Sáng cùng ngày, tại Thủ đô Minsk, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus, theo sự phân công của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Nhà máy ôtô Minsk (MAZ).
MAZ là nhà máy ôtô có lịch sử phát triển lâu đời của Belarus và đã duy trì được vị trí ổn định trên thị trường sản xuất ôtô thế giới.
Sản phẩm của MAZ đạt tiêu chuẩn môi trường Euro-3, Euro-4, Euro-5, Euro-6. Sản phẩm của Nhà máy mang thương hiệu MAZ có xe đầu kéo, xe tải phụ, khung gầm được lắp đặt cho các thiết bị chuyên dụng khác nhau. Tổng cộng có hơn 500 mẫu mã và biến thể.
Từ năm 1995, Nhà máy bắt đầu sản xuất xe chở khách: xe chạy trong thành phố, chạy liên tỉnh, xe du lịch và xe buýt chuyên dụng. Với mẫu mã thiết kế, tính năng, chất lượng và độ an toàn, Nhà máy nhiều lần được vinh danh với các giải thưởng từ các triển lãm quốc tế và triển lãm chuyên ngành.
Hiện nay dòng xe chở khách của MAZ có hơn 15 mẫu với hàng trăm biến thể khác nhau.
Dòng xe MAZ là hiện thân của những ý tưởng thiết kế táo bạo và sáng tạo, được hiện thực hóa bằng các sản phẩm kỹ thuật chất lượng cao.
Với thiết kế hiện đại cùng với việc sử dụng công nghệ cao, xe MAZ chiếm lĩnh vị thế ổn định trên thị trường ôtô quốc tế, cạnh tranh với các nhà sản xuất tầm cỡ thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham quan Bảo tàng lịch sử chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - nơi trưng bày, bảo tồn những tài liệu, hiện vật về sự hy sinh và những đóng góp to lớn, quyết định của nhân dân Xô Viết trước đây, trong đó có nhân dân Belarus, trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cứu các dân tộc Liên Xô và cả loài người khỏi thảm họa phátxít.
Với khuôn viên trưng bày hơn 3.000 m2, khách tham quan có thể xem trên 8.000 hiện vật trong Bảo tàng, kể về lịch sử Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Trong các kho còn lưu trữ khoảng 145.000 hiện vật, được thu thập trong thời gian diễn ra chiến sự ở Đông Âu và Đức, và được gửi về từ Đại sứ quán các nước trong thời bình.
Các hiện vật chiến tranh được chia ra thành 28 bộ sưu tập và được triển lãm theo 10 phòng theo chủ đề, trong đó điểm nhấn là bộ sưu tập gồm 27.000 tài liệu (tình báo chiến sự, mệnh lệnh, báo cáo, nhật ký, báo chí chiến sự, đặc điểm của các chiến sỹ); Những bản vẽ thu thập được từ thời kỳ chiến tranh (hơn 3.000 bản vẽ, tranh biếm họa, tranh biểu ngữ nhỏ) và các tác phẩm hội họa (khoảng 500 tranh màu nước và tranh phấn màu); Đồ dùng cá nhân của các nhân vật nổi tiếng; Triển lãm kỹ thuật quân sự (xe tăng T-34, IS-3, BM-13 "Ka-chiu-sa” nổi tiếng, máy bay vận chuyển LI-2); súng bắn và đại bác...
Tất cả các hội trường của Bảo tàng đều được nối đến phòng triển lãm lớn nhất có chủ đề “Con đường chiến tranh,” chiếm 1/3 diện tích Bảo tàng.
Kết thúc khu triển lãm là Phòng Chiến thắng, được xây dựng dưới dạng mái vòm kính như của tòa nhà Quốc hội tại Berlin, nơi đánh dấu chiến thắng của quân đội Xô Viết năm 1945.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng đã tới thăm Công ty nghiên cứu, sản xuất tên lửa phòng không Tetraedr.