Chưa 'quản' được thu nhập ngoài công vụ

TP - Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra 8 điểm bất cập của luật hiện hành khiến tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Một trong số đó là chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Đặc biệt là chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài công vụ của người có chức vụ, quyền hạn…

Xung đột lợi ích là tình huống trong đó người được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nếu thực hiện hoặc không thực hiện công vụ, nhiệm vụ đó có thể mang lại lợi ích cho cá nhân họ, cho người thân thích. Thuật ngữ “xung đột lợi ích” được sử dụng quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng còn khá mới đối với Việt Nam.

Tại bài tham luận “Kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động của cơ quan tổ chức, đơn vị góp phần phòng ngừa tham nhũng”, công bố năm 2016 ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng - TTCP cho rằng, xung đột lợi ích có thể tiềm ẩn hành vi tham nhũng, bởi trong một tình huống xung đột lợi ích cụ thể, nếu người có chức vụ, quyền hạn đã quyết định hành động hoặc không hành động trái với chức trách, nhiệm vụ để qua đó cá nhân mình hoặc người thân của mình được hưởng lợi ích thì đó chính là hành vi tham nhũng. Các tình huống xung đột lợi ích là một thực tế luôn tồn tại trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tiềm ẩn hành vi tham nhũng. Kiểm soát tốt những tình huống này sẽ góp phần quan trọng phòng ngừa, giảm thiểu các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi cá nhân.

Cũng theo ông Hùng, pháp luật về PCTN đã có nhiều quy định để ngăn chặn, kiểm soát các tình huống “xung đột lợi ích” nhằm phòng ngừa tham nhũng, mặc dù không sử dụng thuật ngữ “xung đột lợi ích”. Điển hình, Điều 37 Luật PCTN 2005 quy định: Cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, Cty TNHH, Cty cổ phần, Cty hợp danh….; Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp…

Thấy có xung đột lợi ích mà không báo cáo sẽ bị xử lý

“Xét dưới góc độ kiểm soát “xung đột lợi ích” thì việc quy định các nội dung nêu trên là điều hết sức cần thiết. Nếu được tự do kinh doanh, thành lập các tổ chức kinh tế tư nhân hoặc góp vốn vào các tổ chức đó hoặc người thân trong gia đình kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý, CBCC sẽ rất dễ lạm quyền hoặc lợi dụng ảnh hưởng, lợi dụng lợi thế có được từ vị trí công tác để phục vụ lợi ích của tổ chức kinh tế đó vì kết quả hoạt động của nó gắn chặt với lợi ích riêng của bản thân và gia đình mình…” – ông Hùng phân tích.                 

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc kiểm soát xung đột lợi ích trong phòng ngừa tham nhũng, Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đã dành hẳn một mục mới để quy định về “Kiểm soát xung đột lợi ích” (từ Điều 28-32).

Cùng với quy định về trách nhiệm xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích (Điều 30), dự thảo cũng quy định rõ việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định về xung đột lợi ích (Điều 31): CBCC khi được phân công hoặc trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ nếu thấy có xung đột lợi ích mà không báo cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Bên cạnh đó, người có thẩm quyền nếu biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích mà vẫn giao công vụ, nhiệm vụ cho người có xung đột lợi ích hoặc khi phát hiện có xung đột lợi ích mà không áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật.

MỚI - NÓNG