Chuyện buồn dưới chân núi Ka Đay

Chuyện buồn dưới chân núi Ka Đay
TP - Tục lệ hôn phối cận huyết thống, cùng huyết thống của người dân tộc Chứt dưới chân núi Ka Đay, xã Hương Liên (Hương Khê - Hà Tĩnh) dai dẳng bao đời nay. Bản Rào Tre tự dựng lên một hàng rào để cô lập mình.

>Món quà vô giá bên núi Ka Đay

Tuyến tỉnh lộ 17 dẫn thẳng vào bản Rào Tre, ô tô có thể vào tận bản. Cánh đồng trước bản đã xanh màu mạ non. Giữa bốn bề núi rừng, dưới ngọn núi Ka Đay, tiếng nhạc trẻ xập xình, mở hết công suất.

Câu chuyện hôn nhân của người Chứt từ lâu được chính quyền địa phương biết rõ. Ấy nhưng, người Chứt ở Rào Tre sau mấy chục năm được đưa ra khỏi rừng sâu, được đầu tư, chăm lo, vẫn không thoát khỏi những tập tục cổ xưa. Hôn nhân cùng huyết thống, cận huyết thống vẫn tiếp diễn, đói nghèo vẫn vậy.

Ông Đậu Xuân Lệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Liên, được giao nhiệm vụ cắm bản Rào Tre từ năm 2006, đọc vanh vách tên tuổi của 32 hộ dân với 128 nhân khẩu. Sinh ra lớn lên tại địa phương, gia đình nằm ngay đầu bản Rào Tre, ông Lệ nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình.

“Dân Chứt còn nghèo, nhận thức còn thấp lắm. Số tiền mà nhà nước đầu tư vào bản Rào Tre đã lên đến con số khổng lồ, trâu bò hết lượt này đến lượt khác, vậy nhưng không thay đổi được bao nhiêu!” - ông Lệ nói.

Được bộ đội biên phòng, chính quyền hướng dẫn trồng trọt, canh tác lúa nước nhưng “vận động người dân mới chịu xuống đồng. Gạo làm ra chỉ đủ để người dân tự túc được 3 tháng trong năm, còn lại nhà nước lo. Muốn dân xuống đồng cũng đâu có dễ, phải phát gạo họ mới chịu xuống đồng” - ông Lệ nói.

Người Chứt chỉ lấy người Chứt. 32 hộ dân, thanh niên lớn lên, quẩn quanh rồi lấy nhau. Hôn nhân huyết thống, cận huyết thống là chủ yếu. Những điển hình như trường hợp Hồ Viết Lương lập gia đình với Hồ Thị Loong có mối quan hệ huyết thống rất gần là con chị và con em, nay lấy nhau đã có 4 mặt con; Hồ Viết Bốn lấy Hồ Thị Bình là con em lấy cháu của anh; Hồ Viết Hà lập gia đình với Hồ Thị Sâm cũng có quan hệ huyết thống gần gũi…Và nhiều đôi vợ chồng khác là anh em nội tộc.

Ghé nhà Hồ Thị Bình ngay trung tâm bản Rào Tre. Một nhóm chị em tập trung ngồi kháo chuyện bằng giọng của người Chứt. Thấy khách lạ, Bình tỏ ra bẽn lẽn. Ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ không có gì đáng giá. Bình 19 tuổi, đang bồng đứa con gần 2 tuổi. Đứa bé là kết quả của tình yêu giữa Bình và Hồ Viết Bốn, mà trong quan hệ gia đình là con em và cháu anh. Bình lập gia đình năm tròn 17 tuổi. Hỏi chuyện hôn nhân, Bình đáp: “Không lấy nó thì lấy ai. Cái duyên cái số, yêu nhau thì lấy nhau thôi”.

Cạnh nhà Bình là ngôi nhà của vợ chồng Hồ Viết Hà và Hồ Thị Sâm. Nhà đôi vợ chồng trẻ này cũng nghèo khó. Hai người là anh em gần huyết thống. Hà và Sâm yêu nhau và lấy nhau từ tuổi mười tám, đôi mươi. Bồng đứa con nhỏ trên tay, Sâm nói: “Con em bị dị tật từ nhỏ, mất đi một bàn chân. Vợ chồng em là anh em họ hàng với nhau. Chơi với nhau từ nhỏ, rồi yêu nhau và lấy nhau dù biết là anh em họ hàng. Ở đây là vậy, không lấy Hà em chẳng biết lấy ai”.

Đáng thương nhất là trường hợp vợ chồng Hồ Cương, Hồ Thị Thành có con 5 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. Cả hai cùng chung máu mủ ruột rà, cùng sinh ra và lớn lên ở bản Rào Tre. Đứa con của vợ chồng này đau ốm triền miên, 2 vợ chồng chạy xuôi chạy ngược lo thuốc thang nhưng đến nay cháu bé ngày càng ốm yếu. Mới tháng trước, vợ chồng bồng bế con xuống Bệnh viện Hà Tĩnh chữa trị. Biết hoàn cảnh, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ hơn 17 triệu đồng.

Bản Rào Tre có 32 hộ với 128 nhân khẩu, chỉ tính riêng lứa tuổi thanh thiếu niên, số nam giới có 16 người thì nữ giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, hầu hết là anh em họ hàng. “Hầu hết thanh niên, nam nữ của Rào Tre không đủ tự tin, không dám ra xã Hương Liên, Hương Lâm để tìm vợ, tìm chồng là người Kinh bởi quan niệm, phong tục, tập quán, suy nghĩ còn hạn chế. Thanh niên từ các thôn làng lân cận cũng còn nặng nề chuyện lấy vợ, lấy chồng là người Chứt”, ông Lệ phân tích. Một nguyên nhân khác mang tính “cục bộ” cũng được ông Lệ nhắc đến và là vấn đề nhức nhối của địa phương, đó là tình trạng, thanh niên từ các bản Cà Xen, Bách Tài, bản Chuối, bản Kè ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) qua chơi tìm hiểu trai gái, luôn bị thanh niên trong bản đập đánh, đuổi về. Và ngược lại, thanh niên bản Rào Tre qua các bản này cũng bị tương tự. Nhiều vụ ẩu đả đã xảy ra, mặc dù nhiều đợt họp cụm tuyến biên giới tỉnh đã đề cập, tìm giải pháp nhưng nay vẫn vậy.

Bà Hồ Thị Nam: “Lấy người ngoài là mất đi truyền thống văn hóa, mất tiếng nói của cha ông”
Bà Hồ Thị Nam: “Lấy người ngoài là mất đi truyền thống văn hóa, mất tiếng nói của cha ông”.

Tại bản Rào Tre duy nhất chỉ có một gia đình có vợ là người Kinh. Đó là trường hợp của Hồ Viết Bình và Nguyễn Thị Mai. Chị Mai người xã Hương Lâm gần đó, 40 tuổi, vốn đã có chồng và 4 con. Anh Bình làm phụ hồ, kém chị Mai 2 tuổi. Hai người gặp nhau, yêu thương nhau rồi về bản Rào Tre sinh sống và là trường hợp duy nhất tại bản có người ngoài vào bản lập gia đình.

Tôi gặp em Hồ Thị Xuân, 19 tuổi, là một trong số 2 em học sinh đầu tiên được đi học ở Hà Nội. Năm 2007 Xuân và Hồ Viết Kham được nhạc sĩ An Thuyên nhận về học tại trường Văn hóa nghệ thuật quân đội. Xuân và Kham học xong nhưng về quê không xin được việc, vì cả 2 chưa học xong chương trình phổ thông. Chính quyền địa phương, trạm biên phòng đã làm việc với trung tâm giáo dục thường xuyên xin cho 2 em học bổ túc văn hóa. Tuy nhiên, do kinh phí không có nên việc học đành dang dở. Hai em nay ở nhà, quanh quẩn với nương rẫy, núi rừng. “Em muốn đi học lắm, em biết chỉ có học mới thoát nghèo, mới thực hiện được ước mơ của mình. Nhưng nhà em nghèo quá” - Xuân tâm sự. Xuân là người con thứ 2 trong gia đình có 4 người con, hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên ước mơ của em dần mờ phai nơi núi rừng. Một vài trai làng đến tán tỉnh Xuân, nhưng em chưa dám nhận lời. Xuân đang chờ đợi một tương lai tốt đẹp hơn so với bạn bè và anh chị đi trước…

Bản Rào Tre nay có 2 cán bộ, một là xã là ông Hồ Viết Kính là thành viên HĐND xã Hương Liên và bà Hồ Thị Nam là cán bộ thuộc HĐND huyện Hương Khê theo cơ cấu thành phần dân tộc. Trình độ của 2 cán bộ này, cũng chỉ mới dừng lại ở mức biết… ký tên mình vào văn bản.

Hỏi bà Hồ Thị Nam, chuyện hôn nhân huyết thống ở bản Rào Tre gây hậu quả gì, bà Nam suy nghĩ chốc lát rồi đáp: “Người Chứt lấy người Chứt. Lấy người ngoài là mất đi truyền thống văn hóa, mất tiếng nói của ông cha !”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.