Ngày 15/4, khi đi du lịch tại TP.Đà Lạt, nhiều du khách bày tỏ sự tiếc nuối vì không được check in tại di tích kiến trúc quốc gia trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Lâu nay, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cho khách tham quan miễn phí vào khung giờ quy định: Sau 17 giờ từ thứ hai đến thứ bảy hàng ngày. Riêng chủ nhật và các ngày lễ, có thể tham quan trong khung giờ từ 7 giờ 30’ đến 11 giờ và từ 13 giờ 30’ đến 17 giờ.
Mới đây, nhà trường ra thông báo từ ngày 12/4 sẽ tạm ngưng đón du khách, chưa xác định thời gian mở cửa trở lại cho khách tham quan với lý do “để đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh cảnh quan trường học”.
Theo ông Vũ Đình Sơn, Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp của trường, bình quân mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách tham quan, những ngày cao điểm lên đến cả ngàn lượt khách, do đó nhà trường phải tốn khoản chi phí khá lớn để hợp đồng thêm nhân viên bảo vệ, nhân viên dọn vệ sinh, trả tiền nước và chi phí thu gom rác, sửa chữa nhỏ công trình, tôn tạo cảnh quan...
Năm nay, do số lượng sinh viên đào tạo giảm nhiều khiến kinh phí của nhà trường cũng giảm đáng kể, do đó không đủ nguồn lực, kể cả kinh phí lẫn con người để phục vụ miễn phí khách tham quan. Ý thức của một bộ phận du khách quá tệ: xả rác bừa bãi, ăn uống bày bừa ra khuôn viên của trường, thậm chí một số người còn phóng uế bừa bãi…
Một cán bộ của trường cho biết thêm từ tháng 11/2017, nhà trường đã có tờ trình báo cáo đề xuất các cơ quan thẩm quyền về việc xây dựng đề án thu phí vào cổng để có nguồn kinh phí đảm bảo cho việc tham quan của du khách mà không ảnh hưởng tới công tác dạy, học của trường.
Trao đổi với phóng viên, một số du khách cho rằng việc thu phí/bán vé vào cổng để tham quan trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là cần thiết, vừa đảm bảo chi phí phục vụ khách tham quan vừa làm đẹp thêm cảnh quan.
Nhiều sinh viên và cựu sinh viên của trường cũng cho rằng cần có giải pháp thích hợp để “mở cửa” cho khách tham quan trở lại. Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới và là di tích kiến trúc quốc gia nên đông đảo du khách yêu thích check in, mở mang kiến thức. Mặt khác, nếu không có khách tham quan cũng sẽ làm mất đi tính sinh động và tính quảng bá cho trường.
Như Tiền Phong đã phản ánh, ngôi trường cổ kính, duyên dáng này đã gần 100 năm tuổi, đã được cấp bằng di tích kiến trúc quốc gia, đồng thời được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20.
Trường nằm trong top điểm đến yêu thích nhất của giới trẻ khi đến thành phố Đà Lạt mộng mơ. Đây cũng là đề tài và là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà nhiếp ảnh.