Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không để xảy ra tình trạng 'tham nhũng chính sách'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu bế mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV chiều 6/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc triển khai các luật, nghị quyết, đòi hỏi nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả, bài học kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế; quán triệt đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi hành đối với từng luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không để xảy ra tình trạng 'tham nhũng chính sách' ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội nghị. (Ảnh: Quốc hội)

Đồng thời, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và Kết luận 19 của Bộ Chính trị. Siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật.

"Có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cùng với đó, lãnh đạo Quốc hội cũng lưu ý, thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kịp thời phát hiện các quy định qua thi hành có phát sinh vướng mắc, cản trở, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không để xảy ra tình trạng 'tham nhũng chính sách' ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh Quốc hội)

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tập trung hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024 theo nghị quyết của Quốc hội gắn với việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát, kiến nghị bổ sung nhiệm vụ lập pháp để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

"Chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng 'tham nhũng chính sách', 'lợi ích nhóm', 'lợi ích cục bộ' trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật", ông Vương Đình Huệ nêu.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Cùng với đó, cần chú trọng giám sát việc ban hành văn bản, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần tiến hành thường xuyên; chủ động theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, nghị quyết giám sát, chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương; quan tâm giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội...

MỚI - NÓNG