Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại với tốc độ nhanh hơn dự kiến cộng với tâm lý lo lắng trên khắp các thị trường chứng khoán có thể gây tác động lan tỏa đáng kể lên nền kinh tế thế giới, China Daily đưa tin. Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc hôm qua tụt 7% không lâu sau khi mở cửa, khiến thị trường tự động ngắt mạch lần thứ hai chỉ trong 1 tuần, khiến các giao dịch chứng khoán trên khắp Trung Quốc phải ngừng sớm. Chỉ số Shanghai Composite (Thượng Hải) và Shenzhen Composite (Thâm Quyến) giảm tương ứng 7,3% và 8,4%.
Trước tình hình đó, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc ban hành quy định hạn chế cổ đông lớn của các công ty niêm yết. Theo đó, theo định kỳ 3 tháng, các cổ đông lớn không được phép bán hơn 1% cổ phiếu của các công ty niêm yết qua hệ thống đấu thầu tập trung của các thị trường chứng khoán. Quy định này có hiệu lực từ ngày 9/1.
Ngoài ra, các cổ đông lớn phải nộp trước 15 ngày kế hoạch bán cổ phiếu mà họ nắm giữ. Các công ty niêm yết ở Trung Quốc cho biết những cổ đông chính hoặc lãnh đạo điều hành của họ sẽ không bán cổ phiếu trên thị trường thứ cấp trong vòng 6-12 tháng tới, báo Tin tức chứng khoán Thượng Hải hôm qua đưa tin.
Sau khi thị trường phải đóng cửa sớm hôm 4/1, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) nhanh chóng bơm 130 tỷ nhân dân tệ (20 tỷ USD) tiền mặt vào thị trường. Nhưng thực tế cho thấy những biện pháp này chỉ trấn an được giới đầu tư trong vài ngày. “Chúng ta có thể thấy một số hiệu ứng tức thời vào ngày mai, nhưng điều này chỉ là cú thúc ngắn hạn vì lệnh cấm cuối cùng sẽ phải dỡ bỏ”, Channel News Asia dẫn nhận định của ông Daniel So, một chiến lược gia tại công ty chứng khoán quốc tế CMB International Securities có trụ sở tại Hong Kong.
Áp lực bán tháo gia tăng trong ngày hôm qua khi giá đồng nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011, sau khi PBOC hạ tỷ giá tham chiếu trong ngày thứ 8 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2011.
Lo chiến tranh tiền tệ
Các nhà phân tích cho rằng, thị trường đang lo lắng việc Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ nhằm kích thích xuất khẩu sẽ tác động tiêu cực lên các nền kinh tế khu vực.
“Chừng nào các thị trường còn tiếp tục nghĩ Trung Quốc thiên về xu hướng tiếp tục hạ giá đồng nhân nhân tệ, chúng ta sẽ thấy nỗi lo lắng ảnh hưởng đến lượng mua cổ phiếu, cùng với nguy cơ các nền kinh tế khác tiếp tục hạ giá đồng tiền của họ theo Trung Quốc, châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ”, Channel News Asia dẫn nhận định của nhà chiến lược thị trường Bernard Aw làm việc ở hãng dịch vụ tài chính IG.
Thêm vào đó, những yếu tố bất ngờ như việc CHDCND Triều Tiên thông báo vừa thử bom nhiệt hạch cũng tác động tâm lý thị trường vốn đã yếu. “Những nhà đầu tư mà tôi vừa nói chuyện cho biết họ tạm tránh xa thị trường Trung Quốc”, ông Alex Wijaya, chuyên gia giao dịch của hãng tài chính CMC có trụ sở tại Anh, cho biết.
Chỉ số các thị trường chứng khoán chính của châu Âu mất 3% do tác động từ thị trường Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán 100 ở London, Dax của Đức, Cac ở Pháp tụt 3,17-3,56%. Chứng khoán châu Á cũng chung cảnh ngộ. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản, Kospi của Hàn Quốc, SET của Thái Lan, Straits Times của Singapore giảm 1,1-2,3% khi kết thúc ngày giao dịch 7/1.
Giá dầu hôm qua giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000. Giá dầu Brent mất 5% xuống mức 32,16 USD/thùng, thấp kỷ lục trong 14 năm, vì lo ngại sức mua yếu hơn từ thị trường Trung Quốc tác động xấu lên tình hình thừa cung hiện nay, BBC đưa tin.
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm qua hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Trung Quốc xuống 6,7%, thấp hơn mức 6,9% của năm 2015. Hồi tháng 6, WB ước tính, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2016.