Rất dễ và rất khó
Những ngày này, các điểm giao dịch của nhiều nhà mạng lớn chật kín người đến xác thực lại thông tin thuê bao. Người dân qua các điểm giao dịch của nhà mạng để chuẩn hóa lại thông tin như thay đổi từ số chứng minh thư sang thẻ căn cước công dân, chỉnh sửa họ tên, ngày tháng năm sinh… chỉ mất khoảng 5 đến 10 phút.
Khách hàng nườm nượp đến các điểm giao dịch để chuẩn hóa thông tin. Ảnh: Thành Đạt |
Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp phải chấp nhận bị khóa sim vì sim đang đứng tên người khác. Những sim này muốn chuẩn hóa thông tin cần có mặt chủ sim cũ và làm thủ tục sang tên. Đơn cử, trường hợp của Bà Nguyễn Thị Hồng (62 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, dùng mạng MobiFone) nhận được tin nhắn của nhà mạng yêu cầu chuẩn hóa thuê bao đối với số điện thoại đang sử dụng.
Khi qua điểm giao dịch, bà Hồng được thông báo, sim mà bà đang dùng mang tên người khác, không làm theo cách thông thường được. Để cập nhật chính chủ, cần có người đang đứng tên sim cùng với bà Hồng. Cả hai người phải xuất trình đồng thời căn cước công dân.
Trong vai người đến để chuẩn hóa thông tin, phóng viên chuẩn bị sim rác, đã được đứng tên người khác, được mua từ cửa hàng sim số với giá 150 nghìn đồng. Kỳ lạ, phóng viên chỉ mất khoảng 2 phút để chuyển thông tin trên sim về lại “chính chủ”.
Trước thắc mắc “vì sao cùng là sim đứng tên người khác nhưng có trường hợp chuẩn hóa dễ dàng, có trường hợp lại không thể?”, một tổng đài viên của nhà mạng cho biết: “Hai sim dạng này không giống nhau. Sim không đổi được thông tin là do thông tin trên sim đã được cập nhật chuẩn hóa của người khác nên cần phải làm thủ tục để sang tên.
Trường hợp sim chuẩn hóa dễ dàng là dạng “sim rác”, chưa được cập nhật thông tin. Sim này được đại lý, những cửa hàng bán sim số kích hoạt sẵn để bán, dạng này vẫn dùng được bình thường, khi nào có yêu cầu chuẩn hóa thì mới phải cập nhật, còn không thì thôi”.
Từ 31/3, khách hàng không thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao sẽ bị khóa liên lạc một chiều Ảnh: N. Hoài |
Sát ngày 31/3, hàng triệu thuê bao vẫn sai thông tin
Sắp hết thời hạn phải chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại trên toàn quốc nhưng đến hết ngày 27/3, vẫn còn gần 2 triệu thông tin thuê bao chưa chuẩn hóa. Các thuê bao này đứng trước nguy cơ bị khóa một chiều từ 31/3.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết ngày 27/3 có 1,72 triệu thuê bao sai thông tin đã được chuẩn hóa.
Như vậy sau gần nửa tháng các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, có 46% số thuê bao sai thông tin được chuẩn hóa, khoảng 54 % (gần 2 triệu thuê bao) chưa chuẩn hóa trong khi thời hạn để chuẩn hóa (ngày 31/3) đã gần hết. Tốc độ chuẩn hóa thông tin thuê bao cũng có dấu hiệu chững lại khi ngày 27/3 chỉ có hơn 90.000 thuê bao chuẩn hóa thông tin.
Đại diện VinaPhone cho biết, khó khăn lớn nhất là số lượng thuê bao cần chuẩn hóa lại thông tin khá lớn. Việc thông báo, liên hệ với khách hàng chưa đạt hiệu quả mong muốn, do nhiều khách hàng không để ý xem các tin nhắn gửi đến điện thoại hoặc sử dụng điện thoại không thường xuyên. Chủ thuê bao cũng không để ý đến tin tức trên truyền thông nên chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc đứng tên chính chủ số điện thoại mình đang sử dụng và tầm quan trọng của việc thông tin thuê bao cần trùng khớp với dữ liệu tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo quy định, sau ngày 31/3, khách hàng có thông tin khai báo sai sẽ bị nhà mạng khóa liên lạc một chiều. Đến ngày 15/4 tiếp tục khóa dịch vụ 2 chiều nếu chưa chuẩn hóa. Từ 15/5 sẽ thực hiện thu hồi số thuê bao nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin. Như vậy, từ nay đến 15/5, các khách hàng cần chuẩn hóa thông tin thuê bao nếu không muốn bị thu hồi số điện thoại đang dùng.
Bên cạnh việc đề nghị các thuê bao có thông tin khai báo sai cần nhanh chóng đi chuẩn hóa, Cục Viễn thông cũng khuyến cáo người dân cảnh giác trước tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng thông báo về chuẩn hóa thuê bao để lừa đảo.
Cụ thể, thuê bao chỉ thực hiện chuẩn hóa khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ các nhà mạng. Với Viettel, khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin khi nhận được tin nhắn có định danh VIETTEL hoặc cuộc gọi từ số 02462660198 (tên hiển thị VIETTELCSKH) và 02466888098 (tên hiển thị VIETTELCARE). Với VinaPhone, tin nhắn chuẩn hóa thuê bao có định danh VinaPhone, cuộc gọi từ số 0888001091, 0911001091 hoặc cuộc gọi hiển thị VinaPhone. Với MobiFone, tin nhắn chuẩn hóa thuê bao có định danh MobiFone hoặc cuộc gọi từ số 9090.
Hiện nay, nhiều thuê bao chưa chính chủ nhưng không nhận được tin nhắn đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao. Chia sẻ về tình huống này, đại diện nhà mạng cho biết, những trường hợp cần chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này là các khách hàng đã có thông tin cá nhân đăng ký với nhà mạng bao gồm số giấy tờ, họ tên, ngày sinh (có thể chính chủ hoặc không chính chủ) nhưng chưa trùng khớp các trường thông tin cá nhân lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với các thuê bao chưa chính chủ (thông tin đăng ký dưới tên của người khác, tuy nhiên thông tin đăng ký này đã trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) thì chưa nhận được tin nhắn chuẩn hóa và không bị khóa một chiều từ 31/3. Dù vậy, nhà mạng đề nghị thuê bao chưa chính chủ nhanh chóng đăng ký thông tin thuê bao để tránh những rủi ro về pháp lý như tranh chấp thuê bao. Đặc biệt, thuê bao không chính chủ có thể ảnh hưởng đến quá trình sử dụng các dịch vụ hành chính công của khách hàng, nhất là dịch vụ cần được xác thực, thông báo qua số điện thoại cá nhân.
Để kiểm tra xem thuê bao của mình đã chính chủ hay chưa, khách hàng nhắn tin TTTB gửi 1414, nếu phát hiện sai lệch thông tin hoặc chưa chính chủ thì cần đến điểm giao dịch của nhà mạng để đăng ký thông tin thuê bao.
Rộ chiêu giả mạo nhà mạng, cơ quan quản lý dọa cắt thuê bao
Đang trong giờ làm việc, chị Nguyễn Thị Lan (42 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) nhận được cuộc gọi đến từ đầu số 0818… Người ở đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên nhà mạng, yêu cầu chị Lan chuẩn hóa thông tin cá nhân cho sim đang sử dụng, nếu không sẽ bị khóa 2 chiều gọi.
Để làm thủ tục, “nhân viên” này yêu cầu chị Lan ấn phím 1 và cung cấp những thông tin cần thiết như phải cung cấp họ tên, số căn cước công dân… Vì sim đang sử dụng là sim chính chủ, nên chị Lan thắc mắc: “Tại sao nhà mạng không kiểm tra trên cơ sở dữ liệu mà lại bắt khách hàng khai báo thông tin qua điện thoại?”. Lập tức, đối tượng ngập ngừng, trả lời rằng hệ thống dữ liệu đang bị lỗi rồi dập máy.
Những ngày qua, công an một số tỉnh thành, trong đó có TPHCM đã đưa ra cảnh báo về tình trạng này và khuyến cáo người dân cần cảnh giác để tránh bị lừa đảo. Để tránh những trường hợp lừa đảo, các nhà mạng cũng lập tức cảnh báo đến khách hàng. Mobifone khuyến cáo, người dùng tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân cho bất cứ ai.
Khi nhận được yêu cầu chuẩn hóa thông tin, người dùng có thể đến trực tiếp đến điểm giao dịch hoặc thực hiện trực tuyến qua app My Mobifone, hoặc qua website chính thức của MobiFone. Viettel cũng khuyến cáo, những trường hợp muốn liên hệ đến khách hàng, nhà mạng sẽ dùng số được định danh của nhà mạng. VinaPhone cũng nhắn tin đến các thuê bao.
“Hiện có nhiều đối tượng thực hiện các cuộc gọi mạo danh cơ quan quản lý nhà nước hoặc VinaPhone yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân phục vụ chuẩn hóa thông tin thuê bao, nếu không thực hiện sẽ khoá máy. Người dân cần cảnh giác.
Các nhà mạng cũng cho biết, việc khóa liên lạc một chiều, hai chiều đều có lộ trình và thông báo, không có chuyện khách hàng sẽ bị khóa liên lạc ngay sau vài giờ đồng hồ hay một hai ngày như thông tin của nhiều đối tượng lừa đảo thường gọi và thông báo đến một số thuê bao.