Người dân hái những trái cà phê đã chín đỏ
Đắk Lắk được ví là thủ phủ cà phê của Tây Nguyên với trên 200 nghìn hecta cà phê. Mùa này, trong các rẫy cà phê luôn râm ran tiếng cười nói; rào rạt âm thanh quả cà phê rơi xuống bạt. Những bàn tay thoăn thoắt vặn từng chùm quả chín đỏ giữa mùa gió lạnh khô se sắt.
Hai tấm bạt được trải dưới gốc ghép lại với nhau để hứng quả cà phê chín, khi quả cà phê trong bạt nhiều và nặng, người nông dân dồn lại nhặt sạch những cành gãy, lá rụng rồi đổ vào bao.
Anh Hoàng Đình Tân (chủ một vườn cà phê ở huyện Krông Năng) cho biết: “Dù được mùa hay mất mùa, giá cao hay giá thấp, nỗi lo trước nhất của người dân trồng cà phê là phải tìm được người thu hoạch để kịp thời vụ. Nếu cà phê không được hái đúng thời điểm, sẽ bị giảm trọng lượng và chất lượng, bên cạnh đó chủ vườn còn chạy đua với nạn trộm cắp. Những năm gần đây, việc tìm nhân công thu hoạch cà phê không dễ. Đây chỉ là công việc thời vụ kéo dài hơn 1 tháng nên chỉ thu hút được số nhân công canh tác loại cây khác và tranh thủ lúc nông nhàn để làm thêm. Ở đây nhà nào cũng trồng cà phê nên chỉ có thể trông chờ lượng lao động từ vùng khác đến”.
Chị Hoàng Thị Thư (40 tuổi, quê Nghệ An) vào hái cà phê thuê cho một chủ vườn ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng) chia sẻ: “Nghề này đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe, cẩn thận và làm hài lòng chủ nữa. Chúng tôi hái khoán nên hái nhanh nhưng phải sạch, tránh rơi vãi, hạn chế tuốt nhiều lá xanh hoặc làm gãy cành để cà phê không bị kiệt sức. Khi hái được chia thành 2 đợt; Đợt 1 chủ yếu là hái (hái bói) quả chín trên vườn rẫy; đợt 2, hái hết quả của cây. Nếu hái không đúng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị thu về thấp”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (xã Ea Tar, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) cho biết: “Nhà tôi có 1 hecta cà phê đang cho thu hoạch ổn định. Năm nay, mưa kéo dài, đất đủ ẩm nên cà phê có lượng nước ổn định, chúng tôi tập trung bón phân, chăm sóc nên lượng quả nhiều, bóng mẩy… Năm trước mất mùa, 1ha cà phê chỉ thu được khoảng 2 tấn, năm nay có khả năng sẽ thu được gần 3 tấn nhân”.
Đến vụ thu hoạch, người dân quần quật trên rẫy từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Hiện nay, giá cà phê nhân ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, chỉ dao động ở mức 30 - 33 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá khá thấp, nhưng người nông dân vẫn gắn bó với cà phê, xen canh các loại cây ăn quả khác để kiếm thêm thu nhập.