Chuyện cũ ở thủ phủ cà phê

0:00 / 0:00
0:00
Mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên
Mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên
TP - Tây nguyên bạt ngàn những đồi cà phê. Đến Tây Nguyên để được say trong chất cà phê ngọt đắng và say cả một mùa hoa trắng, trái đỏ mọng lối. Đằng sau đó để thấu hiểu cuộc sống của người nông dân làm cà phê cả năm “ăn cơm đứng”.

Kỳ 1: Tha phương cầu... việc

Sáng sớm, trong các lô, rẫy cà phê rậm rịch đã có mấy trăm người thi nhau tuốt quả. Không phân biệt chủ, tớ, họ “buôn” chuyện râm ran từ chuyện mình đến chuyện người rồi cùng cười vang. Có nhóm người mở điện thoại hát inh ỏi cả góc vườn… Đó là mùa thu hoạch cà phê Tây Nguyên.

Tôi đi hái cà phê thuê

Vào mùa cà phê, đi dọc quốc lộ 14, các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông đội ngũ xe ôm đứng, ngồi chờ khách ken dài. Tại ngã 3 Pơng Drang (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) tạt vào một quán cà phê, người ta có thể nghe đủ thứ chuyện của cánh xe ôm. Tôi hỏi nơi thuê hái cà phê, ông Đỗ Quang Hân (40 tuổi), một người chạy xe ôm nhiều năm cho biết: “Vào mùa thu hoạch, một lượng lớn lao động tứ xứ đổ về hái thuê. Họ tranh thủ vài tháng kiếm thêm thu nhập. Về giá cả, hầu như các tỉnh Tây Nguyên ngang nhau. Trước đây khi nạn “cà phê tặc” hoành hành, chủ vườn cà phê bắt những người tỉnh khác đến làm thuê phải khai báo tạm trú kèm ảnh. Mấy huyện quanh đây đa số là người Nghệ An, Hà Tĩnh nên hầu hết gọi người quen ở quê vào phụ hái, ít khi thuê người lạ”.

Nhờ người quen giới thiệu, tôi đi hái thuê cho chủ vườn ở huyện Krông Năng. Chủ vườn Hoàng Văn Hiu có 3 ha cà phê. Trong nhà ông có 2 lao động làm thường xuyên. Hiện cà phê chín rộ nên ông nhờ người quen tìm thêm 4-5 nhân công thu hoạch. “Tiền công có giá chung, 180-200 nghìn đồng/ngày công, nếu hái khoán 100 nghìn đồng/tạ. Người làm thuê phải có giấy tờ tùy thân để quản lý an ninh. Mấy năm gần đây, việc tìm nhân công rất khó, nhà nào cũng trồng cà phê nên chỉ trông chờ lượng lao động từ vùng khác đến. Chủ vườn và người hái thuê chỉ có sự thỏa thuận miệng với nhau. Hai bên đáp ứng được yêu cầu thì làm việc”, ông Hiu cho biết.

Tôi ở cùng phòng với chị Phạm Thị Hương (quê Nghệ An) tại nhà chủ rẫy. Đêm về nằm giữa vườn cà phê, nghe tiếng côn trùng rả rích. Bên bóng điện lờ mờ, chị Hương nói: “Tôi đã hái thuê cho chủ vườn này được hơn 3  năm. Họ là nông dân nên hiểu vất vả của người làm. Mình làm được việc, chủ nhà cho quà và tiền vé xe. Nhiều người gặp chủ khó tính, chuyện làm thêm giờ, công việc không liên quan là thường”.

Trước khi đi ngủ, chị Hương mang đèn pin cùng tôi đi một vòng rẫy. Đêm ấy chỉ nghe tiếng chó sủa xa xa và tiếng gió rít từng hồi trong vườn cà phê trĩu quả. Trở về nhà, chị Hương nằm xuống bấm điện thoại, cho tôi xem ảnh đứa con thứ 2 mới gần 5 tuổi. Khuôn mặt chùng xuống, chị kể: “Khi nó gần 2 tuổi, tôi đã vào đây hái thuê. Hai chị em ở nhà với bà ngoại. Gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên chồng đi phụ hồ và làm những công việc khác để kiếm tiền. Mỗi năm chỉ có một vụ mùa, người ta cần nhân công nên tôi lại lên Đắk Lắk hái cà phê thuê”.

  “Nhiều vợ chồng ở cùng xã phải gửi con lại quê để lên đây kiếm việc làm. Nếu không có những vườn cà phê này, chắc nhiều người phải vào Nam đi làm công nhân”, câu chuyện của chị rù rì trong màn đêm lạnh buốt rồi chúng tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Hái phải có nghề

Chuyện cũ ở thủ phủ cà phê ảnh 1 Mọi người nghỉ trưa tại rẫy

Tinh mơ, cái lạnh còn luồn trong từng cơn gió, chị Hương lay mạnh tôi: “Dậy đi, nhanh lên, mặt trời mọc đến nơi rồi còn ngủ thì ai hái cho”. Mắt nhắm, mắt mở, tôi mặc đồ lao động cắp bạt lên rẫy. Trên đường, người ta í ới gọi nhau, từng tốp chạy xe máy, tốp ngồi công nông, lỉnh kỉnh mang bao bạt, cơm đùm cơm nắm. Nhà vườn nào cũng chuẩn bị hơn chục chiếc bạt lớn, loại bạt dài 4-5 mét và trăm chiếc bao (loại trên 50kg) để hái cà phê. Hai hoặc bốn người một cây trải bạt vòng kín gốc. Họ mang bao tay, vặn tuốt từng chùm quả. Tôi chỉ tuốt chừng vài cây đã bã tay.

Cùng hái thuê với chúng tôi có 5 người đàn ông đều hơn 40 tuổi ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Trong đó, anh Trọng, anh Ba đã lên Đắk Lắk cả tháng hái tiêu, hái cà phê cho họ hàng. Gương mặt xám màu vì giá lạnh, anh Trọng cho biết: “Tôi ở cách đây hơn 10km. 4 giờ sáng, tôi dậy nấu ăn rồi chuẩn bị cơm mang theo ăn trưa. Ở ngoài quê gặp ai thuê gì làm nấy, quen lao động chân tay nên công việc hái thuê này cũng không khó. Giữa mùa, tôi cũng có khoản tiền khá gửi về cho gia đình”.

Tôi ngồi xuống uống cùng anh Ba ngụm trà trong thùng nhựa bên vệ đường, anh bảo: “Hái nhanh nhưng phải sạch, tránh rơi vãi, hạn chế tuốt nhiều lá xanh hoặc làm gãy cành để cà phê không bị kiệt sức. Nhiều người hái thuê muốn nhanh, tuốt từ đầu cành đến ngọn, gặp chủ đòi hỏi khắt khe nên người làm phải có tay nghề. Nếu hái không đúng, ảnh hưởng chất lượng, giá trị thu về thấp”. Anh Trọng ngồi cạnh cho biết thêm: “Nghề này phải có sức khỏe, kỹ năng và làm hài lòng chủ. Muốn có hợp đồng lâu bền với các chủ vườn, dân hái cà phê thuê phải đảm bảo uy tín. Nếu chịu khó, một ngày có thể hái được 3-4 tạ. Công việc này mang lại thu nhập đáng kể”.

Gần 12 giờ trưa, tôi mệt lả. Thấy thế, chị Hương động viên: “Cô nhặt cà rơi dưới mấy hố kia nhé, chúng tôi hái xong hàng rồi nghỉ luôn”. Hơn 12 giờ rưỡi, mọi người chọn một gốc cà phê sum suê tán lá trải bạt nghỉ trưa. “Con ở nhà ngoan, ráng chăm học với nghe lời ông bà. Ít hôm nữa bố về dắt 2 chị em đi mua đồ nhé”, anh Ba tranh thủ gọi điện về hỏi thăm gia đình. Phần cơm mang đi của những người hái thuê khá đơn giản: Rau xào, muối vừng lạc, trứng chiên. Mọi người cùng quây quần ăn chung. Chị Hương hay chuyện khi nhìn thấy tay tôi bị xước rớm máu: “Cô lần đầu đi hái thuê à, tay phồng rộp giống tôi lúc mới hái. Dù mang bao tay mà vẫn xước đau, nhưng cố làm kịp người ta, lâu dần, tay chai không đau nữa. So với việc ruộng đồng ở quê thì nghề hái cà thuê cho thu nhập cao hơn”.

Ông Nguyễn Văn Hiệp (41 tuổi) trong bộ quần áo lao động cũ nhàu cùng đôi giày thể thao đã ngả màu tâm sự: “Cũng mệt lắm cô à. Đó là chưa kể hôm mưa phùn, ốm rồi sốt. Nhưng vui vì có việc mà làm, ở quê cũng không biết làm gì. Đây là số tiền mà mỗi người như chúng tôi để dành trang trải cuộc sống hằng ngày”.

Ông Hoàng Văn Hiu (chủ vườn cà phê huyện Krông Năng) cho biết: “Vào vụ vất vả nhất, ngày hái, tối tranh thủ xay xát. Các chủ vườn còn căng mình với nạn trộm cắp. Hầu hết nhà một nơi rẫy một nẻo, mất trộm không quá lạ. Thế nên, nhà nào cũng phải cử người ở rẫy. Dù xót của và uất ức vì bị hái trộm nhưng phần đông nông dân chọn giải pháp nếu gặp trộm sẽ xua cho chạy, không dám làm căng. Theo họ, việc mất vài tạ cà phê không là gì so với việc kẻ trộm quay lại phá hoại cả vườn để trả thù”.

(Còn nữa

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.