Thông báo của Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã có chủ trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao khu vực, quốc tế, trong đó có ASIAD vào thời điểm thích hợp nhằm góp phần phát triển thể dục thể thao và kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành vận động và được chấp nhận đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội. Chính phủ Việt Nam cảm ơn Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong phát triển thể dục thể thao nói chung và ủng hộ thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức ASIAD 18 nói riêng.
Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành tại lễ khai mạc Asiad 2010, đại hội thể thao tiêu tốn gần 20 tỷ USD của thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. ảnh: VSI
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD.
“Việc chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 chưa chặt chẽ. Khi vận động đăng cai, chưa có Đề án để bảo đảm tổ chức thành công ASIAD nếu được chấp nhận”, Thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Cho đến nay, Đề án tổ chức ASIAD 18 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đang còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa, nguồn thu từ ASIAD).
Không tổ chức chu đáo sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước
Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ, việc đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện thể dục thể thao khu vực, quốc tế sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của đất nước.
Tuy nhiên, nếu tổ chức không chu đáo, không thành công thì sẽ ảnh hưởng ngược lại. Thực tế qua các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy hầu hết là nguồn thu không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác.
Trích thông báo của
Văn phòng Chính Phủ
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác.
Mặt khác, việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như: sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắn và rất khó đảm bảo.
Qua cân nhắc các mặt, Thủ tướng Chính phủ giao: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp”.
Ý kiến đại biểu Quốc hội:
Quyết định đúng đắn của Thủ tướng
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật khẳng định đây là quyết định đúng đắn của Thủ tướng. Trước đó, ông Nguyễn Sỹ Cương đã chia sẻ thà chịu phạt vì rút đăng cai ASIAD 18 còn hơn lãng phí. Thực tế không phải chỉ tổ chức ASIAD một lần mà hình ảnh đất nước được nâng lên, mà việc đó phải thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác, không chỉ thể thao.
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng quyết định này phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Vì khi nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu tổ chức một sự kiện thể thao lớn, chúng ta tổ chức không chu đáo, không thành công sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh đất nước.
Ông Thắng cũng hi vọng khi có điều kiện, chúng ta sẽ có cơ hội đăng cai ASIAD cũng như các sự kiện thể thao lớn khác để thúc đẩy thể thao, văn hóa, du lịch đất nước.
Công Khanh
(ghi)