Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

'Chưa thấy Tổng Thanh tra Chính phủ lên tiếng vụ Đồng Tâm'

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
TPO - Phát biểu tranh luận sau phiên giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, ngành thanh tra “thiếu quyết liệt, chậm đổi mới, kém hiệu quả”.

Chiều 9/6, giải trình những vấn đề liên quan tại phiên thảo luận ở Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, tình hình khiếu kiện của công dân diễn biến rất phức tạp, nhất là tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam.

Sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh Miền Trung, có nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết.

Theo tổng thanh tra, trong tháng 6 này, Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai chỉ thị số 20 của Thủ tướng, đồng thời lồng ghép phổ biến kế hoạch này tới lãnh đạo các tỉnh, thành phố vào nội dung tổ chức 4 Hội nghị giao ban công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời sẽ thay đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chưa hài lòng với phần giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tranh luận và cho rằng: Ngành thanh tra “thiếu quyết liệt, chậm đổi mới, kém hiệu quả”.

Chứng minh điều này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu vụ việc xã hội hóa bến xe ở Hải Phòng, doanh nghiệp đã lên tận cơ quan tiếp công dân kêu cứu nhưng vẫn chưa được quan tâm giải quyết; vụ tố cáo tham nhũng cổ phần hóa của Tổng Công ty vận tải thủy thuộc Bộ GTVT, cũng không được tập trung giải quyết. Đặc biệt, gần nhất là vụ Đồng Tâm xuất phát từ việc người dân bức xúc và chuyện giải quyết tiếp dân không đến nơi đến chốn.

Sau khi xảy ra vụ việc, Thanh tra TP Hà Nội đã ra quyết định thanh tra đất đai Sân bay Miếu Môn. “Sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng an ninh nhưng tôi chưa thấy Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến chỉ đạo gì về vấn đề này”, ông Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Trước đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng cho rằng, tình trạng khiếu nại, tố cáo hiện nay vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân do việc thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức không đúng, không đầy đủ và thiếu thuyết phục, còn thiếu công khai, khách quan, minh bạch hay các hành vi quan liêu, sách nhiễu tiêu cực gây bức xúc cho nhân dân.

Trong khi đó, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở nhiều địa phương chưa tốt, còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất, có nơi cơ quan chức năng chưa bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân mà tìm mọi cách bảo vệ sự an toàn cho cán bộ sai phạm trong việc giải quyết đơn thư.

Từ đó, ông Hiểu đề nghị, cần quy định chế tài cụ thể và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, không làm hết trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đánh giá bổ nhiệm cán bộ cần coi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chí quan trọng.

MỚI - NÓNG