Chủ tịch UBND TPHCM: ‘Làm cảng ‘chui’ giữa sông Sài Gòn là không thể chấp nhận

TPO - Kiểm tra tại hiện trường, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu xử lý nghiêm công trình cầu cảng của một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang thi công lấn ra dòng chảy sông Sài Gòn nhưng không có giấy phép xây dựng và chưa có ý kiến của các cơ quan chức năng thành phố.

Sáng 23/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp thị sát công trường thi công các hạng mục của dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1”.

Tại hạng mục đê kè đang thi công trên địa bàn huyện Nhà Bè, báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Tùng cho biết đã nhận được tiền từ chủ đầu tư vào ngày 18/5 và đang thực hiện chi trả bồi thường giải tỏa cho các hộ dân thuộc diện di dời.

Chủ tịch UBND TPHCM: ‘Làm cảng ‘chui’ giữa sông Sài Gòn là không thể chấp nhận ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thị sát siêu dự án chống ngập và chỉ đạo xử lý bến cảng xây dựng không phép của một doanh nghiệp  

Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn. Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang thi công xây dựng cầu cảng trên sông Sài Gòn. Công trình này có một phần diện tích chồng lấn lên đê kè của dự án. “Công trình cầu cảng của doanh nghiệp được cơ quan chủ quản phê duyệt dự án nhưng không có giấy phép xây dựng”, ông Hoàng Tùng báo cáo.

Nghe đến đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chất vấn: Không có giấy phép sao lại phê duyệt dự án? Xây dựng không phép thì phải cưỡng chế. Cơ quan nào phê duyệt dự án thì phải xem lại. Việc này Sở Xây dựng có biết không?

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình đáp: Dạ biết. Công trình này Sở Xây dựng đã kiểm tra. Đúng là doanh nghiệp không giấy phép xây dựng.

Báo cáo với Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết đã kiểm tra công trình từ năm 2018, ghi nhận đoanh nghiệp đóng hàng chục cọc bê tông bên trong triền sông. Do kiểm tra hiện trạng nên đoàn công tác khi ấy không lập biên bản vi phạm mà giao cho huyện Nhà Bè thực hiện.

Ông Võ Văn Hoan khẳng định: Cái này là doanh nghiệp cố ý vi phạm. Lần trước kiểm tra chỉ làm bên trong, bây giờ chồm ra sông. Việc này là không thể chấp nhận được. Lần này UBND TPHCM giao UBND huyện lập biên bản xử lý theo quy định.

Chủ tịch UBND TPHCM: ‘Làm cảng ‘chui’ giữa sông Sài Gòn là không thể chấp nhận ảnh 2 Bến cảng xây "lậu" lấn ra sông Sài Gòn của một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

“Dự án đầu tư trên địa bàn thì phải hỏi ý kiến của thành phố. Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp cảng Hiệp Phước… khi làm cầu cảng đều phải xin ý kiến dù họ không lấn ra dòng chảy”, ông Hoan nói

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, sông Sài Gòn thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố. Xây dựng trái phép trên đất công (bờ sông) và lấn ra dòng chảy của sông Sài Gòn là vi phạm pháp luật và không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, ông Phong nhìn nhận trong thời gian vừa qua các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã xử lý thiếu kiên quyết và yêu cầu UBND huyện Nhà Bè phối hợp Sở Xây dựng xử lý vi phạm, báo cáo kết quả cho UBND TPHCM trước ngày 5/6.

Chủ tịch UBND TPHCM: ‘Làm cảng ‘chui’ giữa sông Sài Gòn là không thể chấp nhận ảnh 3 Công trình có quy mô lớn, lấn sông nhưng không có giấy phép xây dựng

“Phải lập biên bản, không nhắc nhở được. Nếu lập biên bản mà doanh nghiệp không khắc phục thì phải cưỡng chế, thậm chí chuyển cơ quan điều tra. Đụng đến sông Sài Gòn là không được. Vừa rồi thành phố đã kiểm tra hơn 100 công trình dọc sông Sài Gòn. Sắp tới phải có biện pháp quản lý. Giữa dòng sông làm cả bến cảng cất bốc hàng hóa không phép, không có ý kiến của địa phương là không thể chấp nhận. Tôi đề nghị phải xử lý nghiêm. Đã là công ty nhà nước càng phải chấp hành luật pháp”, ông Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định nếu cần thiết, thành phố sẽ có văn bản gửi Bộ GTVT. “Dứt khoát không được xâm lấn trái phép sông Sài Gòn. Anh làm cầu cảnh phải xin phép và được thành phố cho phép mới được làm”, ông Phong lưu ý.

MỚI - NÓNG