lộc hang

Hồ Khanh xác nhận đã có 300 hang động đã được phát hiện ở Phong Nha. Trong đó một số hang đủ đẹp để khai thác du lịch nhưng chưa ai biết. “Cái nào gần họ "ăn" đã,” anh tiết lộ “Chỉ cần đi 2-3 ngày đường, nhiều cái đẹp lắm. Nó không phải hang lớn để công bố ra thế giới nhưng đủ điều kiện làm du lịch so với nơi khác. Bên Anh họ trân trọng hang của họ, trong khi không bằng cái hang mình bỏ đi. Bên Mỹ cũng vậy. Nghe họ quảng bá mình tưởng khiếp lắm, cố gắng tới xem nhưng tới rồi không muốn xuống nữa mà(!)”

Cơ duyên đưa Hồ Khanh đến Mỹ cũng tình cờ. Một nhà thám hiểm hang động và núi lửa ở Mỹ tìm đến nghỉ nhà Hồ Khanh. Ở đến ngày thứ hai bỗng ngỏ lời mời chủ nhà sang Mỹ chơi. Ðã nói là làm, chỉ 4 ngày sau khi vị khách về Mỹ, cả nhà Hồ Khanh được mời ra Hà Nội làm thủ tục xuất cảnh. Riêng cậu con trai bận học đành ở nhà.

Chắc chắn danh tiếng của người tìm ra Sơn Ðoòng đem lại cho Hồ Khanh nhiều thứ ngoài mong đợi. Ngoài việc du khách khắp nơi trên thế giới biết tiếng ông chủ mà tìm đến homestay, ngay cơ ngơi đó được gây dựng cũng dựa trên cái danh của chủ nhân. Hai vợ chồng anh cho hay hiện còn nợ gần 800 triệu mà không phải của ngân hàng. Tức là chỉ cần biết Hồ Khanh mua là từ người bán vật liệu xây dựng đến chăn ga gối đệm đều sẵn sàng cho chịu. “Không phải nói chứ giờ đi mượn trăm triệu vèo cái có liền,” anh cười nói. “Quan trọng là có trả được không!”

MỚI - NÓNG