Hồi âm loạt bài về Khu kinh tế mở Chu Lai

Chưa hiệu quả vì… vướng cơ chế

Khu hậu cần cảng Tam Hiệp - một trong những dự án của KKTM Chu Lai có nhiều hạng mục chậm triển khai khiến người dân khổ sở vì quy hoạch treo. ảnh: Nam Cường
Khu hậu cần cảng Tam Hiệp - một trong những dự án của KKTM Chu Lai có nhiều hạng mục chậm triển khai khiến người dân khổ sở vì quy hoạch treo. ảnh: Nam Cường
TP - Báo Tiền Phong các ngày 7 và 11/3/2014 phản ánh hoạt động thiếu hiệu quả, cầm chừng ở Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai (gồm 2 bài Làng ma nơi chân sóng và Vẽ miếng bánh quá lớn).

Ngay sau đó, BQL KKTM Chu Lai gửi công văn phản hồi một số nội dung. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của PV cũng như các văn bản thể hiện, những đề cập của báo Tiền Phong là hoàn toàn có cơ sở.

Hơn 21 nghìn hộ dân đang gặp khó khăn

Từ khi KKTM Chu Lai ra đời đến nay đã mang lại một số kết quả nhất định. Tổng vốn ngân sách đầu tư cho Chu Lai khoảng 3.886,3 tỷ đồng, nộp ngân sách (2006-2012) trên 12.000 tỷ đồng. Trong số 89 dự án đăng ký (tổng vốn hơn 1,5 tỷ USD), theo báo cáo của BQL, thì có 62 dự án được triển khai, với vốn thực hiện 783 triệu USD. Tuy con số dự án nhiều, nhưng thực tế chỉ tập trung vào khoảng chục dự án. Như tổ hợp KCN Cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải, tổng công suất 55.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư 400 triệu USD; Nhà máy kính nổi Chu Lai công suất 1.300 tấn/ngày đêm (150 triệu USD); Nhà máy sản xuất soda Chu Lai công suất 200.000 tấn/năm (120 triệu USD); Khu du lịch sinh thái Chu Lai 25 triệu USD; Khu du lịch sinh thái Cát Vàng Chu Lai, 50 triệu USD...

Theo tìm hiểu của PV, trong tổng số 32.400 ha (giai đoạn 1) cho đến nay mới tiến hành thu hồi, bồi thường được gần 2.100 ha (chiếm chưa đến 6,5%); Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 24.268 hộ, nhưng cũng chỉ mới bố trí tái định cư được 1.674 hộ. Hơn 21.000 hộ dân đang phải sống trong tình cảnh khó khăn bởi quy hoạch treo.

Như vậy, văn bản của BQL KKTM Chu Lai gửi báo Tiền Phong, cho rằng đã lấp đầy 80% thực ra là lấp đầy những KCN (cụ thể là 700 ha của 3 KCN Bắc Chu Lai, Trường Hải và Tam Hiệp), các khu dân cư, tái định cư chỉ là lấp đầy những dự án đã được chia nhỏ. Không thể nào đã lấp đầy 80% trong tổng thể 32.400 ha của giai đoạn 1 và 10.000 ha của giai đoạn 2. Về câu trong bài: “Nếu kỳ vọng đặt ra 10 thì sau 10 năm, không thể nói đã thực hiện một nửa số đó”. Khi PV đặt câu hỏi: “Vậy có thể nói, nếu đặt ra bậc thang là 10 thì đến nay, KKTM Chu Lai đã thực hiện được 5 chưa?”, lãnh đạo BQL KKTM Chu Lai trả lời: “Chưa thể nói đạt được con số đó”.

KTM Chu Lai được xem là một khu kinh tế tổng hợp, gồm nhiều khu chức năng như khu Thương mại tự do, các KCN, khu du lịch và các khu đô thị, dân cư. Trong đó: Khu Thương mại tự do Chu Lai là khu thương mại tự do đầu tiên và duy nhất của Việt Nam với quy mô 1.700 ha do tình hình suy giảm kinh tế, đến nay chưa có nhà đầu tư; Khu du lịch tổng diện tích khoảng 7.000 ha, đến nay có 2 dự án với tổng vốn 75 triệu USD; Khu đô thị tổng diện tích đất khoảng 15.000 ha…

(nguồn: Báo cáo 10 năm thành lập KKTM Chu Lai)

Về vấn đề nợ xấu, khi PV đặt câu hỏi: “Có thông tin cho rằng, đến nay con số nợ của các đơn vị thi công hạ tầng lên đến 1.200 tỷ đồng?”. Lãnh đạo BQL cho rằng, nếu nợ xấu thì không tới con số đó, khoảng 10,8 tỷ đồng và đang được tỉnh đốc thúc đòi nợ và có tiến triển. Nhưng nếu tính từ khi ra đời đến nay, số nợ có thể lên con số 1.200 tỷ đồng nhưng điều này hoàn toàn bình thường và đều trong khả năng tính toán của lãnh đạo tỉnh. Về dự án sắp xếp dân cư ven biển (tức 10.000 ha của giai đoạn 2), khi được hỏi tiến triển đến đâu, lãnh đạo BQL cho rằng xét về tổng thể và kỳ vọng, hiện dự án lớn này đang tạm dừng.

Vướng cơ chế

Các văn bản mà PV thu thập được, ngoài ghi nhận những mặt tích cực, đóng góp hiệu quả của KKTM Chu Lai thì đều thể hiện rõ nhiều mặt tồn tại như báo đã nêu. Những phát biểu liên quan trong bài viết của lãnh đạo BQL chỉ làm rõ và cụ thể hơn một số điểm chưa được sau 10 năm hình thành một dự án lớn ở Quảng Nam.

Được biết, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc KKTM Chu Lai chưa được như kỳ vọng chính là cơ chế tài chính trong thời gian qua không ổn định và không đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư.

Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho KKTM Chu Lai tương ứng với 100% số thu phát sinh trên địa bàn KKTM trong 10 năm đầu và 50% trong 10 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, cơ chế này chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn, đến khi Chính phủ ban hành Quyết định 185/2003/QĐ-TTg (10/9/2003) bãi bỏ cơ chế này trên toàn quốc, kể cả đối với KKTM Chu Lai và chuyển sang cơ chế cấp phát ngân sách theo danh mục đầu tư được phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án thì nguồn vốn ngân sách bị giảm đột ngột, từ 400-500 tỷ đồng mỗi năm xuống còn khoảng vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, cơ chế ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; thiếu dự án động lực có tính chất lan tỏa, kích thích các dự án khác cùng triển khai hay kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn nhiều yếu kém, chưa đảm bảo cho phát triển… cũng là nguyên nhân khiến khu kinh tế trọng điểm này bỏ đất trống quá nhiều.

MỚI - NÓNG