Chưa chốt thời gian thu phí chính thức cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Qua hơn 90 ngày vận hành lưu thông không thu phí (từ 30/4/2022 đến nay), dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến đưa vào vận hành thu phí chính thức vào ngày 1/8/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có ý kiến chính thức từ tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thầm quyền).

Thông tin được Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết hôm nay (31/7).

Theo doanh nghiệp dự án (DNDA), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện trong tình trạng lưu lượng xe tăng đột biến, đến nay đã có hơn 2,2 triệu lượt xe lưu thông qua tuyến đường này, trung bình trong 30 ngày gần đây là 30.512 lượt xe/ngày đêm.

Kể từ khi vận hành đến nay, đơn vị đã xử lý hơn 50 vụ va chạm, cứu hộ 550 trường hợp xe gặp sự cố và tiếp nhận giải đáp 1.172 cuộc gọi của người tham gia giao thông. Trong số các vụ va chạm, nguyên nhân có 43% do lái xe chuyển hướng không đúng quy định, 36% chạy quá tốc độ, 6% sử dụng rượu bia…

“Hiện nay, các yêu cầu của tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền), Bộ GTVT và Hội đồng kiểm tra nhà nước (Bộ Xây dựng) đã được DNDA thực hiện đầy đủ, đảm bảo điều kiện đưa dự án vào khai thác. Các mức phí từng loại xe cũng đã được DN thống nhất điều chỉnh giảm theo đề nghị của tỉnh Tiền Giang.

Các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, ứng cứu xử lý các sự cố cũng đã được đơn vị quản lý vận hành thực hiện. DNDA cũng cho kéo dài thời phục vụ miễn phí thêm 30 ngày (tổng cộng 90 ngày) để chờ quyết định nhưng chưa có ý kiến chính thức”- Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết.

Chưa chốt thời gian thu phí chính thức cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ảnh 1

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Cũng theo DNDA, việc “chậm trễ” trên dẫn đến những thiệt hại như: Không kiểm soát được tải trọng xe, chất lượng xe, không kiểm soát được lưu lượng dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao; không có chi phí bảo trì, bảo hành, sửa chữa công trình dẫn đến xuống cấp; gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng khi phương án tài chính đã được cụ thể hóa trong các điều khoản hợp đồng không được thực hiện. Đối với DN, việc này gây thất thu hàng trăm tỷ đồng dẫn đến không có chi phí để tiếp tục quản lý vận hành…

Theo Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ GTVT, biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo chặng như sau:

Mức giá tối đa đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng (nhóm 1) là 2.100 đồng/km.

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn (nhóm 2) là 3.000 đồng/km.

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn (nhóm 3) là 4.400 đồng/km.

Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet (nhóm 4) là 8.000 đồng/km.

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet (nhóm 5) là 12.000 đồng/km.

DNDA đề xuất mức phí cho cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận như sau: nhóm 1 là 2.100 đồng/km; nhóm 2 là 3.000 đồng/km; nhóm 3 là 3.700 đồng/km; nhóm 4 là 6.000 đồng/km và nhóm 5 là 8.400 đồng/km.

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT ngày 12/7, ông Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đang cân nhắc, tính toán và đàm phán với DNDA về phương án giá vé.

Chiều 31/7, PV Tiền Phong liên hệ điện thoại với ông Trần Văn Dũng để hỏi thêm thông tin nhưng chưa nhận được phản hồi.

MỚI - NÓNG