Chưa dự liệu được chi phí cho đề án Tái cơ cấu kinh tế

Chưa dự liệu được chi phí cho đề án Tái cơ cấu kinh tế
TP - Thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế ngày 19-4, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói, phải làm rõ vai trò của Nhà nước, nếu không khéo, chúng ta sẽ có thể trở lại mô hình kinh tế kế hoạch như trước đây.

>Việt Nam đã có đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế
>Không còn đường lùi

Chuyển nguồn lực từ nơi kém sang nơi có hiệu quả hơn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, tái cơ cấu kinh tế phải thực hiện bằng “hai bàn tay”: Thị trường và Nhà nước, nên Đề án cần tập trung vào 2 mục tiêu chính: Nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững ở mức độ cao hơn; và phải tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, để hướng tới mục tiêu CNH – HĐH vào năm 2020.

Cần đột phá mạnh vào 3 khâu quan trọng mà NQ của Đảng đã xác định trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, đầu tư công và DN nhà nước. Phải chuyển dịch nguồn lực tài chính, tài nguyên từ nơi kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả hơn, coi đây là một quan điểm của đề án. Đồng thời, phải khắc phục “căn bệnh thừa tiền”, bởi nền kinh tế thừa tiền sẽ dẫn tới lạm phát, DN thừa tiền sẽ đầu tư kém hiệu quả, gia đình thừa tiền sẽ chi tiêu lãng phí...

Để khắc phục căn bệnh này, phải sử dụng chính sách tiền tệ và thuế một cách nhịp nhàng. Cùng đó là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu chấp nhận tự do hóa thương mại thì cơ cấu kinh tế cần xây dựng trên nền tảng đó.

Ông Hiển cho rằng, số DN thường xuyên hoạt động chỉ chiếm khoảng 53-55% tổng số DN. Ví dụ, năm 2006 có hơn 244 nghìn DN thành lập nhưng chỉ có 131.000 DN hoạt động. Trong tái cơ cấu, phải có DN làm nòng cốt và nên là DNNN. “Nhà nước điều tiết có giới hạn, không được can thiệp quá sâu” - ông Hiển nhìn nhận.

Trong khi đó, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, tái cấu trúc kinh tế cần có những bứt phá mạnh mẽ, thậm chí có cái phải làm lại, chọn đúng khâu để đột phá chứ không thể “dàn hàng ngang”.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, xét về tính cấp thiết cần ưu tiên thực hiện nhóm giải pháp liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường tài chính trước tiên.

Đề án chưa đề cập chi phí để tái cấu trúc Ảnh: Hồng Vĩnh
Đề án chưa đề cập chi phí để tái cấu trúc Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chưa lường tới chi phí

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, Đề án của Chính phủ chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian…

Theo đó, cần tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực. “Việc tính toán chi phí sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí.

Ngoài ra, những tính toán về chi phí xã hội như sắp xếp lại việc làm cho lao động dôi dư do tái cơ cấu là cần thiết để có giải pháp phù hợp như bồi dưỡng, đào tạo lại…” - ông Giàu phân tích.

“Một số nước dành ra 5-10% GDP để cải cách kinh tế, vượt qua khủng hoảng, vậy với chúng ta là bao nhiêu? Thêm nữa, phải làm rõ, trong nguồn lực để tái cấu trúc thì NSNN là bao nhiêu, huy động từ các nguồn khác ra sao?” – Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu. Theo bà Mai, chưa biết hiệu quả của Đề án là gì và sau 5-10 năm thì có thể đạt những mục tiêu gì, để có thể hy vọng, có thể thấy được những thay đổi đó tác động tới đời sống xã hội ra sao.

GS.TSKH Võ Đại Lược:

Không đổi mới tư duy thì khó tái cấu trúc

Tái cấu trúc, theo quan điểm của tôi, cái quan trọng nhất là phải đổi mới lại hệ thống kinh tế và hành chính. Các luật ban hành ra đó nhưng có thực thi được mấy đâu.

Chưa dự liệu được chi phí cho đề án Tái cơ cấu kinh tế ảnh 2

Luật phá sản thì bây giờ cũng… phá sản vì chẳng mấy doanh nghiệp dùng luật này để phá sản trong khi có hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản thời gian qua. Luật môi trường thì đến khi các doanh nghiệp phá môi trường cũng không xử được tội… Hệ thống thể chế là cực kỳ quan trọng, kể cả hệ thống đầu tư công. Luật Đầu tư công cũng chưa có.

Ngay bây giờ Luật ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng, vai trò độc lập của Ngân hàng trung ương là rất kém, độc lập không có nên Chính phủ cần tiền thì bắt in tiền, cần kích cầu thì tăng tín dụng… như thế thì làm sao tránh khỏi lạm phát. Nếu không đổi mới tư duy thì khó tái cấu trúc.

TS Lê Đăng Doanh:

Phải cải cách thể chế

Việc có một đề án tổng thể về tái cấu trúc nền kinh tế là cần thiết vì tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước liên quan đến tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc ngân hàng thương mại liên quan đến tái cấu trúc bất động sản và các lĩnh vực khác…

Chưa dự liệu được chi phí cho đề án Tái cơ cấu kinh tế ảnh 3

Để tái cấu trúc nền kinh tế, phải tái cấu trúc bộ máy nhà nước, phải sửa đổi luật pháp, tức là phải cải cách thể chế. Nếu không có những bước tiến về cải cách thể chế thì tôi nghĩ tác dụng sẽ rất hạn chế.

Như hiện nay tôi thấy việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước dường như chỉ là phương án sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước chứ không có tái cấu trúc gì cả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.