Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường:

Chúng ta đang ngơ ngác trước 'sân chơi' chi phối bởi công nghệ

ĐBQH Nguyễn Phi Thường, đoàn Hà Nội
ĐBQH Nguyễn Phi Thường, đoàn Hà Nội
TPO - “Nhìn sang nước bạn thấy rõ, một quả táo dù bán ở ngóc ngách nào trên trái đất này thì người dùng chỉ với chiếc smartphone có thể tìm được gia chủ, thời điểm thu hoạch, số lần phun thuốc... Còn chúng ta thì ngơ ngác trong một sân chơi toàn cầu với sự chi phối mạnh từ cuộc cách mạng công nghệ đến người chơi và cả luật chơi”, ĐBQH Nguyễn Phi Thường nêu vấn đề.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)  cho rằng, việc “giải cứu thịt heo” vừa qua cho thấy, chúng ta đang 'lấm lưng' như thế nào trên cái chợ khu vực. Nhiều điểm yếu được bộc lộ: thiếu thông tin; phương thức SXKD manh mún...

“Nhìn sang nước bạn thấy rõ, một quả táo dù bán ở ngóc ngách nào trên trái đất này thì người dùng chỉ với chiếc smartphone có thể tìm được gia chủ, thời điểm thu hoạch, số lần phun thuốc... Còn chúng ta thì ngơ ngác trong một sân chơi toàn cầu với sự chi phối mạnh từ cuộc cách mạng công nghệ đến người chơi và cả luật chơi”, ông Thường nêu vấn đề.

Đại biểu phân tích, trên diễn đàn quốc tế, chúng ta cũng ghi nhận tổng thống 72 tuổi của Hoa Kỳ, trung bình mỗi tuần có đến 40 bài viết của ông đăng trên trang cá nhân Twitter. Trong số đó nhiều bài mang thông điệp toàn cầu và có sức lan tỏa khủng khiếp hơn bất cứ một tờ báo chính thống nào của nước Mỹ.

“Công nghệ đang làm thay đổi xã hội nhanh chóng, các chuẩn mực, các giá trị và các trật tự đều có thể được công nghệ làm biến đổi khôn lường. Vậy Việt Nam đang đứng ở đâu trong cuộc cách mạng 4.0 và những cơ hội, thách thức lớn của ta là gì? Cốt lõi của cách mạng 4.0 là ở sự tự tiến hóa của máy móc, tức là công nghệ đã cho phép chuyển từ những cỗ máy con người điều khiển sang cỗ máy tự hoạt động theo trí tuệ riêng của nó. Giờ máy gần như người, nhưng khác biệt là khi đủ mức trưởng thành, nó vừa có trí tuệ thông minh như con người, lại vẫn là một cỗ máy, xử lý công việc hầu như không sai sót mà năng suất, hiệu suất thì cực cao”, ông Thường cho hay.

Và câu hỏi đặt ra là nền tảng công nghệ mà Việt Nam đang có là gì và chúng ta có đón bắt được luồng gió mới từ cuộc cách mạng 4.0 hay không? Có thể thấy, thời gian qua, ở đâu đó thứ tiên tiến nhất: đó là trí tuệ nhân tạo; là công nghệ in 3D, công nghệ Robot; là vật liệu mới như nano đã xuất hiện tại Việt nam. Tuy nhiên, chúng ta có mỗi thứ một ít mà không thứ nào đạt đến mức nắm bắt thực sự công nghệ 4.0.

Đại biểu Thường cho rằng, những khó khăn thì rất rõ ràng, bởi nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam phần lớn còn đang chưa hoàn thành trạng thái 2.0, tức vẫn ở dạng mông muội- người điều khiển máy đơn dùng và chưa có trí tuệ nhân tạo.

Trong khi đó ở một số hoạt động lại có những hệ máy tiến lên 3.0 nhưng không phải do chủ động về công nghệ mà do sự du nhập trong toàn cầu hóa và tính bắt buộc phải có, dẫn dắt theo dây chuyền sản xuất của thế giới. Nền sản xuất trở nên phân mảnh, đứt gãy và tạo sản phẩm đầu ra nhiều khiếm khuyết để rồi hàng hóa không có sức cạnh tranh…

“Khó khăn là rất lớn nhưng cơ hội cũng mở ra. Việt Nam có 50% dân số, đa số người trẻ đã phổ cập internet, hơn 55% đang sử dụng smartphone và trên 90% số này thường xuyên vào mạng xã hội.

Chỉ cần giúp 1% trong số này đạt đến trình độ chuyên gia công nghệ hoặc trở thành nhà cung cấp, doanh nghiệp lớn trên thế giới ảo thì Việt Nam đã có nửa triệu động lực 4.0 hứa hẹn tạo ra hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Những người Việt biết tận dụng sức mạnh của cách mạng 4.0 truy cập thế giới số, dùng sản phẩm công nghệ có thể làm giàu nhờ cung cấp từ xa cho khách hàng khắp thế giới các sản phẩm và dịch vụ tiện lợi như đặt chỗ, mua bán, thanh toán, vận tải... có sức cạnh tranh sáng tạo để vượt qua những đối thủ thế giới nhanh hơn cách truyền thống là cải thiện chất lượng, tốc độ hay giá cả”, ông Thường nói.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, có 3 nội dung Chính phủ cần quan tâm:

Một là, Chính phủ cần tiên phong công bố và phổ biến chiến lược và chính sách quốc gia về cách mạng 4.0 và sử dụng công cụ chính sách để kích ứng sự thay đổi mạnh mẽ ở các doanh nghiệp.

KHCN cần phải thực sự là “quốc sách hàng đầu” định hướng nghiên cứu vào và phục vụ cách mạng 4.0 chứ không phải như cách hiện nay ví như là dự kiến phân bổ một ngân sách ít ỏi khoảng 2%, phân bổ thực tế đâu đó khoảng 1,5% tổng chi ngân sách nhà nước và cuối năm là lại chi không hết với các lý do muôn năm cũ.

Các nhà khoa học và nhân tài công nghệ cần được tập trung, nghiên cứu trong một số tổ hợp khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, vừa nghiên cứu vừa SXKD và chỉ tập trung vào các công nghệ cốt lõi chính của 4.0 như khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, robot…

Cần xác định đặc trưng cách mạng 4.0 cho Việt Nam là “thông minh” đồng thời ưu tiên các tiềm năng quốc gia như: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch, môi trường…

Hãy học cách Uber làm vận tải thông minh bằng cách kết hợp công nghệ và kinh tế chia sẻ. Chẳng hạn, du lịch phải gắn kết công nghệ số để bán và vận hành các chuỗi dịch vụ; để giới thiệu, quảng bá ra thế giới...rồi y tế thông minh, giao thông thông minh và đô thị thông minh…

Thứ hai là nền kinh tế Việt Nam cần một số điều chỉnh như sửa lại cơ cấu, thể chế thị trường và hệ thống tài chính. Chiến lược chung là hướng vào dịch vụ, thậm chí chủ đạo hơn công nghiệp. Đó là dịch vụ du lịch, logistic, tài chính, bảo hiểm chú trọng mở ra toàn cầu và hoạt động trên lĩnh vực bán lẻ và hệ thống kinh tế chia sẻ.

Ba là, làm sao để mọi lĩnh vực, ngành nghề trong nước đều xác định rõ trọng điểm đầu tư và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực công nghệ (có tri thức công nghệ, có khả năng làm chủ công nghệ, có thể thực hiện các hoạt động trong môi trường công nghệ cao).

“Ở một số lĩnh vực mà thế giới đã tiến rất xa như tài chính, ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải … Chính phủ nên hỗ trợ đi tắt đón đầu, đầu tư tiếp cận thẳng công nghệ 4.0 thay vì để các cơ quan, doanh nghiệp tự mày mò, nghiên cứu”, ông Thường nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.