Chứng khoán lập kỷ lục kép

0:00 / 0:00
0:00
VN-Index tiếp tục phá đỉnh, đạt mốc 1.473 điểm, cao nhất 21 năm qua
VN-Index tiếp tục phá đỉnh, đạt mốc 1.473 điểm, cao nhất 21 năm qua
TP - Từ đầu năm, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục ghi nhận những kỷ lục mới, cả về chỉ số, vốn hóa và số lượng tài khoản. Trong 21 năm thành lập, đây là khoảng thời gian chứng khoán sôi động nhất, thị trường có hơn 3,86 triệu tài khoản được mở. Khi niềm tin của nhà đầu tư tăng cao, cơ quan quản lý cần có biện pháp giữ gìn thị trường minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư.

Vốn hóa thị trường bằng 122% GDP

Tính đến hết phiên 12/11, TTCK đón tin vui kép, khi cả VN-Index và giá trị vốn hóa 3 sàn lập kỷ lục. VN-Index tiếp tục phá đỉnh, đạt mốc 1.473 điểm, cao nhất 21 năm qua. Còn vốn hóa thị trường đạt khoảng 7,6 triệu tỷ đồng, (tương đương 333 tỷ USD), bằng 122% GDP năm 2022.

Theo Đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán bằng 120% GDP vào năm 2025. Như vậy, với giá trị vốn hóa này, mục tiêu của đề án đã cơ bản được hoàn thành.

Liên tiếp phá đỉnh lịch sử, chứng khoán vẫn mang nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư và cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng gần 3.350 tỷ đồng tuần qua trên HoSE. Dòng tiền hướng vào nhóm cổ phiếu bất động sản, hoá chất. Ngoài ra, thị trường có tín hiệu đáng chú ý là sự tăng trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, sắc xanh lan tỏa trong nhóm cổ phiếu thuộc rổ VN30. Tâm lý hưng phấn của giới đầu tư kéo dòng tiền dồi dào vào thị trường, “đỡ ” chỉ số trong những nhịp giảm, đưa VN-Index bật tăng trở lại.

Bên cạnh đó, dòng tiền tiếp tục “khuấy đảo” UPCoM, giá trị giao dịch trên sàn đạt kỷ lục trong tháng 10 ở mức 2.300 tỷ đồng/phiên. Tháng 11, kỷ lục ấy có thể tiếp tục bị xô đổ, khi liên tiếp những phiên gần đây, thanh khoản UPCoM tăng gấp đôi so với cuối tháng 10. Phiên 12/11, giá trị giao dịch trên sàn là 3.718 tỷ đồng, kỷ lục 127 mã tăng trần. Với biên độ dao động 15% phiên (gấp hơn 2 lần ở sàn HoSE), cổ phiếu trên UPCoM đã và đang mang lại cơ hội kiếm lời lớn cho nhà đầu tư.

Kiểm tra, phạt mạnh để giữ minh bạch

Trong bối cảnh thị trường sôi động, niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng của doanh nghiệp, thị trường tăng cao thì việc gia tăng minh bạch là điều cần làm để nâng tầm TTCK. Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: “Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, người dân đã chuyển thêm 68.000 tỷ đồng vào đầu tư chứng khoán. Khi niềm tin của nhà đầu tư tăng cao thì cơ quan quản lý cần có những biện pháp giữ gìn thị trường minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư. Nhà đầu tư trong nước là nhân tố quan trọng nhất của mọi TTCK trên thế giới”.

Nếu thị trường không minh bạch, không những làm vốn nội chùn bước mà còn khiến nhà đầu tư nước ngoài dè dặt vào TTCK Việt Nam, bên cạnh lý do ảnh hưởng của COVID-19. Vừa qua, các cổ phiếu có diễn biến giao dịch bất thường đã được cơ quan quản lý “quan tâm đặc biệt”. Từ năm 2020 đến tháng 9/2021, UBKCNN đã xử phạt tổng cộng 659 tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 34 tỷ đồng, trong đó xử phạt 11 cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng thị trường.

Cuối tháng 8 vừa qua, UBCKNN thông báo xử phạt 2 cá nhân về hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân). Cụ thể, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM. Mỗi cá nhân bị phạt 600 triệu đồng.

Ông Nguyễn Công Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, theo Luật Chứng khoán mới, công tác giám sát TTCK được nâng lên theo 3 cấp, từ công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán (GDCK) và UBCKNN.

Sự gia tăng mạnh mẽ của nhà đầu tư, bao gồm cả các cá nhân đã phần nào chứng minh được sức hấp dẫn của TTCK trong thời gian qua. Nhiều dự báo đều cho thấy, TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng lớn để phát triển bền vững và thu hút ngày càng lớn dòng vốn của NĐT cả trong, ngoài nước.

Chỉ tiêu chứng khoán vào danh mục thống kê quốc gia

Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, trong đó danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia bổ sung nội dung liên quan TTCK. Đây là lần đầu tiên các chỉ tiêu này góp mặt vào danh mục thống kê quốc gia. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, sửa tên nhóm chỉ tiêu “Tiền tệ, bảo hiểm ” thành “Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”, kèm theo 7 chỉ tiêu thống kê liên quan: giá trị vốn hóa thị trường; tỷ lệ vốn hóa so với tổng sản phẩm trong nước, tốc độ gia tăng giá trị vốn hóa; giá trị huy động vốn qua TTCK; trái phiếu....

MỚI - NÓNG