“Chúng ta quên mất mình đã tàn ác như thế nào“

“Tôi biết rằng khi lời kêu gọi tôn trọng nhân phẩm của những người bị xã hội hắt hủi cất lên, nó có thể bị thách thức, bị ghét”, TS. Đặng Hoàng Giang chia sẻ khi nói về chủ đề trong cuốn sách mới của mình.

Anh nói khi viết sách,  mình đã thay đổi bản thân khá nhiều trong việc kiểm soát sự giận dữ, nên cư xử như thế nào với những bất công, nên có chiến lược đáp trả cái ác ra sao.

“Chúng ta quên mất mình đã tàn ác như thế nào“ ảnh 1

TS. Đặng Hoàng Giang trong buổi giao lưu ra mắt cuốn sách "Thiện, Ác và Smartphone". Ảnh: Nguyễn Thảo.

Theo nghiên cứu của TS Giang, trong lịch sử loài người, mỗi xã hội khác nhau đều có những kỹ thuật kinh điển khác nhau để làm nhục những kẻ mà người ta cho là phạm chuẩn: Từ giễu phố, cạo đầu, xăm mặt, đóng dấu lên cơ thể… đến tấn công trên mạng và lưu lại vĩnh viễn.

Sự khác nhau về kỹ thuật làm nhục công cộng giữa thời đó và bây giờ là ở chỗ, trước đây nó chỉ nằm trong một cộng đồng nhỏ, còn bây giờ, nó rộng rãi và toàn cầu hơn. 

Chúng ta tưởng rằng bây giờ mình văn minh hơn nhưng thực ra với tác động của mạng xã hội, nó đã khích lệ, chạm vào những cái xấu xí ở bên trong mình. Với công nghệ ấy, chúng ta đã quay ngược trở lại, sự bất nhân còn khủng khiếp hơn cái thời mà người ta lôi những cô gái chửa hoang ra chợ để đánh đòn. Trong khi đó, chúng ta lại rất hỉ hả, sung sướng trong chuyện cô bảo mẫu Thiên Lý bị phạt tù, lôi đó ra làm trò đùa trên mạng mà chúng ta không biết được đằng sau là số phận một cô gái 19 tuổi. Rồi đến tối, chúng ta xoa tay đi ngủ và quên mất là mình đã tàn ác như thế nào".

“Công nghệ - sự tách biệt giữa mình và nạn nhân, sự ẩn danh làm chúng ta quên mất người kia là một con người và nó làm cho chúng ta không kiềm chế những yếu tố xấu xí trong mình”.

“Chúng ta quên mất mình đã tàn ác như thế nào“ ảnh 2

Buổi giao lưu diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp sáng ngày 4/3. Ảnh: Nguyễn Thảo.

Mạng xã hội không nên là công cụ kiểm soát con người


Chia sẻ một số câu chuyện mà chính mình là đối tượng nhận “gạch đá” của cư dân mạng, TS. Giang bày tỏ một băn khoăn khác. 

“Có những lúc người nhà tôi bảo rằng hay là thôi, đừng có nói nữa, hoặc là nói cái gì kheo khéo để cho người ta nghe thôi, chứ đừng có chạm vào họ nữa”.

Theo anh, như vậy nghĩa là chúng ta đang sống trong một không gian bị kìm kẹp, và cơ quan kiểm duyệt quyền uy nhất là cư dân mạng. Rất nhiều người không dám lên tiếng nữa.

Bản thân chúng ta đang đàn áp lẫn nhau. Không gian mạng là không gian của những người mạnh đánh thắng kẻ yếu. Tôi muốn tiềm năng dân chủ của mạng xã hội được sử dụng một cách tốt đẹp hơn, thay vì trở thành một công cụ kiểm soát và đàn áp con người”.

Chúng ta tưởng rằng mình đại diện cho chính nghĩa

Nói về nguyên nhân của sự độc ác, TS Giang khẳng định có những hoàn cảnh nhất định kích hoạt sự độc ác. Người ta tàn nhẫn bởi vì người ta nghĩ rằng mình đại diện cho chính nghĩa.

Anh đưa ra ý niệm về hai loại độc ác: độc ác mang tính phương tiện và độc ác mang tính lý tưởng. “Một kẻ hiếp dâm phụ nữ vì căm ghét phụ nữ (độc ác mang tính lý tưởng) sẽ tàn nhẫn hơn rất nhiều người hiếp dâm chỉ vì người ta không kiểm soát được nhu cầu của mình (độc ác mang tính phương tiện)”.

“Chúng ta quên mất mình đã tàn ác như thế nào“ ảnh 3 TS. Trần Ngọc Hiếu - giảng viên khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thảo.
Bàn về nguồn cơn của sự độc ác, TS Trần Ngọc Hiếu – giảng viên khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội nói: 

“Có một điều làm tôi suy nghĩ thêm, đó là tại sao chúng ta lại hả hê hòa nhập vào công lý đám đông. Chúng ta có cảm giác rằng dường như sự công bằng trong xã hội là chưa đủ. Chúng ta thiếu niềm tin vào công bằng xã hội, nên chúng ta phải quan tâm tới hình thức mà tác giả đã nói trong cuốn sách là “chủ nghĩa tự xử””.

Ai xứng đáng là con người?

TS Hiếu nhìn nhận rất có thể góc nhìn của Đặng Hoàng Giang có thể lại dấy lên một phản ứng ngược. Những nhân vật của anh Giang là hai anh em giàu có đến mức họ có tiền đi du lịch Thụy Sĩ, một cô ca sĩ hạng A đã có mọi thứ, cô bảo mẫu bạo hành một đối tượng rất dễ tổn thương trong xã hội là trẻ em… 

"Vậy thì, những nhân vật như vậy có đáng để người trí thức quan tâm hay không?”

TS Hiếu cho rằng chúng ta đang gây ra một thứ bạo lực ngay khi đặt ra câu hỏi chất vấn đó. 

“TS Hiếu cũng đánh giá cao bản lĩnh theo đuổi suy tư cá nhân của người viết “Thiện, Ác và Smartphone”, mặc dù điều này có thể khiến nhiều người cho rằng tác giả là trí thức salon chính hiệu. 

“Mối quan tâm của anh ấy rất cảnh vẻ. Tại sao anh ấy không viết về những người nông dân mất đất, những người nông dân mất biển?”

Theo anh, chính thái độ ấy của chúng ta sẽ khiến cái ác dễ nảy sinh. Bởi vì chúng ta mặc định rằng sẽ có những đối tượng chúng ta coi thường.

“Chúng ta quên mất mình đã tàn ác như thế nào“ ảnh 4 Nội dung buổi giao lưu thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trẻ. Ảnh: Nguyễn Thảo.
Nói về nội dung này, TS Giang cho rằng không thể nói về nhân quyền, về dân chủ, về một xã hội văn minh mà chúng ta cho mình cái quyền gạt một số cá nhân nhất định ra ngoài, cho rằng họ không xứng đáng được hưởng những quyền đó.

Nếu coi những con người bị cộng đồng hắt hủi như tử tù, con nghiện, gái điếm… không xứng đáng là con người thì một lúc nào đó chúng ta sẽ coi những người khác cũng không xứng đáng là con người, và chúng ta sẽ nhanh chóng trở thành những kẻ sát thủ, hoặc là những kẻ đi theo những triết lý độc ác mà lại nghĩ rằng mình đang phục vụ chính nghĩa, phục vụ lý tưởng cao cả.

Dự án trắc ẩn

Dự án trắc ẩn là tựa đề một phần nội dung của cuốn sách – một chiến lược sống mà TS Giang hi vọng sẽ là một gợi ý cho bạn đọc.

Ở phần cuối cuốn sách, tác giả có chia sẻ câu chuyện đi tìm gặp lại bảo mẫu Thiên Lý sau khi cô đã mãn hạn tù. 

Một chi tiết khiến TS Hiếu chú ý khi đọc sách, đó là Thiên Lý không hề oán trách những lời mạt sát, sỉ nhục mà dư luận dành cho mình.

“Cô không tìm lời thanh minh hay đổ lỗi” – tác giả viết. Nghĩa là cô không trách ai, cô hiểu những gì mình làm, và theo TS Hiếu đó chính là biểu hiện của việc hình thành cái gọi là mệnh lệnh đạo đức tự thân. Theo quan điểm của ông, mệnh lệnh đạo đức tự thân còn quan trọng hơn những gì mà pháp luật tạo ra.

“Pháp luật chỉ có thể nói rằng anh phạm tội, nhưng mệnh lệnh đạo đức tự thân là quá trình phải nuôi dưỡng bằng nội tâm bên trong của mình. Tôi nghĩ rằng cuốn sách này được kết lại bằng một sự bình tĩnh, nhưng không phải sự bình tĩnh được phóng đại, mà là bình tĩnh để chúng ta thấy rằng chúng ta còn có nhiều việc phải làm nhưng chúng ta có thể làm. Đó là lý do mà tôi thấy rằng dự án trắc ẩn của anh Giang trong cuốn sách này là dự án có tính khả thi” – TS Hiếu khẳng định.

“Với phần lớn chúng ta, để trở thành con người trắc ẩn không dễ dàng. Lòng trắc ẩn không được kích hoạt sau khi ta đọc vài cuốn sách của Dalai Lama, giống ta biết cách sử dụng điện thoại sau khi xem hướng dẫn sử dụng. Đây là một dự án kéo dài cả đời và đòi hỏi sự luyện tập hằng ngày. Giống như đi săn Pokemon Go, Karen Amstrong, một học giả hàng đầu về tôn giáo, gợi ý chúng ta cố gắng “tích điểm” ba lần mỗi ngày: làm một cử chỉ tử tế; dừng lại một lời nói có thể gây tổn thương và hóa giải một cơn cáu giận. “Vào cuối mỗi ngày, khi bạn đánh răng hay thả mèo ra ngoài, bạn hãy nhìn lại xem mình có kiếm được ba điểm không”. Amstrong khuyên. Nhưng chúng ta không nên theo đuổi dự án này bằng một sự căng thẳng, một mất một còn. “Có những lúc bạn thấy mình thất bại, bạn đã hành động thiếu suy nghĩ hoặc đã tàn nhẫn,” Amstrong viết tiếp. “Lúc này, bạn hãy trắc ẩn với chính bản thân, mỉm cười với những thiếu sót của mình, và lên quyết tâm cho ngày mai. Rồi khi bạn đã thuần thục để đạt được ba điều mỗi ngày, bạn hãy hướng tới thực hành hai hành vi tử tế, ngăn chặn hai lời nói có thể gây đau. Rồi ba, vân vân” – một trích dẫn trong phân đoạn “Dự án trắc ẩn” của cuốn sách “Thiện, Ác và Smartphone”.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG