Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Đưa TPHCM trở thành hình mẫu của cả nước

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với cử tri huyện Củ Chi sau hội nghị tiếp xúc cử tri
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với cử tri huyện Củ Chi sau hội nghị tiếp xúc cử tri
TP - Ngày 9/5, cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi để vận động bầu cử, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh TPHCM có nhiều tiềm năng phát triển, nếu khơi thông các điểm nghẽn.

Đơn vị bầu cử số 10 (TPHCM) có 5 ứng viên, gồm: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Trần Đức Cường; Phó Hiệu trưởng (điều hành) Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Nguyễn Thanh Hiệp và thiếu tướng Phan Văn Xựng - Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ vui mừng khi có lãnh đạo cấp cao của Trung ương và TPHCM ứng cử tại địa bàn huyện, trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Cử tri Lê Anh Tuấn (xã Nhơn Đức) gửi gắm nguyện vọng về phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh), các đường vành đai sớm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu phát triển của TPHCM và nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển thương mại dịch vụ tại huyện Củ Chi.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận góp ý cử tri, đồng thời đồng tình với góp ý cử tri về việc các ứng cử viên phải thực hiện đúng chương trình hành động, lời nói và việc làm phải đi liền với nhau.

Trưa cùng ngày, sau buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu đi thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang Tô Văn Đực (79 tuổi, ngụ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TPHCM). Trước hoàn cảnh Anh hùng Tô Văn Đực đang sống cùng gia đình trong căn nhà đơn sơ, Chủ tịch nước cho biết, sẽ hỗ trợ số tiền 100 triệu đồng giúp Anh hùng Tô Văn Đực nâng cấp, sửa sang ngôi nhà cho khang trang, chắc chắn hơn.

Về một số vấn đề cử tri quan tâm, như cần phát triển hạ tầng giao thông ở TPHCM, sớm làm đường cao tốc, đường vành đai,… Chủ tịch nước cho rằng hạ tầng giao thông đang là nút thắt, điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đầu tàu kinh tế TPHCM.

“Lãnh đạo TPHCM cũng thể hiện quyết tâm thực hiện để thúc đẩy sự phát triển. Các dự án trọng điểm như đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, mở rộng Quốc lộ 22 cùng với 1.600 tuyến đường nông thôn mới sẽ là nền tảng quan trọng để Thành phố và huyện Củ Chi phát triển. Tôi đề nghị anh Tư Phong (Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong) và Thành ủy TPHCM có chương trình hành động để cải thiện hạ tầng giao thông trong thời gian tới”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Nói về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.

“Chúng tôi đã chuyển giao chương trình chống COVID-19 cho chính phủ mới để tiếp tục thực hiện. Đây là cuộc chiến của toàn dân. TPHCM không để một ca nào lây trong cộng đồng và nếu có thì phải bao vây, dập dịch. Phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là”, Chủ tịch nước căn dặn và đánh giá TPHCM bước đầu kiềm chế dịch rất tốt nhưng nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài là rất lớn.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng cử viên tiếp xúc cử tri 3 xã Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) tại UBND xã Nhuận Đức. Trình bày chương trình hành động, bày tỏ vinh dự được Hội đồng Bầu cử Quốc gia giới thiệu ứng cử tại TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Chương trình hành động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tập trung vào 4 nhóm vấn đề trọng tâm. Chủ tịch nước cam kết thực hiện đúng các quy định và làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, gắn bó với cử tri, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ảnh kịp thời với Quốc hội và các cơ quan chức năng; chủ động, tích cực nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH TPHCM và của Quốc hội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến trách nhiệm nêu gương của đại biểu là công chức trước nhân dân, trước cử tri và càng là cán bộ lãnh đạo cấp cao càng phải nêu gương.

Bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề thiết thực về kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Chủ tịch nước cho biết sẽ thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thời gian, chi phí về thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh, an toàn, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái…

Đối với TPHCM, Chủ tịch nước cam kết sẽ thúc đẩy triển khai 4 chương trình phát triển mà TPHCM đã đề ra, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh của TPHCM, nhất là vấn đề chuyển giao khoa học- công nghệ, vấn đề lao động, việc làm; chất lượng, tốc độ tăng trưởng; nhà ở, các thiết chế văn hóa cho người lao động,... bảo đảm môi trường sống xanh, sạch, an toàn, góp phần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, gìn giữ bản sắc văn hóa, nhất là trong giới trẻ.

“Cùng với đó là thúc đẩy các chương trình đang triển khai: Đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển đổi số quốc gia; thu hút tài năng trong và ngoài nước; thúc đẩy các sáng kiến, đưa TPHCM trở thành hình mẫu của cả nước, có sức cạnh tranh trong khu vực về đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài”, Chủ tịch nước nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.