Vụ trộn phế phẩm cà phê nhuộm pin vào tiêu

Chưa biết hỗn hợp nhuộm pin là chất gì?

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan.
TP - Cuối chiều 26/4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo lần 2 vụ trộn phế phẩm cà phê nhuộm pin vào tiêu để bán kiếm lời, xảy ra tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông).

 Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được hỗn hợp trộn giữa vỏ cà phê, đá sỏi nhỏ và than pin gồm những chất gì, mức độc hại ra sao?

Trộn tạp chất vào hồ tiêu

Chủ trì cuộc họp báo là ông Ngô Xuân Lộc (Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Đắk Nông), đồng chủ trì là đại tá Lê Vinh Quy (Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông). Tại cuộc họp báo này, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đã thông tin bước đầu về kết quả điều tra của vụ việc này.

Thượng tá Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Ngày 15/4, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp các ngành liên quan kiểm tra hành chính, phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản của bà Loan có hành vi pha trộn hỗn hợp gồm: vỏ cà phê, sỏi, đá nhỏ (kích thước từ 0,5mm đến 3mm), bột pin và nước, sau đó sấy khô và đóng bao. Tại hiện trường lực lượng công an đã thu giữ được hơn 21 tấn hỗn hợp đã sấy khô, đóng bao. Ngoài ra, đã phát hiện thu giữ 3,998 tấn đá sỏi, 300 kg vỏ cà phê, 40 lít dung dịch màu đen, 1 cối trộn bê tông, 192 kg lõi pin và 35 kg vỏ pin đập dập.

Đến ngày 23/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 5 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, ở xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp), Phan Thị Dung (SN 1962, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thảo Dung, ở thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước), Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979) và Trần Văn Tuấn (SN 1976, cùng ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông). Ngày 24/4, Cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với 5 đối tượng trên về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, quy định tại Điều 317, Bộ luật Hình sự.

 Chưa biết hỗn hợp nhuộm pin là chất gì? ảnh 1 Các sản phẩm tạp chất do bà Loan sản xuất đã được đưa đi giám định. 

Theo thượng tá Bình, Loan và Bảo đều khai nhận mua pin và các phế phẩm về sơ chế, rồi bán cho Thơ và Tuấn 3 tấn hỗn hợp trên. Sau đó, Thơ và Tuấn bán lại 3 tấn hỗn hợp này cho Phan Thị Dung, Giám đốc Cty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung ở xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước – PV), để Dung trộn vào hồ tiêu nhằm tăng khối lượng hồ tiêu. Sau đó, Dung đã sử dụng một phần hỗn hợp mua được để trộn vào tiêu, đóng vào 360 bao tải chất vào kho (tổng khối lượng 9 tấn). Khi nghe được thông tin hành vi pha trộn hỗn hợp của Loan đã bị Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, Dung đã cho pha trộn lượng toàn bộ hỗn hợp còn lại với vôi, phân lân và phân heo, rồi mang ra giấu ở vườn cao su, mục đích để tẩu tán, tiêu hủy nguồn chứng cứ. Công an tỉnh Đắk Nông đã thu giữ 9 tấn hồ tiêu (có trộn hỗn hợp) và 11 tấn hỗn hợp pha trộn với vôi, phân lân, phân heo nêu trên. Hiện mẫu vật thu giữ đã được gửi Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an giám định.

Chưa biết là chất gì?

Trước câu hỏi của PV Tiền Phong về mục đích trộn hỗn hợp nói trên của vợ chồng bà Loan để làm gì, đại tá Lê Vinh Quy cho biết: Hỗn hợp do vợ chồng Loan làm ra đã bị Công an tỉnh Đắk Nông kịp thời phát hiện, ngăn chặn và thu giữ. Hỗn hợp này chưa được tiêu thụ ra ngoài thị trường, hoàn toàn không phải dùng làm nguyên liệu chế biến thành sản phẩm cà phê bột hoặc tiêu bột để bán cho người tiêu dùng. Công an tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục phối hợp với các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Phước điều tra mở rộng vụ án.

Cũng theo đại tá Quy, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã có đủ tài liệu chứng minh sản phẩm do vợ chồng Loan đã bán 3 tấn tạp chất cho Tuấn với giá 9 nghìn đồng/kg. Sau đó, Tuấn bán cho bà Dung với giá 12 nghìn đồng/kg. Bà Dung đã trộn những loại tạp chất này vào 9 tấn hạt tiêu, tỷ lệ có 18,34% thành phần là tạp chất. Quá trình truy bắt, do bà Dung hoảng sợ nên đã đổ ra lô cao su. Khi sản phẩm trộn này chuẩn bị mang ra thị trường bán thì bị bắt giữ.

“Hiện Công an tỉnh Đắk Nông đã lấy mẫu của 9 tấn tạp chất này đi giám định. Loại tạp chất này chưa có khái niệm cụ thể để gọi tên cho đúng, vì thực tế chưa có thuật ngữ khoa học nào đặt tên cho loại hỗn hợp tạp chất này. Để khẳng định tạp chất này có phải là chất cấm hay không cấm, hoặc chất nằm ngoài danh mục được sử dụng hay không? Câu trả lời này còn phải chờ kết quả giám định. Chúng tôi đang củng cố các nguồn chứng cứ và lời khai, từ nguồn giám định, vật chứng, cùng các nguồn khác để chứng minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”, đại tá Quy cho biết.

Kết thúc buổi họp báo, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông và Công an tỉnh này vẫn chưa trả lời hết những câu hỏi của báo chí về các vấn đề liên quan. Ông Ngô Xuân Lộc cho biết: UBND tỉnh Đắk Nông sẽ có văn trả lời sau cho báo chí về những câu hỏi “còn nợ” tại cuộc họp báo này.

Có sơ hở trong quản lý hàng hóa

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề họp báo, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Đắk Nông xác nhận Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các ban ngành thường xuyên kiểm tra, phối hợp để sớm phát hiện những vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa trái quy định. “Dù chưa biết hỗn hợp bà Loan nhuộm pin là chất gì, nhưng hành vi này của vợ chồng bà này phải lên án mạnh mẽ. Qua vụ việc này, lãnh đạo tỉnh cũng cho rằng có sự sơ hở trong quản lý việc sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhất là những chất cấm. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ có công văn chỉ đạo sát sao việc này, tránh xảy ra sự việc tương tự”, ông Lộc nói.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn kéo dài, Thừa Thiên-Huế rà soát sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Mưa lớn kéo dài, Thừa Thiên-Huế rà soát sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm
TPO - Trước tình hình mưa lớn còn tiếp diễn, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát các khu dân cư ven đồi núi, ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu, địa bàn dễ bị chia cắt.