Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn |
Thưa ông, ngành giáo dục của Hà Giang nhiều năm liền xếp thứ hạng thấp nhất cả nước, đâu là nguyên nhân?
Kết quả thi trung bình các môn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT của địa phương gần đây xếp thứ 63/63 tỉnh, thành và công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi chưa đạt kết quả tốt là một thực tế.
Cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ đội ngũ chưa tốt ảnh hưởng chất lượng dạy và học tại Hà Giang. ảnh: Như Ý |
Nguyên nhân đầu tiên là do địa phương có tỉ lệ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số rất cao, chiếm gần 88%. Các em học tiếng Việt cũng đã khó khăn, học thêm tiếng Anh là thêm một ngoại ngữ nữa. Do vậy, khi tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các em lại càng gặp khó hơn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất mặc dù đã được quan tâm, đầu tư nhưng vẫn còn rất nhiều phòng học tạm, không đảm bảo. Để đáp ứng chương trình GDPT 2018, năm học tới, địa phương cần có thêm 2.800 phòng học mới đáp ứng được cơ sở vật chất, chưa kể thiếu trang thiết bị dạy học đồng bộ. Đội ngũ nhà giáo thiếu gần 3.000 người cũng là một vấn đề, nhất là các môn học mới như tiếng Anh, Tin học rất khó để tuyển dụng được giáo viên. Như năm học vừa qua, cả huyện Mèo Vạc chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh.
Một nguyên nhân nữa, ở những vùng khó khăn, sự quan tâm đến giáo dục của phụ huynh còn hạn chế. Ở nhiều nơi, thầy cô vẫn phải đến nhà vận động học sinh đến lớp.
Trong kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, chất lượng giáo dục hiện nay có phải là điểm yếu hay không, theo ông?
Thực tế ở địa phương ngoài chất lượng giáo dục thấp, vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Lâu nay, đa phần cán bộ, công chức là người dưới xuôi lên công tác, sinh sống. Cán bộ là người dân tộc thiểu số ít. Địa phương đã nhìn nhận được vấn đề, xác định vai trò giáo dục rất quan trọng và đã đưa ra nhiều chính sách thu hút nhưng cái khó là tỉnh xa trung tâm, điều kiện địa hình rất phức tạp. Vì thế, địa phương còn nhiều khó khăn trong tuyển dụng, sử dụng nguồn lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.
Giải pháp “thoát đáy”
Vậy, thời gian tới địa phương có chính sách đào tạo, thu hút nhân lực thế nào để giáo dục địa phương có thể “thoát đáy”?
Với thực tế hiện nay, chúng tôi đưa ra mục tiêu phấn đấu thời gian tới sẽ đạt mức trung bình, trung bình khá trong khu vực. Giáo dục là lĩnh vực không thể có kết quả ngay mà chúng tôi sẽ cố gắng từng bước, gỡ từng nút thắt với mong muốn sẽ xoay chuyển dần dần.
Trong đó, xác định đội ngũ là quan trọng nhất. Hằng năm trong dịp hè, yêu cầu ngành tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ, đồng thời có chính sách khuyến khích học sinh đỗ các trường ĐH có học lực khá, giỏi, tỉnh có hỗ trợ học bổng. Với sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH trở về quê hương công tác, tỉnh cũng có chính sách thu hút. Bên cạnh đó, để chủ động nhân lực, chúng tôi phối hợp với ĐH Thái Nguyên trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm Hà Giang nâng cấp thành lập phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang để đáp ứng được số lượng, chất lượng giáo viên trong giảng dạy.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định sẽ tập trung xử lý những điểm nghẽn, điểm khó của ngành giáo dục.
Cảm ơn ông.
Một trong những giải pháp tỉnh Hà Giang đưa ra trong Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030 là khẩn trương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên được giao; bố trí đủ kinh phí để thực hiện hợp đồng giáo viên đảm bảo đủ số lượng, định mức tỷ lệ giáo viên/lớp tại các cấp học; xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá năng lực giáo viên toàn ngành để có căn cứ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ…