Nội dung trên được thể hiện tại Điều 29 của Nội quy Kỳ họp Quốc hội vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng nay (24/11) với tỷ lệ tán thành 87,65%.
Theo đó, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao. Người tuyên thệ phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ. Thời gian tuyên thệ không quá 3 phút.
Nội quy kỳ họp sửa đổi vẫn quy định, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ như trước đây. Nội quy sửa đổi vừa được thông qua cũng quy định, trường hợp không thể tham dự phiên họp, ĐBQH phải báo cáo Trưởng Đoàn hoặc Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt từ ba ngày trở lên thì gửi văn bản và nêu rõ lý do đến Trưởng Đoàn ĐBQH, đồng thời gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định.
Nội quy kỳ họp cũng quy định, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin về kỳ họp phải bảo đảm chính xác, khách quan; không tiết lộ thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước, nội dung các phiên họp kín của Quốc hội.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm của ĐBQH cho phù hợp với đặc thù nước ta là có 2/3 đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, không nên quản lý theo cách hành chính bằng việc báo cáo, xin phép khi vắng mặt. Ý kiến khác đề nghị làm rõ quy định ĐBQH phải báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định trong trường hợp vắng mặt tại kỳ họp 3 ngày liên tục hay 3 ngày ngắt quãng? Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị bổ sung chế tài đối với ĐBQH trong trường hợp vắng mặt nhiều ngày mà không được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội để nâng cao trách nhiệm của ĐB.
Về việc này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, ĐBQH có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể Quốc hội, họp Tổ đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các phiên họp khác và thảo luận, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Tuy nhiên, việc ĐBQH hội vắng mặt nhiều tại hội trường trong các phiên họp là vấn đề mà các ĐBQH cũng như cử tri, nhân dân cả nước không mong muốn. Vì vậy, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định trong trường hợp không thể tham dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại kỳ họp từ 03 ngày làm việc liên tục trở lên vì lý do chính đáng thì phải báo cáo xin phép Chủ tịch Quốc hội.
Ông Phan Trung Lý cũng cho biết, có ý kiến đề nghị quy định Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vào tham quan Nhà Quốc hội và dự thính các phiên họp của Quốc hội; quy định công dân được dự thính tất cả các phiên họp công khai của Quốc hội; giao Tổng thư ký Quốc hội quy định việc công dân vào thăm quan nhà Quốc hội, dự thính Quốc hội họp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội lần này được sửa đổi theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vào tham quan nhà Quốc hội, dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội một mặt nhằm nâng cao hiểu biết của người dân, mặt khác tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.
“Việc công dân được vào dự thính tại các kỳ họp Quốc hội là một việc làm mới đối với Quốc hội Việt Nam, nên cần thực hiện và rút kinh nghiệm để có điều chỉnh cho phù hợp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung quy định giao Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội như đã thể hiện trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội”, ông Lý cho hay.
Ngoài ra một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc trong tuyên thệ như lời văn tuyên thệ, tuyên thệ trước ai, nơi nào, thời gian cụ thể; đề nghị quy định chỉ tuyên thệ 3 chức danh là Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, những chức danh khác thì không cần thiết. Cũng có ý kiến đề nghị quy định chức danh nào được bầu thì chức danh đó phải tuyên thệ.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuyên thệ là vấn đề mới được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, theo đó ngay sau khi được bầu thì Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải thực hiện việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung một điều mới (Điều 29) quy định về việc người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao, người tuyên thệ phải đứng tuyên thệ trước Quốc kỳ, thời gian tuyên thệ không quá 3 phút như trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội.