Chủ tịch Hiệp hội vận tải: 'Phải thấy nhục nếu không giảm giá cước'

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Nguyễn Văn Thanh kiến nghị cho phép doanh nghiệp tự cài đặt đồng hồ taxi khi thay đổi giá.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Nguyễn Văn Thanh kiến nghị cho phép doanh nghiệp tự cài đặt đồng hồ taxi khi thay đổi giá.
"Mình phục vụ người dân đi lại, mình cũng phải thấy nhục nếu không giảm giá cước, không thể để người ta nói mình là chây ỳ", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Nguyễn Văn Thanh bày tỏ việc giảm giá cước sau khi giá xăng giảm. 

Tại cuộc họp về biện pháp giảm giá vận tải sáng 22/2, các doanh nghiệp đã nêu nhiều khó khăn khiến cước vận tải chưa thể giảm ngay khi giá xăng giảm liên tiếp.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM, chia sẻ, hầu hết hãng taxi khoán nhiên liệu xăng cho tài xế, khi tăng giá thì lái xe taxi không muốn chạy, khi xăng giảm thì tài xế bỏ túi nên doanh nghiệp không được lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chịu phí kiểm định đồng hồ khi điều chỉnh giá là 105.000 đồng mỗi xe, doanh nghiệp có 6.000 xe mất chi phí gần 700 triệu đồng. Do đó, doanh nghiệp rất sợ thay đổi giá để tiết kiệm phí kiểm định.

"Sau đợt giảm giá đầu năm, tất cả hãng taxi đã giảm giá từ 400 đến 500 đồng. Song, chúng tôi vẫn cam kết chiều 22/2 các hãng taxi sẽ giảm giá, doanh nghiệp không dại gì ôm giá vì khách hàng tẩy chay", ông Tạ Long Hỷ nói.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết, mỗi lần thay đổi giá cước là doanh nghiệp phải chi phí khoảng 500.000 đồng cho mỗi đầu xe để dừng hoạt động taxi, tiền in ấn tem, kiểm định lại đồng hồ...

"Chúng tôi đề nghị được tự kê khai tăng giảm giá cước nếu giá xăng tăng giảm 5-7% theo biên độ mà không phải xin phép, nghĩa là tăng giảm giá 300-500 đồng tùy doanh nghiệp để không tạo áp lực cho doanh nghiệp, người lao động mỗi lần điều chỉnh giá", ông Bình nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cũng nêu nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp vận tải, như giá xe ảnh hưởng giá vận tải, có xe đầu tư 3-4 tỷ đồng, song có xe chỉ vài trăm triệu, có xe chỉ chạy đường BOT... Trong khi đó, hiện có nhiều tuyến đường BOT khiến phí đường còn cao hơn phí nhiên liệu. Do đó, chi phí tiền lương, bảo hiểm... nên để doanh nghiệp tự tính toán giá cước.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, phía doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách quản lý, không thể khoán trắng cho lái xe, áp dụng công nghệ để xe không chạy rỗng nhiều và đổi mới dịch vụ để thu hút khách hàng.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải: 'Phải thấy nhục nếu không giảm giá cước' ảnh 1

Ông Tạ Long Hỷ cho biết taxi ở TP HCM sẽ giảm giá cước ngay chiều 22/2.

"Mình phục vụ người dân đi lại, mình cũng phải biết nhục nếu không giảm giá cước, không thể để người ta nói mình trây ỳ", ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Góp ý với cơ quan quản lý, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải kiến nghị việc cài lại đồng hồ nên giao cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp làm sai thì phải chịu trách nhiệm đóng cửa. Ngoài ra, phải làm sao để doanh nghiệp kê khai nhanh chóng, không bị kêu là "trây ỳ".

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá, hiện cả nước có trên 4.000 doanh nghiệp vận tải cố định, song chưa đến 1.000 doanh nghiệp giảm giá cước là tỷ lệ thấp. Và mới có trên 300 hãng taxi giảm giá trong số hàng nghìn hãng taxi.

"Doanh nghiệp có nhiều lý do khác nhau để chậm giảm giá, trong khi xăng tăng thì lại tăng giá rất nhanh. Trong các nguyên nhân có lý do thu phí đường BOT, theo quan điểm của Bộ Giao thông là phải tách bạch, không thể lấy cái này bù cái kia", Thứ trưởng Trường nói, đồng thời đánh giá có nguyên nhân là quản lý Nhà nước chưa tốt, mỗi lần doanh nghiệp kê khai giá khá phức tạp, nên đây là mấu chốt phải tháo gỡ nhanh. Bộ Tài chính cần ban hành quy trình kê khai cước đơn giản, kể cả kê khai điện tử. Cùng với đó, cơ quan Nhà nước sẽ tính toán công thức giảm giá cước như thế nào cho hợp lý, có báo cáo hay không khi điều chỉnh giá dưới 10%...

Thứ trưởng Giao thông đề nghị Hiệp hội vận tải và doanh nghiệp phải công khai minh bạch giá cước trước người dân. Trong tháng 2, liên bộ giao thông, tài chính sẽ ban hành thông tư sửa đổi về giá cước vận tải để giảm thủ tục, xử lý các doanh nghiệp không tiến hành kê khai giảm giá.

Từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu, so với thời điểm 1/1/2016, xăng Ron 92 giảm 4 lần, tổng mức giảm 2.650 đồng một lít (16%), dầu diezen giảm 3 lần, tổng mức giảm 2.400 đồng một lít (giảm 20%). Trong cơ cấu giá thành vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm 25-35% đối với xe chạy xăng, 35-45% đối với xe chạy dầu. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa giảm giá hoặc chỉ giảm nhẹ.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG