Chưa từng đi học thêm vẫn vào chung kết Olympia

Quốc Anh nhận được Giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh
Quốc Anh nhận được Giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh
TP - Vũ Quốc Anh (học sinh lớp 11B11 Trường THPT Ngô Gia Tự) - người đưa cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” về vùng sâu Đắk Lắk tiết lộ chưa từng đi học thêm.

Tại các trận thi tuần, tháng và quý II của “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 20, người xem ấn tượng với Quốc Anh khi liên tiếp giành chiến thắng cách biệt. Đặc biệt, nam sinh này bấm chuông giành quyền trả lời phần Vượt chướng ngại vật rất nhanh đến mức người dẫn chương chưa kịp đọc hết câu hỏi đầu tiên của phần thi.

Trong lần gặp mới đây, chúng tôi biết thêm về những điều đặc biệt của nam sinh này. Ấn tượng ban đầu, Quốc Anh rất nhanh nhẹn, quyết đoán, hóm hỉnh và thông minh. Quốc Anh là con út trong gia đình nông dân có 4 chị em, ở xã vùng sâu Ea Kmút (huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Từ nhỏ, em đã có tính tự lập, thích khám phá những điều mình muốn, cộng thêm nhà xa, đường đi lại khó khăn khiến cậu quyết định không đi học thêm như chúng bạn cùng trang lứa.  Mỗi ngày của Quốc Anh bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 1-2 giờ đêm. Những lúc bị áp lực, em chọn cách phụ giúp việc nhà hoặc làm nương rẫy. “Kiến thức trên trường cơ bản đã đầy đủ, em chỉ cần bám sát theo chương trình, chỗ nào chưa rõ hỏi thêm thầy cô. Ngoài ra, em rất thích chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Niềm yêu thích này bắt đầu từ lúc em lên 8 tuổi, bố mẹ dành dụm mua được chiếc ti vi. Tình cờ em xem được chương trình Olympia thấy các anh chị chơi hấp dẫn nên mê luôn. Từ đó, hầu như tập nào em cũng coi, có lần bật khóc khi không xem được chương trình vì lý do cúp điện”, Quốc Anh nhớ lại. Năm 14 tuổi, Quốc Anh tham gia cuộc thi Olympia cấp huyện do 1 trường ngoài công lập tổ chức và giành giải nhất. Từ đó, em luôn mơ ước 1 lần chinh phục đỉnh núi tri thức ấy.

Năm 2020, Quốc Anh đã biến ước mơ thành sự thật. Trải qua cuộc thi tuần, tháng, quý II, Quốc Anh đều giành chiến thắng thuyết phục. Quốc Anh tiết lộ, sự nhanh nhạy của em chỉ 1 phần nhờ bẩm sinh, còn lại là sự phấn đấu mỗi ngày. Em thường tham gia các trận thi đấu Đường lên đỉnh Olypmia mô phỏng trên ứng dụng trực tuyến. Cách thức chơi rất giống với chương trình ngoài đời thật. Nhờ đó, Quốc Anh làm quen với cách chơi, khả năng phán đoán, trả lời nhanh các câu hỏi. Trước mỗi cuộc thi, Quốc Anh không đặt ra mục tiêu phải chiến thắng để gây áp lực cho bản thân.

Nhờ những bí quyết trên, Quốc Anh liên tiếp giành chiếng thắng, chính thức ghi tên vào trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20; người thứ 3 đưa cầu truyền hình Olympia về quê nhà Đắk Lắk và lần đầu tiên về với Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar). Hiện em tích lũy được 1 số kinh nghiệm cho cuộc thi chung kết năm “Đường lên đỉnh Olympia” sắp tới. Thời gian này, nam sinh vùng sâu đang tập trung ôn tập cho kỳ thi cuối năm; củng cố bồi dưỡng kiến thức, chuẩn bị tinh thần, sức khỏe cho kỳ “leo núi” quan trọng.

Cô Phạm Thị Dinh, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) nhận xét, Quốc Anh rất chăm học, chịu khó tìm tòi, không ngại học hỏi. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện cho em học tập, phát huy hết khả năng của mình. Các thầy cô giáo chuyên môn cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức và giải đáp những thắc mắc bài vở cho em. Việc Quốc Anh đưa cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” về trường rất có ý nghĩa, đây là món quà đặc biệt trong dịp 30 năm thành lập trường.

“Em hay tham gia các trận đấu mô phỏng trên ứng dụng trực tuyến. Cách thức thi đấu trên mạng rất giống với chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Có ngày em thi đấu 2-3 trận, khi nào bận học em mới tạm hoãn. Đó là cách giúp em luyện được sự nhanh nhẹn, xử lý tốt các tình huống”.
 Vũ Quốc Anh

MỚI - NÓNG