Sáng 21/4, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công thương. Buổi làm việc có đại diện hầu hết các bộ, ngành liên quan.
Báo cáo tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hùng cho biết, tổng số nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao cho các tập đoàn, tổng công ty, chủ dự án là 189 nhiệm vụ. Hiện Bộ Công Thương và các tập đoàn, tổng công ty còn 9 nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành, 20 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn trong hạn...
Liên quan đến các nhiệm vụ còn lại tại Nhà máy phân đạm Hà Bắc, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn hóa chất Việt Nam xin lùi tiến độ quyết toán hai dự án đến hết tháng 6 và tháng 9 năm nay. Lý do xin lùi thời hạn vì khối lượng công việc lớn và rất nhiều nên chưa hoàn thành ngay được. Hầu hết các dự án của hóa chất không quyết toán được, quá trình làm tủ tục không đúng, có trách nhiệm của tập đoàn.
Về việc xin lùi thời hạn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng khẳng định, chắc chắn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ không đồng ý vì đến nay đã chậm 21 ngày.
Tuy nhiên, đại diện tập đoàn vẫn cho rằng, phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, Phó Thủ tướng giao rất nhiều nhiệm vụ và chỉ còn hai nhiệm vụ này là "khó thật". Theo ông Nguyễn Anh Dũng, dù quyết tâm cũng không thể xong theo yêu cầu đề ra, nên Phó thủ tướng có phê bình chậm tiến độ "cũng đành chấp nhận".
Thành viên tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, với 15 nhiệm vụ quá hạn, công tác chỉ đạo, xử lý sai phạm trong các dự án này rất khó vì liên quan đến vấn đề đầu tư, hợp đồng quyết toán, rồi liên quan cả đến yếu tố nước ngoài, phải xem xét hết sức khách quan, nhất là vấn đề tài chính, quyết toán.
Ông Thừa đề nghị các bộ ngành quan tâm, phối hợp thực hiện chặt chẽ để thực hiện vì có liên quan đến nhiều bộ ngành. Riêng Bộ Công Thương cần xác định rõ trách nhiệm và xử lý đối với mỗi tập thể, cá nhân liên quan.
“Tôi đi đến nhà máy Ethanol thì thấy tan hoang lắm. Đầu tư một loạt nhà máy nhưng nguyên liệu không có, đầu ra không có, cứ thế đầu tư xong đắp chiếu. Trang thiết bị chưa chuẩn, khi hoạt động vướng ngay, rồi việc quản trị có vấn đề. Thế là lỗ, lỗ liên tục rồi cộng thêm cả lãi ngân hàng nữa… Một số nhà máy bán sắt vụn. Sau này các ngân hàng cho vay, các đơn vị quyết định đầu tư phải có báo cáo thật về việc này”, ông Thừa đề nghị.
Ghi nhận sự cố gắng của các bộ ngành, tổng công ty, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, đây là những nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn. Hiện các đơn vị đã hoàn thành 120/189 nhiệm vụ được giao, còn lại 54 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong thời hạn, 15 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn, cần khẩn trương hoàn thành.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tổ công tác chỉ ghi nhận chứ không có thẩm quyền gia hạn tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, do vậy các bộ, ngành cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từng nhiệm vụ cụ thể thuộc về mình.
Ông Dũng cũng chỉ rõ, trong các dự án thua lỗ, có dự án còn âm cả vốn sở hữu, có dự án lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều, chưa nói số nợ vốn có phải trả.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhắc lại tinh thần chung là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho các nhà máy hoạt động trở lại thì rất tốt. Nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án, trong đó có cả phương án cho phá sản, bán. Nhưng muốn vậy, các dự án cần phải được quyết toán đầy đủ.
“Muốn thực hiện được thì dứt khoát phải quyết toán, phá sản cũng phải quyết toán được trên cơ sở có kiểm toán”, ông Dũng cho hay.