Chung chiêng đảo Bé . |
Ông Sóng cướp hàng Tết
Một người dân trên đảo Bé kể lại: Thấy tàu bên đảo Lớn sang, bà con ùa ra cầu cảng để chuyển hàng. Trên đảo thiếu đủ thứ, 30 Tết lại có hàng sang ai mà không mừng.
Nhưng, sóng to gió lớn, tàu vận tải phải đậu cách đảo 50 mét. Trai tráng trên đảo và bộ đội biên phòng đã huy động 10 chiếc thúng lao ra chở hàng. Chuyến thứ nhất, chuyến thứ 2 đều êm xuôi. Nhưng một chiếc thúng chở nặng kế tiếp đã bị sóng đánh chìm.
Người dân trên đảo nháo nhác và méo mặt vì hàng Tết đã cực khổ chở tới nơi nhưng lại bị ông sóng cướp mất. Nhưng ngư dân trên thúng bơi vào bờ cho biết: Không có hàng, thúng đó chỉ chở toàn đá lạnh.
Chỉ là nước đá, thế nhưng ai nấy vẫn tiếc đứng tiếc ngồi. Trên đảo nhỏ này, để có thể bảo quản thịt cá trong ngày Tết, chiếc tàu còn phải chở theo vài chục cây đá lạnh bán cho mỗi nhà. Đối với đám trẻ đảo Bé, bánh kẹo rất thèm, nhưng nhiều đứa lại thèm đá lạnh. Bởi quanh năm suốt tháng, chúng mấy khi được cầm cục đá lạnh bỏ vào ly uống với nước đường.
Do sóng to, tàu công suất lớn mới dám chở hàng Tết sang đảo Bé. Để bù lỗ xăng dầu, UBND huyện Lý Sơn đã hỗ trợ 1,5 triệu đồng tiền dầu cho chủ tàu.
Chuẩn bị lá cho món bánh ít không thể thiếu . Ảnh: LVC |
Hàng hóa chở từ đất liền ra Lý Sơn và từ đảo Lý Sơn tiếp tục chở sang đảo Bé. Chính vì vậy, khi đến tay người dân đảo Bé thì đã đội giá lên gấp vài lần. Mua 10 ngàn đồng rau xanh thì chỉ gắp được vài đũa là hết - người dân đảo Bé chia sẻ. Ngoài tất cả các mặt hàng, gạo nếp và đậu xanh là loại không thể thiếu. Bởi món bánh ít cúng ông bà đã trở thành thủ tục bắt buộc ngày Tết trên đảo này.
Đêm 30 trên đảo Bé
Đêm 30, trên đảo Bé phát ra một âm thanh quen với đất liền nhưng lạ với đảo Bé: Đó là tiếng heo kêu eng éc. Ở đảo Bé, mùa nắng thì thiếu nước, lo cho người không xong, vậy mấy ai nghĩ đến việc chăn nuôi heo.
Thế nhưng, trong chuyến tàu chiều 30, người thân bên đảo Lớn đã gởi sang cho đảo Bé 3 con heo tạ. Khiêng heo vào đảo, người ta cho tụi trẻ thả chúng chạy rông rồi tối đến bắt đầu mổ thịt. Nơi mổ heo cũng trở thành điểm quây quần hàng chục gia đình mang theo rổ rá để chia thịt. Mỗi gia đình góp vào một ít tiền.
Ba con heo, chia sao cho công bằng, ai cũng có lòng có gan, có giò ? Một người dân cho biết: Cũng đều hết, mỗi người một chút nạc, một chút mỡ, chút xương về nấu ăn trong ba ngày xuân. Thịt heo đã là ngon rồi. Thịt bò thì chỉ dám mơ thôi ...
Trong đêm 30, không có lễ hội, không ca nhạc. Mừng năm mới, những năm trước chính quyền địa phương thường tổ chức hái hoa dân chủ, văn hóa văn nghệ để tạo không khí vui tươi cho người dân trong đêm giao thừa. Năm nay, ti vi của xã bị hỏng.
Thế nên, tất cả người già và trẻ em đổ dồn vào nhà ông Lê Đại, Trần Đức và Nguyễn Huy. Có người vừa xem tivi vừa gói bánh ít để luộc. Tiếng máy nổ phát điện chạy ầm ầm, tiếng người cười nói xôn xao. Dự báo thời tiết trên ti vi khiến người dân mừng hết biết: Đó là những ngày sắp tới, áp thấp nhiệt đới trên biển sẽ lắng xuống. Nếu tình hình thời tiết thuận lợi, người dân đảo Bé có thể về đảo Lớn thăm người thân và đón xuân.
Niềm vui những đứa trẻ đảo Bé đón Xuân. |
Mọi năm, mỗi nhà một nồi bánh ít. Năm nay, cuộc sống khó khăn hơn, 2 - 3 gia đình hùn lại làm bánh và luộc chung. Bình quân mỗi gia đình làm 300 bánh ít để ăn Tết và cúng rằm tháng Giêng.
Đối với người dân đảo Bé, đặt đĩa bánh ít lên bàn thờ trong ngày xuân có ý nghĩa tưởng nhớ đến ông bà đã giong buồm đi Hoàng Sa và ra khơi chinh phục biển cả mà trong lương thảo của họ không thể thiếu bánh ít.
Mong Tết để được đi xe máy!
Cực khổ, nhưng, những người dân đảo Bé không thể bỏ quê quán đi nơi khác, nhất là những ngày xuân. Trên chuyến tàu cuối năm, có những người dân đảo Bé hiện định cư tại xóm mới ở xã An Vĩnh của đảo Lớn lại khăn gói về chia sẻ cái Tết với người dân đảo Bé. Đảo Bé là nơi chôn nhau cắt rốn. Ngày cúng ông bà, họ phải trở về để thắp nén hương và chia sẻ nỗi khó khăn với bà con ruột rà.
Đảo Bé mới làm được một đoạn đường bê tông ngắn. Đồng thời, do ảnh hưởng của hơi nước mặn quanh năm, nên xe honda trên đảo Bé chủ yếu là xe rách nát để thồ cát, xi măng và nước ngọt. Không ai dám mang honda mới về đảo Bé. Chính vì vậy, để thỏa cơn khát được đi xe như người dân đảo Lớn, nhiều người đã mua xe honda nhưng gởi nhà người thân bên đảo Lớn để đi.
Những người dân đảo Bé cho biết: Ngày Tết, mấy đứa thanh niên ở đảo Bé lâu ngày sang đảo Lớn. Ngồi lên xe máy, mấy đứa này cứ chạy lòng vòng hết đường này tới đường khác cho đỡ cảm giác tù túng.
Hiện nay, tấm pin năng lượng gắn tại trạm kiểm soát biên phòng An Bình là nguồn cung cấp điện tốt. Chính vì vậy, trạm kiểm soát lại trở thành “nhà máy cung cấp điện” - bà con xếp hàng sạc bình ác quy, sạc pin điện thoại di động để liên lạc với bà con đảo Lớn.
Khốc liệt đảo Bé
Nhớ lại trước Tết, sau vụ tai nạn chìm tàu khách vào ngày 14-1-2011 khi đi từ đảo Bé sang đảo Lý Sơn khiến 2 người thiệt mạng, gần 30 người thoát chết giữa biển sóng dữ dội - sự khắc nghiệt của đảo Bé lại một lần nữa được nhắc đến.
“Đảo Bé không điện, không nước ngọt, không đường…” - tôi không thể nhớ hết 7 cái “không” của đảo Bé mà ông Phan Đình Phương - Chủ tịch xã An Bình (đảo Bé) vừa nhắc.
Cứ 8 giờ sáng hằng ngày, duy nhất chuyến tàu sang đảo Bé, 15 giờ thì quay về đảo Lớn. Đảo Bé khắc nghiệt, biển đang yên tĩnh, nhưng chỉ trời nổi chút gió thì sóng lập tức ào ạt bao vây đảo. Lúc đó nếu chiếc tàu nào liều mạng cập vào đảo thì lập tức sẽ bị sóng đánh vỡ tan.
Có rất nhiều chuyến tàu sang đảo Bé nhưng phải quay về vì không thể cập vào đảo. Năm 2009, kỷ niệm 5 năm thành lập xã, lãnh đạo huyện Lý Sơn cố gắng vượt sóng sang đảo Bé để chia vui với bà con, trên tàu chở theo chục thùng bia Dung Quất.
Khi chỉ còn cách đảo Bé vài trăm mét, chiếc thuyền trở thành chiếc lá chao đảo muốn chìm. Bởi cứ tiến vào gần đảo là bị hất ra, bất lực đoàn phải quay về. Người dân đảo Bé đành buồn bã đứng trông theo...
Còn nữa
Ghi chép của Lê Văn Chương