Sáng 14/1, Thành ủy TPHCM tổ chức trao quyết định nghỉ hưu cho bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Tham dự buổi trao quyết định có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Theo quyết định, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/1/2019.
Tuy nhiên, bà Tâm vẫn đảm nhiệm vai trò đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND TPHCM khóa IX đến hết nhiệm kỳ
Hiện tại, Thành ủy TPHCM chỉ còn 2 Phó bí thư là ông Nguyễn Thành Phong và bà Võ Thị Dung. Trước đó, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã bị Ban Chấp hành Trung ương cách chức vào ngày 26/12/2018 vì những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Chia sẻ với báo giới về việc nghỉ hưu hôm 5/12/2018 bên lề kỳ họp HĐND TPHCM khóa IX, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói cảm thấy rất hạnh phúc khi nghỉ hưu vì trong thời gian tại chức bà đã làm việc với tất cả sức lực, trí tuệ và sự cố gắng của mình.
“Tôi thấy rất thảnh thơi vì mình đã góp phần cùng HĐND giải quyết một số vấn đề của TPHCM như các dự án treo, nước sạch cho người dân cũng tương đối, và giờ đang tập trung vào cải cách hành chính”, bà Tâm cho hay.
Bà Tâm khẳng định việc bà nghỉ hưu không ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức. Những chuyển biến đã đạt được vừa qua không chỉ một mình bà mà là của tập thể. Nếu bà nghỉ hưu, tập thể vẫn còn nên sẽ vẫn vận hành bình thường.
“Tôi đã giữ vị trí này 7 năm nên không tránh khỏi lối mòn, đồng thời tuổi cũng đã lớn nên có phần ảnh hưởng đến công việc. Thực tế khi càng lớn tuổi thì độ chín chắn, trải nghiệm càng nhiều nên khi đứng trước một sự việc cần quyết định sẽ cân nhắc kỹ hơn, nhiều hơn nên đôi khi dẫn tới chậm việc. Cái này là quy luật, mình không nói khác được”, bà Tâm bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng chia sẻ người thay thế bà “trẻ, sung sức hơn, nhiều kỳ vọng, tham vọng hơn".
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm sinh năm 1958, quê xã An Hóa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, có trình độ cử nhân Tài chính - Tín dụng, cử nhân Hành chính, cử nhân Lịch sử Đảng, cao cấp Lý luận chính trị.
Từ năm 1986 đến 1996 bà là cán bộ, Phó trưởng ban Tuyên giáo, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thủ Đức.
Năm 1997, bà Tâm giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thủ Đức. Sau đó, bà giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 9 đến năm 2000 và làm Phó bí thư Thường trực Quận ủy quận 9.
Từ tháng 10/2002 đến tháng 1/2006, bà giữ chức vụ Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa VII.
Từ năm 2006 đến 2011, bà là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa VII, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy TPHCM, sau đó, bà lần lượt giữ các chức vụ Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
Từ 2011 đến nay bà là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố.
Trên cương vị chủ tịch HĐND TPHCM, trong 7 năm qua bà Tâm đã điều hành các kỳ họp với nhiều quyết sách thiết thực đến đời sống người dân TP.HCM như nghị quyết về tỷ lệ 100% người dân được sử dụng nước sạch, điều chỉnh mức thu học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở và nhà trẻ tại các trường công lập thuộc TPHCM, điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và cận nghèo. Các chủ trương, quyết sách giải quyết nạn ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường...
Trên cương vị đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung và của TPHCM nói riêng.
Tại một phiên thảo luận ở Quốc hội, khi nói về việc sẽ giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 23% xuống còn 18%, bà Quyết Tâm đã có những tranh luận quyết liệt.
Theo đó, hạ tầng của TPHCM hiện đang quá bức bối, với nguồn vốn yêu cầu phải đầu tư trên 500.000 tỉ đồng. Việc đầu tư này là không chỉ cho TPHCM mà tác động đến vùng rất lớn. Khi trung ương cắt giảm ngân sách thì TP cũng không thể giảm chi thường xuyên vì thực tế TP đã giảm chi thường xuyên tối đa.
Vì thế, bà Tâm nói nếu ngân sách giảm thì chỉ còn cắt giảm việc chi đầu tư phát triển, đầu tư vô hạ tầng, mà điều này để lại hệ lụy rất lớn, tác động nhiều chiều của xã hội.
Tuy nhiên, dù bà Nguyễn Thị Quyết Tâm không đồng tình, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ấn định tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 23% xuống còn 18%.