PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện Bạch Mai tiền thân là Nhà thương Cống Vọng được thành lập từ năm 1911. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các thế hệ thầy thuốc và nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai đã cùng với chiến sĩ và nhân dân thành phố Hà Nội kiên cường chiến đấu bảo vệ Thủ đô; hăng hái tình nguyện chi viện phục vụ chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế; không quản gian khổ, hy sinh, cứu chữa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước, toàn ngành Y tế nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong suốt chặng đường gần 110 năm xây dựng, phấn đấu và phát triển, Bệnh viện Bạch Mai đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt trở thành bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước. TS. Nguyễn Quốc Anh cho biết: “Không chỉ ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến trong khu vực và thế giới trong khám, chữa bệnh, bệnh viện còn là cơ sở đào tạo thực hành cho cán bộ toàn ngành Y tế và nhiều nước trên thế giới. Nhờ đó, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, khám, chữa bệnh tim mạch, ung bướu, truyền nhiễm, hồi sức, cấp cứu, chống độc, phòng, chống dịch bệnh… đã được triển khai và ứng dụng vào thực tiễn".
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chúc mừng, bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh những thành tích, đóng góp to lớn mà các thế hệ giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã đạt được trong thời gian qua.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng cao, tạo sức ép ngày càng lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế… "Bối cảnh đó đòi hỏi đội ngũ giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống Đơn vị Anh hùng, tập trung đổi mới, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Cấp cứu, khám chữa bệnh tuyến cuối; đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, phòng, chống dịch bệnh, hợp tác quốc tế… "- Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.
Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành Y tế, Bệnh viện Bạch Mai chú trọng phát triển kỹ thuật mũi nhọn chuyên sâu, nhất là về tim mạch, cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, thần kinh, y học hạt nhân và ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, hóa sinh, vi sinh…, nhất là phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, từng bước khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; đẩy mạnh kết hợp quân, dân y, chú trọng hỗ trợ y tế ở vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trong khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, Chủ tịch nước mong muốn ngành Y tế luôn thấm nhuần sâu sắc và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” và 12 điều y đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tình chăm sóc người bệnh.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì lần thứ hai cho Bệnh viện Bạch Mai; Huân chương Lao động hạng Nhất cho PGS.TS, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Quốc Anh-Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Chiều cùng ngày tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã đến chúc mừng các y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, nhân dịp kỉ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Chúc mừng các thầy thuốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao những kết quả mà bệnh viện đạt được trong hơn 60 năm qua, kế thừa được truyền thống nền y dược học cổ truyền của dân tộc. Nhấn mạnh y học cổ truyền Việt Nam có lịch sử lâu đời và đáng tự hào, với nhiều danh y được kính trọng, yêu mến, ông Võ Văn Thưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát huy y học cổ truyền trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông Võ Văn Thưởng nói: “Vấn đề kết hợp y dược học cổ truyền với y học hiện đại có giá trị rất lớn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân từ xưa đến nay. Tôi mong cán bộ công nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy lĩnh vực y dược học cổ truyền, nghiên cứu, phát triển nhiều bài thuốc mới để chữa bệnh cho nhân dân.”
Cũng trong chiều 26/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã tới thăm hỏi, chúc mừng và ghi nhận những đóng góp tích cực của Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia. Mong muốn Giáo sư tiếp tục truyền đạt chuyên môn và y đức cho thể hệ trẻ cũng như đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của y học nước nhà.
Nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước đã trao bản sao Thư của Bác Hồ gửi hội nghị cán bộ, nhân viên y tế cho ngành y tế.