'Chúng ta thiếu Đạo và cần biết Sợ'

Bức ảnh quý chụp năm 1999 tại tư gia của GS Nguyễn Đăng Mạnh, từ phải qua là các văn nhân: Nguyễn Huy Thiệp, Tô Hoài, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Đăng Mạnh ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Bức ảnh quý chụp năm 1999 tại tư gia của GS Nguyễn Đăng Mạnh, từ phải qua là các văn nhân: Nguyễn Huy Thiệp, Tô Hoài, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Đăng Mạnh ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nguyễn Việt Hà tự trào “sòng đời vét nhẵn cả thơ ngây” nhưng hai chục năm trôi qua kể từ khi biết anh, thấy thế gian biến cải người vẫn thế: hồn nhiên, chân thật, hóm hỉnh. Số báo 13/10 này tôi gợi ý ông “con giai phố cổ” rằng dù bàn về văn chương, văn hữu hay Hà Nội của anh thì hãy thử phả tí tinh thần Ngày Doanh nhân…

VỀ VĂN CHƯƠNG

Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội dành cho cuốn sách mới nhất- “Thị dân tiểu thuyết” có giúp gì được cho anh hay để vui chốc lát thôi?

Đây là giải thưởng chính danh lần thứ hai của tôi. Lần đầu tôi được giải nhờ truyện ngắn Sếp và tôi và… ở cuộc thi do tạp chí Sông Hương tổ chức năm 1990. Không to bằng bây giờ nhưng xúc động ghê gớm. Đấy cũng là truyện lần đầu tiên tôi ký tên Nguyễn Việt Hà. Ba mươi năm rồi, “sòng đời vét nhẵn cả thơ ngây”, không thể thấy cái nghẹn ngào thuở xưa nữa. Đại loại cũng giống như bên doanh nhân, trúng quả đầu bao giờ cũng rưng rưng ấn tượng. Rất hiếm thấy những nhà buôn già có đôi chút thành đạt mà vừa đếm tiền lại vừa thổn thức.

Có người nhận định: “Tạp văn Nguyễn Việt Hà là một thứ mạng xã hội riêng của anh, đủ thành phần”. Tôi thì thấy anh rất giỏi “đọc vị” con người, đọc vị thị dân? Anh là người say mê đô thị?

Tôi có xem phim Mỹ Mạng xã hội. Cái anh chàng Zuckerberg trong phim ấy hình như cũng cô đơn. Những người cô đơn khi quan sát người khác thường hay tòi ra nhiều ý lạ. Còn nói chung, đã là nhà văn thì phải giỏi “đọc vị” con người. Nhà trường xã hội chủ nghĩa cũng từng dạy “văn học là nhân học” mà.

Nhà văn thì cần hồn nhiên chứ không thể ngây ngô. Nếu họ cố tỏ ra là vậy, chắc chắn là đang giả vờ. Tất nhiên chỉ giả vờ thôi chứ không phải là giả dối. Tôi cũng không hẳn là người quá “say mê đô thị”, vì từng tới những vùng quê tuyệt vời đẹp đến rợn người . Tôi yêu Hà Nội theo kiểu “bị phải lòng”, bởi cả đời tôi chỉ biết quẩn quanh với nó. Kinh Thánh kể chuyện ông A-đam hồi ở thiên đàng luôn hết mực thủy chung với bà E-va. Nhưng hình như ông có thanh minh ở chỗ này ngoài bà đó ra cũng đâu còn có ai. Tôi chưa bao giờ đi xa Hà Nội quá ba tháng. 

Tôi và chị Lê Minh Khuê cho rằng bắt chước Nguyễn Việt Hà rất khó, vì trước hết phải nghĩ giống đã. Mà dường như anh đâu có cố tình độc đáo?

Tôi vẫn giữ quan niệm là ăn như thế nào, ở như thế nào, nhất là yêu như thế nào thì sẽ viết như thế. Viết văn là chuyện rất riêng tư, chẳng ai có thể làm thay ai được. Đấy là chưa kể còn bao nhiêu thứ cộng duyên cộng nghiệp ở mỗi cá nhân. Warren Buffet dù chân thành đến mấy cũng không thể dạy đệ tử thành tỷ phú. Cuốn sách có tiêu đề vừa hài hước vừa lừa đảo nhất là cuốn Cẩm nang dạy cách làm giàu.

Về thơ, anh đồng tình với Bảo Ninh khi anh ấy định nghĩa “Thơ là thứ mà kẻ viết văn xuôi chịu cứng”? Nhưng khi Bảo Ninh khen những câu như “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” (Trần Đăng Khoa) để “đố các bố văn xuôi viết được đấy” thì anh lại nói: Bảo Ninh bàn về văn xuôi thì OK chứ bàn về thơ thì tôi không tin?

Anh Bảo Ninh thỉnh thoảng hay đùa ngầm. Mái gianh ơi hỡi mái gianh là khi anh đang dạy văn cho vài người viết trẻ. Còn chính xác là câu kia, “thơ là cái mà thằng văn xuôi không viết nổi”. Ví dụ: "Có những buổi chiều không biết cất vào đâu" (Thi Hoàng).

Anh quan niệm không nên dịch Truyện Kiều, và Dương Tường đã sai?

Truyện Kiều là kiệt tác của tiếng Việt, nói rộng ra là của người Việt. Rất nhiều kiệt tác văn chương của thế giới, từ nước nhỏ như Colombia đến nước lớn như Nga hay Pháp, khi chuyển ngữ may mắn đều giữ được gần như nguyên hình hài nên người đọc đông lắm. Theo kiến văn thiển cận của tôi thì độc giả nước ngoài xem “Kiều dịch”, đa phần là những người nghiên cứu Việt Nam học. Truyện Kiều trước ông Dương Tường đã được dịch khá nhiều, thậm chí sang cả tiếng Tàu. Nếu chỉ cần biết nội dung, đại loại như số phận Thúy Kiều ra sao hay tính cách Từ Hải như thế nào thì độc giả chỉ cần đọc thẳng Thanh Tâm Tài Nhân là xong. Bởi cụ Nguyễn Du bám khá sát nguyên văn, cứ ra Đinh Lễ mua một bản Truyện Kiều đối chiếu là thấy rõ. Nhưng Tố Như vĩ đại chính ở chỗ này. Kiều là tinh hoa của văn Việt, là tập đại thành của tiếng Việt. Hai trăm năm trước cụ Nguyễn làm hoàn hảo chữ Việt, và tới bây giờ đám nhà văn bọn tôi cũng vẫn viết một thứ chữ như vậy. Nếu bản dịch Kiều nào đó, nâng cao được “tiếng” hay “văn” của nước đó thì còn có thể chấp nhận. Nói cho cùng, dịch Kiều là bất khả.

 
'Chúng ta thiếu Đạo và cần biết Sợ' ảnh 1 “Con giai phố cổ” và con gái Trần Hà Quyên, chụp 2005 tại nhà. (Nhà văn tên thật là Trần Quốc Cường, lấy tên vợ làm bút danh) ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

VỀ NGUYỄN HUY THIỆP-VUA TRUYỆN NGẮN

Anh dùng từ “quốc bảo” để nói về Nguyễn Huy Thiệp người anh thân thiết của mình?

Bảo vật quốc gia thì có nhiều thứ, vật thể hoặc phi vật thể. Ở nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người cao, đơn cử như nước Nhật, không hiếm thương gia được coi là quốc bảo. Đương nhiên, nhà văn thì cũng chỉ là một trong nhiều thứ đó. Đã thế, trong từng thời đoạn lại có những “quốc bảo” khác nhau. Ví như những quốc ấn ở các triều đại phong kiến ở ta chẳng hạn. Nói dại, nhỡ nó có thất lạc thì quốc gia đâu đã suy vong. Có điều, khi nhìn vào những ấn “nhỏ bé” đấy, người tinh tế thấy cả thành tựu của mỹ thuật của văn hóa, đặc biệt là chính trị. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang phong khí thời đại của một đoạn lịch sử không ngắn, nó xứng đáng được tôn trọng.

Đồng ý với anh. Tháng trước anh với Bảo Ninh và tôi rủ nhau thăm Nguyễn Huy Thiệp, ra về cả bọn ngồi lỳ ở quán và trong buổi chiều đó, thời lượng kha khá là để nói về anh Thiệp. Anh thấy câu Bảo Ninh nói về bệnh nhân của chúng ta thế nào: “Các người làm gì thì làm, đó không phải bệnh nhân bình thường mà là nhà văn tầm châu lục. Nguyễn Huy Thiệp xứng đáng có cuộc sống tốt hơn, tốt nhất”? (Câu này tôi đã đưa vào bài báo “Nguyễn Huy Thiệp: Trái tim ấy có đủ máu không”. “Trái tim ấy có đủ máu không” tôi lẩy từ câu thơ Nguyễn Huy Thiệp).

Anh Bảo Ninh nói câu ấy trong một không gian thân mật ấm cúng. Thế nhưng khi nó đã được báo chí đăng lại thì là một diễn ngôn mở của một nhà văn. Nó nghiêm túc đâu muốn chỉ tôi và chị hay những độc giả quý yêu anh Thiệp nghe. Tôi rất thích câu ấy lọt được đến tai những người dư dật có quyền có trách nhiệm với văn hóa. Còn họ hành xử thế nào thì chỉ biết trông vào ý Chúa.

