Chưa có cơ sở pháp lý

Trong tháng 2, Sở GTVT Hà Nội phải trình đề án thu phí phương tiện trong nội đô. Ảnh: Trọng Đảng
Trong tháng 2, Sở GTVT Hà Nội phải trình đề án thu phí phương tiện trong nội đô. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Trước việc TP Hà Nội vừa giao Sở GTVT lập đề án thu phí phương tiện trong khu vực nội đô, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài không có tính khả thi, việc này còn không có văn bản nào quy định.

> Tiếp tục phân làn đường, hạn chế phương tiện cá nhân

Trong tháng 2, Sở GTVT Hà Nội phải trình đề án thu phí phương tiện trong nội đô. Ảnh: Trọng Đảng
Trong tháng 2, Sở GTVT Hà Nội phải trình đề án thu phí phương tiện trong nội đô. Ảnh: Trọng Đảng.
 

Theo các chuyên gia giao thông, trong 13 danh mục phí, lệ phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải ban hành theo Pháp lệnh số 38/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không có nội dung nào quy định việc thu phí lưu hành đối với phương tiện giao thông hoạt động trong khu vực nội đô giờ cao điểm.

“Do vậy, nếu TP Hà Nội lập đề án và triển khai loại thu phí này không biết dựa vào đâu, cơ sở pháp lý nào cho phép thực hiện như vậy”, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nói.

Theo ông Liên, ngay cả Bộ GTVT muốn đề xuất thu các loại phí cũng phải được Thường vụ Quốc hội thông qua, sau đó bổ sung hoặc sửa pháp lệnh rồi mới được thực hiện. Ngoài ra, việc thu phí phương tiện qua trạm thu phí ở các cửa ngõ rất dễ dẫn tới ùn tắc trên diện rộng.

“Các nước họ cũng áp dụng loại phí này nhưng cơ sở hạ tầng, phương tiện họ tốt, hiện đại nên thu tự động qua thẻ. Hà Nội lập các trạm thu phí thủ công để thu phí phương tiện lưu hành trong nội đô là điều không tưởng”, ông Liên cảnh báo.

Hiệp hội Vận tải Ô tô phía Bắc cho rằng, ùn tắc giao thông hiện nay ở Thủ đô là do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức và phân bố dân cư không hợp lý; số lượng phương tiện, đặc biệt là ô tô cá nhân, còn quá nhỏ so với ở Bắc Kinh, Bangkok, Singapore... Vì vậy, thay vì thu phí, hạn chế quyền đi lại của người dân, nên đầu tư mạnh cho đường sá và quy hoạch dân cư cho tốt. “Mình phải tùy tình hình mà áp dụng cho hợp lý, không thể thấy các nước thu cái gì thì mình cũng thu như thế”, ông Phạm Bá Cường, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô phía Bắc, nói.

Nếu thu, phải sửa pháp lệnh

Sau khi TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo việc trên, Sở GTVT có văn bản nêu ra những khó khăn khi triển khai đề án. Theo Sở GTVT, Pháp lệnh 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có quy định thu phí lưu hành đối với phương tiện giao thông hoạt động trong khu vực nội đô giờ cao điểm.

“Vì vậy, nếu thực hiện đề án này cần đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung và hướng dẫn triển khai đối với danh mục phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, Sở GTVT đề xuất với TP Hà Nội.

Sở GTVT cũng cho rằng, khi thực hiện sẽ thu phí bằng phương pháp thủ công (lập chốt thu phí), chứ chưa có điều kiện thu phí tự động theo hướng hiện đại như một số nước đã áp dụng, dẫn tới việc phải tăng lực lượng thanh tra, CSGT tại các chốt thì mới thu được. Trong khi đó, việc thu phí thủ công rất dễ dẫn đến ùn tắc cục bộ tại khu vực thu phí (thực tế đã diễn ta tại các trạm thu phí đường bộ).

Hơn nữa, đặc thù của Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi tập trung nhiều cơ quan, đoàn thể và nằm rải rác các quận nội thành, chưa có khu hành chính riêng. Mật độ dân cư lại phân bố không đều, chủ yếu tập trung từ vành đai 2 trở vào, trong khi các vùng phía ngoài lại thưa khiến giao thông đan xen phức tạp, mật độ phương tiện đi lại hiện nay đã vượt quá khả năng lưu thông của các nút giao thông từ 2 đến 4 lần, đặc biệt là giờ cao điểm.

Trước các vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết, do đề án liên quan nhiều người, nên trong tháng 2 này, Sở sẽ phối hợp Bộ GTVT, thậm chí tổ chức hội thảo mời các chuyên gia cho ý kiến để xây dựng, hoàn chỉnh đề án, trình thành phố phê duyệt.

Phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm 30.000 - 50.000 đồng/lượt

Ngoài thu phí lưu hành, theo đề xuất mức phí sàn ô tô đi vào nội đô các thành phố lớn giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h đến 8h30, buổi chiều từ 16h đến 19h, trừ ngày nghỉ, lễ) mà Bộ GTVT vừa đề xuất là 30.000 đồng/lượt (xe ôtô đến 7 chỗ) và 50.000 đồng/lượt (với các loại ôtô còn lại).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG