Chủ tịch nước: Sai thì xử, không vì anh Hai, Ba, Tư nào hết!

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri tại TPHCM. Ảnh: PV.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri tại TPHCM. Ảnh: PV.
TP - Liên quan nạn tham nhũng, ngoài chạy chức, chạy quyền, chạy huân chương, tình trạng chạy án cũng đang diễn ra hết sức phức tạp, nghiêm trọng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Tiếp xúc cử tri quận 1, 3, TPHCM ngày 3/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết đang trực tiếp theo dõi một số vụ việc cụ thể.

Chạy án ghê gớm không kém chạy chức, chạy quyền

Đề cập một số vụ án oan sai và có dấu hiệu oan sai đang gây bức xúc trong dư luận, cử tri Nguyễn Hữu Vạn (phường Bến Thành, quận 1) nói rằng, nhiều thẩm phán không căn cứ vào luật mà xử bằng cảm tính. Có bản án công nhận hai vấn đề trái ngược nhau tồn tại ở cấp phúc thẩm và sơ thẩm.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nước ta đã cải cách tư pháp 8 năm, công khai, dân chủ, minh bạch trong hoạt động xét xử. Việc phán quyết căn cứ hồ sơ, chứng cứ từ cơ quan điều tra và kết quả tranh tụng trước tòa. Khi phát hiện oan sai, các cơ quan chức năng làm triệt để.

“Anh phán quyết thì anh phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói anh Hai, anh Ba, anh Tư chỉ đạo… Mình quan tâm đến oan sai để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền tự do của công dân. Nếu gây oan sai phải xử đến nơi đến chốn, nhưng điều cần quan tâm không kém là không được để lọt tội phạm. Một số vụ rất quan trọng trên địa bàn này chúng tôi rất chú ý. Có những vụ việc chúng tôi đang theo dõi. Đây cũng là một loại “chạy” chứ không chỉ chạy chức, chạy quyền, chạy huân chương. Chạy án cũng ghê gớm lắm. Tôi cho rằng còn bỏ sót rất nhiều, lọt rất nhiều. Nếu không nhiều thì làm gì mỗi lần gặp nhau chúng ta căng thẳng với nhau về chống tham nhũng”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Cô bác coi có phát hiện trường hợp nào, ông quan nào bao che không. Nếu phát hiện, cứ nói tự do mỗi lần gặp như thế này. Đây cũng là một biện pháp quan trọng để những ai muốn vi phạm cũng phải chùn bước.

Chủ tịch nước: Sai thì xử, không vì anh Hai, Ba, Tư nào hết! ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri TPHCM ngày 3/12.

Không công khai, dân nghi ngờ là phải

Một số cử tri đề nghị công khai tài sản của cán bộ lãnh đạo tại nơi cư trú, thay vì tại cơ quan đơn vị như hiện nay. Cử tri Trần Quang Tuấn (phường Bến Nghé, quận 1) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ đương nhiệm làm gương. 

“Phó Chủ tịch nước thì có quy định cụ thể trong Hiến pháp, sao các ngành khác lại thoải mái đề bạt... Có những lúc tôi nói đùa cũng cần thêm phó để bớt phải đi họp, bớt phải đi cơ sở, nhưng nói vậy thôi chứ ít phó như tôi mà công việc vẫn chạy tốt. Nhiều cấp phó dẫn đến sự trùng dẫm trong công việc, trong điều hành”.

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rõ: "Vụ anh Trần Văn Truyền tôi nhớ kỹ lắm. Cô bác có nêu ra tại kỳ họp đầu tiên khi ra mắt cử tri cho bầu cử. Chúng tôi đã có trao đổi hết sức là thẳng thắn. Nguyện vọng của cô bác yêu cầu công khai hóa tài sản cá nhân, tôi hết sức tán thành. Nhưng, trong quá trình luật hóa vấn đề này thì còn khoảng cách giữa thể chế hóa với nguyện vọng của nhân dân, cử tri. Hằng năm, chúng tôi đều bổ sung kê khai tài sản bằng văn bản và công khai, theo chủ trương hiện nay là tại cơ quan đang làm việc, chưa công khai ra nơi cư trú. Tôi biết chắc cô bác không bằng lòng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh và thúc đẩy sớm thể chế hóa… để quản lý, kiểm soát cán bộ, đảng viên tránh tiêu cực, bảo vệ uy tín, thanh danh của chế độ. Nguyện vọng này hoàn toàn đúng đắn".

Chủ tịch nước nói: “Có cô bác nói trên một triệu người kê khai tài sản chỉ phát hiện vài trường hợp không đúng thực tế. Đây là một dấu hỏi mà người ta nghi ngờ ghê gớm. Mà đúng, mình biết hết rồi. Những chuyện đó hằng ngày trao đổi, trong dân, trong đảng nói hết, giờ mình phải làm thôi. Nếu cô bác phát hiện ra ông A, bà B, nghe nói kê khai thế này, thế kia nhưng không phải… thì cứ phản ánh. Chúng tôi sẽ cho thẩm tra”.

“Ôm” nhà công vụ: Mang tai, mang tiếng ghê gớm

Cử tri Nguyễn Văn Phú (phường Đa Kao, quận 1) nói rằng, Nhà nước cần công khai những quan chức nào đang sử dụng nhà công vụ để dân giám sát, từ đó phát hiện quan chức nào đã về hưu vẫn “ôm” nhà công vụ. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bố trí nhà công vụ cho cán bộ được luân chuyển đến nơi công tác mới chưa có nhà ở là chủ trương đúng đắn, đến khi hết làm việc thì phải trả lại. Nhưng thực tế đang diễn ra không đúng. Có thể sai sót từ chính người sử dụng nhưng đáng trách hơn là các cơ quan quản lý cán bộ khi đã có quyết định nghỉ hưu hoặc thôi công tác lại không có quyết định thu hồi.

“Đây là sự tắc trách. Quản lý quá lỏng lẻo. Trách đồng chí được bố trí nhà không tự giác trả cũng có, nhưng đáng trách hơn là các cơ quan công quyền. Tại sao không đòi bằng giấy? Tại sao tiếp tục thu tiền thuê nhà? Tất nhiên quản lý và thu tiền là hai cơ quan khác nhau. Nói bời rời như thế, mang tai, mang tiếng ghê gớm. Chuyện này đơn giản, không phức tạp gì cả. Từ đơn giản biến thành phức tạp. Chúng tôi sẽ cho rà soát lại. Cơ quan nào cấp nhà, đến khi cán bộ không còn làm, không còn nhu cầu sử dụng mà anh không thu hồi thì quy trách nhiệm cơ quan đó”, Chủ tịch nước nói.

MỚI - NÓNG