'Chúng ta thiếu Đạo và cần biết Sợ' ảnh 2 Kỷ niệm chuyến du khảo Tây Bắc (TOYOTA tổ chức năm 2002) của Nguyễn Việt Hà và hai nhà báo. Phạm Thanh Hà (báo Nhân Dân) bên phải, tác giả bài báo - DPV bên trái
'Chúng ta thiếu Đạo và cần biết Sợ' ảnh 3

VỀ HÀ NỘI, PHỤ NỮ, CUỘC ĐỜI…

Anh cho rằng đặc sắc nhất của Thủ đô ta là người chứ không phải cảnh sắc hay gì khác, cho nên mới chê ca từ những bài như “Nhớ mùa thu Hà Nội” là khảo cứu kiểu du lịch: “Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”

Bài này là một trong vài bài dở nhất của ông Trịnh, vì nó “thù tạc”. Có thể Trịnh Công Sơn bị ảnh hưởng bởi dòng tân nhạc “tỉnh ca”. Người Hà Nội hay lắm, tôi viết không dưới chục cái tản văn về họ. Xin nhắc lại một chuyện. Rất hiếm đô thị nào có hai bố con cùng được vinh danh đặt tên phố. Đã thế, cụ Lương Văn Can và ông con Lương Ngọc Quyến lại chính gốc Hàng Đào, nôi của phố cổ. Không phải ngẫu nhiên đâu.

Theo cái nhớ của Vũ Ngọc Phan thì những người mẹ, người vợ dân phố “Hàng” luôn là mẫu mực cho những nét đẹp một thời của phụ nữ Việt. Họ buôn hay bán giỏi, tuy nắm quyền tài chính nhưng luôn lễ phép kính trên nhường dưới. Họ trọng chồng chiều con. Cơm canh tươm tất hai bữa, gọi dạ nói vâng, câu dài câu ngắn đều thưa gửi “thầy nó”. Liệu các thương gia nữ thành đạt bây giờ có coi đấy là tệ hại của thói gia trưởng. Đám ông bố hay ông chồng chỉ chăm học cho thật “siêu” rồi cao đạo ngồi uống trà hoặc nhàn tản chơi cây cảnh, hầu như tất cả bọn họ đều không biết đếm tiền. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ông Nghè, ông Thám thời trong veo phong kiến rất thích “mốt” để móng tay lá lan, đến gãi lưng cũng phải để người khác gãi hộ. Có điều, đã là “cao bồi già” phố cổ thì hầu hết đều hồn nhiên kiêu bạc chứ không bao giờ khinh bạc.

“Bỏ cả giang sơn theo người đẹp/Ai hay người đẹp thích giang sơn”. Chắc anh thích câu này lắm nhỉ (của Nguyễn Bảo Sinh)? Đúc rút lòng tham của phụ nữ tài thế còn gì. Dù trên kia anh cũng xưng tụng phụ nữ Hà Nội cổ.

Tôi không thích câu này, nên chỉ bàn theo nghĩa đen của ngữ cảnh. Phụ nữ đâu có tham được một cách “hoành tráng” như thế. Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu mà. Câu này nịnh cả Tây lẫn Đầm. Đàn ông đến tầm sở hữu “cả giang sơn” thường vị kỷ. Tôi chưa thấy có Romeo nào tài sản cỡ trăm tỷ lại đi uống thuốc chuột vì yêu, kể cả Juliet cố tình bày muôn ngàn kế để đầu độc.

Khi ta thỉnh thoảng nói chuyện đời, chuyện các vụ trọng án, ví dụ thảm án cô gái giao gà ở Điện Biên năm ngoái, anh chán nản “giờ lắm kẻ vô đạo quá”. Theo anh, xã hội ta hiện thiếu gì, cần gì nhất?

Đương nhiên là thiếu Đạo. Còn điều cần nhất là phải biết “Sợ”. Tất nhiên cần phải hiểu khái niệm này theo cách của các triết gia lừng danh. Khổng Tử bảo “quân tử có ba điều nên sợ: sợ mệnh giời, sợ đại nhân, sợ lời của thánh nhân”. Còn cụ Lão đạo cao là thế, đức dày là thế mà luôn lẩm nhẩm Run như đi trên băng mỏng. Bây giờ đông người hung hăng quá, chẳng cứ là tuổi trẻ. Người ta chỉ học sự tự tin mà không học sự khiêm nhẫn. Hình như biết khiêm nhẫn thì sẽ biết khoan dung.

Nguyễn Việt Hà dân Hà Nội gốc, có nhà mặt phố cổ để ở và cho thuê, lại được hưởng món thừa kế khá, vợ đẹp con khôn, sách ra đều mà viết lại không giống ai… Thế nhưng nữ nhà báo Phạm Thanh Hà cũng khá thân anh, bảo: “Nó buồn lắm”?

Chao ôi, có thằng nhà văn nào mà không buồn. Nói theo kiểu của cụ Cao Bá Quát thì “Người buồn văn chưa chắc đã hay, người vui văn chưa chắc đã dở. Nhưng nói cho cùng, người buồn văn thường hay”. Có phải thế chăng mà đám văn nhân bất tài, mặt mũi lúc nào cũng mang vẻ đau khổ. Hơn nữa, cụ Nguyễn Du từng tự an ủi Rằng quen mất nết đi rồi. Tẻ vui âu cũng tính trời biết sao. Lời vàng xin lĩnh ý cao. Họa dần dần bớt chút nào được chăng.

Cảm ơn anh đã trả lời chân thành và có phong vị của Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Dĩ ngoa truyền ngoa

Dù viết tiểu thuyết hay tạp văn, Nguyễn Việt Hà đầy tiếng cười. Anh bảo mình là thị dân, mà đặc trưng của thị dân là dĩ ngoa truyền ngoa, tức là hay nói quá. Và luôn có độ giễu cợt trong sự ngoa ngôn, lộng ngôn đó. Dưới đây là vài đoạn buồn cười trong Thị dân tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà.
- Ống dẫn nước sạch của thành phố đã vỡ lần thứ mười hai nhưng ủy ban lại đề xuất qui định cấm nói tục nơi công cộng.
- Con Lá tuổi Đinh Mão nên sát chuột, từ hồi làm ở đây nó vồ sống được hơn chục con. Lúc vắng, thằng Tĩnh luôn cấm nó vắt cam cho khách, còn lúc đông thì đành.
- Đời thường của thị dân Việt rất nông nổi nhạt nhẽo. Bọn Tây cũng thế, chỉ hơi khác là chúng sâu sắc ý thức được chuyện ấy. Rồi chúng trịch thượng thực dân nghĩ, cái loại như bọn này thì không thể có cuộc sống tinh tế đời thường.
- Thằng Tĩnh không tin có chuyện tái sinh, chỉ tin “xác loài người về sau sống lại”. Thế nhưng nếu có luân hồi, ông giáo sư sẽ thành con lợn. Không phải ngẫu nhiên ông ta thích ăn gạo lứt để nguyên cám.
- Giời đất phạt, núi sạt thành đồi, nên ông Canh chỉ toàn con gái. Tất cả đều giỏi nuôi chó và nuôi chồng. Họ thường loanh quanh sang mấy phố bên cạnh đổi chó tơ lấy trai tơ mang về. Thành ngữ “chó chui gầm chạn” bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn này. Nó giải thích tại sao đàn ông của phố thường hèn. Thảng có người xuất sắc thì rất dễ rơi vào cảnh lao ngục.
- Cưa đường vốn là đặc sản của Hà Nội thời bao cấp, tổ sư xa xưa có lẽ là cụ Ức Trai. Bằng một bài tháu cáy tứ tuyệt, ông đã cưa đổ mỹ nhân bán chiếu ở Hồ Tây. Từ ngày có điện thoại thông minh, nghề cưa gái dạo đâm tàn lụi.
- Tình yêu công chức thường bắt đầu bằng điện ảnh, nên phần lớn bọn họ hy vọng khi kết thúc sẽ long lanh happy-ending như phim. Trong vô số các cuộc buôn dưa lê ở đám đồng nghiệp của tôi, câu cảm thán cửa miệng thường là “chết đẹp như trên phim”. Chết mà còn thích bắt chước thì sống đương nhiên phải loay hoay a dua nhau.
- ... 

Nguyễn Việt Hà là tác giả 4 tiểu thuyết, 4 tập tạp văn và 1 tập truyện ngắn. Cuốn Cơ hội của Chúa của anh tái bản hơn 20 lần. Các tập tạp văn đều tái bản nhiều lần trong đó Con giai phố cổ 12 lần.

“Một số người phê Cơ hội của Chúa khi nó mới nổi nhưng tôi thấy cuốn đó Nguyễn Việt Hà viết về nhân nghĩa lễ trí tín đấy chứ”.
Nhà văn TÔ HOÀI, 
người vừa được kỷ niệm 100 năm sinh

“Cảm hứng phê phán mang tinh thần hài hước khoan hòa sẽ tạo vị trí đặc biệt cho Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi Việt Nam đương đại”.
Nhà phê bình 
HOÀNG NGỌC HIẾN 
tiên lượng từ 21 năm trước về văn nghiệp của Nguyễn Việt Hà sau tiểu thuyết đầu tay Cơ hội của Chúa

MỚI - NÓNG