Chứng run chân tay có thể là dấu hiệu bệnh gì?

Run chân tay bệnh lý thường do rối loạn hệ thần kinh, suy gan thận, hạ đường huyết, thiếu máu não... phổ biến nhất là Parkinson.

Bệnh run chân tay là tình trạng thường gặp ở người già nhưng không phải tất cả đều có biểu hiện run giống nhau. Chứng run này chủ yếu ảnh hưởng tới hoạt động của bàn tay, cánh tay, có thể thấy triệu chứng khi người bệnh chỉ vào một điểm trên tờ giấy hoặc đang cầm nắm một vật gì đó. Nhiều người bệnh không thể thực hiện được những thao tác đơn giản trong cuộc sống như ăn cơm, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân. Một số người đang bình thường tự nhiên tay chân, cơ thể run lẩy bẩy.

Bác sĩ Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết chứng run lành tính có nguyên nhân từ rối loạn hoạt động của hệ thần kinh, gây khó khăn trong việc kiểm soát trương lực cơ. Một số yếu tố khác tác động gồm lo lắng, trầm cảm, thiếu ngủ, mệt mỏi, sốt... Người già bị run do các bệnh hệ thống, có thể là biến chứng của một số bệnh rối loạn chuyển hóa nội tiết như suy gan thận, tiểu đường, hạ đường huyết, thiểu năng cận tuyến giáp...

Run còn do suy giảm chức năng não bộ. Liên quan tới tình trạng này là hiện tượng bị bệnh vữa xơ động mạch não, khiến giảm lưu lượng máu não nghiêm trọng.

Bác sĩ Tâm cho biết bệnh Parkinson là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chứng run chân tay, thường khởi phát ở độ tuổi sau 55. Bệnh xảy ra do sự thoái hóa, lão hóa của tế bào thần kinh, dẫn đến cơ thể thiếu chất dẫn truyền thần kinh có tên là Dopamin. Triệu chứng run xảy ra ở tay, giọng nói, cằm, chân và ở giai đoạn muộn là toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Run thường kèm theo cứng đờ chân tay, giảm biểu cảm khuôn mặt, giảm nhận thức, trí nhớ...

Đây là căn bệnh khá nguy hiểm. "Ví dụ nếu người bệnh đang điều khiển phương tiện giao thông, đang cầm nắm đồ nóng, vật nhọn hoặc hóa chất nguy hiểm... thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào", bác sĩ Tâm nói.
Theo bác sĩ, một số trường hợp run tay là do các bệnh lý trước đó ở một cơ quan khác gây ra, nên việc điều trị các nguyên nhân bệnh lý đóng vai trò căn nguyên. Tuy nhiên phần nhiều những trường hợp run tay chân là do hiện tượng rối loạn thần kinh - cơ khi về già, vì thế có thể điều trị hiệu quả bằng Đông y.

Phương pháp điều trị bằng cách tác động lên huyệt vị, kinh lạc, kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau như điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt nhằm ngăn ngừa sự thoái hóa, lão hóa của các tế bào thần kinh, không gây tác dụng phụ. Thời gian chữa trị phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ. Với trường hợp nặng, người bệnh cần kiên trì điều trị nhiều đợt trong nhiều năm.

Ngoài bệnh Parkinson, một số loại thuốc người già sử dụng cũng dễ gây tác dụng phụ run tay như thuốc kích thích thần kinh giao cảm (epinephrine), các thuốc chống viêm, thuốc chống động kinh như phenolbarbital, deparkin.

"Lạm dụng rượu, thuốc lá, cà phê hoặc các chất kích thích cũng khiến người cao tuổi gặp phải cứng run chân tay", bác sĩ nhấn mạnh. Rượu, bia làm tăng tốc độ suy giảm thần kinh, gây thiếu hụt vitamin B1 trầm trọng khi nghiện nặng. Rượu làm tăng rối loạn sự điều phối thần kinh - cơ trong vận động, làm nặng thêm mức độ run khi mắc bệnh.

Vì vậy, bác sĩ khuyên nên hạn chế rượu bia và các chất kích thích, tăng cường bổ sung rau quả trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, giảm căng thẳng, lo âu. Nên thực hiện các bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, đủ cường độ, đều đặn để làm tăng lưu thông máu lên não. Thông báo kịp thời cho bác sĩ nếu có các triệu chứng bệnh.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.