Chung tay với nghề công tác xã hội

Tặng quà cho Làng trẻ em Việt Trì
Tặng quà cho Làng trẻ em Việt Trì
Từ khi có Đề án 32 của Chính phủ, công tác xã hội (CTXH) mới chính thức được công nhận là một nghề cụ thể. Để hiểu biết và nhận thức của xã hội về nghề này được quan tâm đúng mức đòi hỏi sự chung tay tiếp sức của các Bộ, Ngành liên quan.

Người Việt Nam vốn dĩ có có truyền thống nhân ái lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân... và đây thực chất là hình thức cơ bản của hoạt động CTXH. Theo đà phát triển của xã hội, các hoạt động tương thân, tương ái cũng ngày càng phong phú và đa dạng. Trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã dần xuất hiện những người chuyên trách làm công tác trợ giúp xã hội. Ở mức cao hơn, những người này tập hợp nhau lại thành những nhóm người hoạt động chuyên về trợ giúp xã hội. Thực tế cho thấy kết quả hoạt động của họ được xã hội thừa nhận, ghi nhận.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 23/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Đề án 32). Việc Đề án 32 được phê duyệt đã chính thức công nhận CTXH là một ngành nghề mới ở Việt Nam. Mục tiêu của Đề án 32 là phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

Để đạt được yêu cầu đặt ra cần có sự chung sức của các Bộ ngành liên quan. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 32 phát triển nghề CTXH; điều phối các hoạt động của Đề án; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo hoạt động xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ CTXH và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên; quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề CTXH; xây dựng, ban hành chương trình, giáo trình đào tạo nghề CTXH đến trình độ cao đẳng; nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, qui trình cung cấp dịch vụ CTXH và tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên; giám sát các hoạt động của Đề án 32.

Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH; nghiên cứu áp dụng ngạch, bậc lương, các chế độ phụ cấp lương, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với viên chức CTXH; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các Trung tâm tư vấn và cung cấp các dịch vụ CTXH. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ công tác xã hội; nghiên cứu hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên CTXH và thiết lập mạng lưới viên chức công tác xã hội trong các trường học.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất kế hoạch xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để phát triển nghề công tác xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí thực hiện Đề án 32 trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan Trung ương và các địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nghề CTXH.         

Chung tay với nghề công tác xã hội ảnh 1

Khám sức khỏe cho trẻ em tại Trung tâm CTXH tỉnh Nghệ An

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án 32; nghiên cứu, xây dựng ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để phát triển nghề công tác xã hội. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch, mục tiêu nhằm cụ thể hoá Đề án 32 phát triển nghề CTXH trong kế hoạch phát triển kinh tế  xã hội của địa phương đồng thời chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp của Đề án 32 trên địa bàn tỉnh, thành phố và bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Đề án 32.

Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến làm thay đổi nhận thức trong đoàn viên, hội viên về nghề công tác xã hội; tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tình nguyện tham gia công tác xã hội, tham gia triển khai thực hiện Đề án 32

Bài viết phục vụ tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)

MỚI - NÓNG