Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong chuyến thăm Yerevan (thủ đô của Armenia). Ảnh: Reuters |
Trong chuyến thăm Armenia hôm 18/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đổ lỗi cho Azerbaijan về việc bùng nổ giao tranh với Armenia và đề nghị hỗ trợ an ninh cho Yerevan.
Bà Pelosi nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm Yerevan trong bối cảnh Azerbaijan “tiến hành các cuộc tấn công bất hợp pháp và gây chết người trên lãnh thổ Armenia”.
“Chúng tôi cực lực lên án những vụ tấn công được châm ngòi bởi Azerbaijan”, bà Pelosi nói. “Mỹ coi trọng an ninh lãnh thổ và chủ quyền, nền dân chủ của Armenia. Trong mối quan hệ với các quốc gia khác, Mỹ nên sử dụng tầm ảnh hưởng và đòn bẩy của mình để cho thấy nền dân chủ và chủ quyền của Armenia là một ưu tiên.”
Nghị quyết lên án hành động của Azerbaijan sẽ sớm được đưa ra Quốc hội Mỹ, bà Pelosi cam kết.
Hạ nghị sĩ Mỹ Frank Pallone – người đồng hành cùng bà Pelosi trong chuyến thăm cho biết Washington muốn làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ nhiều hơn cho an ninh của Armenia.
Mỹ, theo bà Pelosi, đang lắng nghe Armenia về nhu cầu quốc phòng của họ. Washington muốn giúp đỡ và hỗ trợ Armenia trong cái mà bà Pelosi gọi là “một cuộc đấu tranh toàn cầu giữa dân chủ và chuyên quyền”.
Trước đó, giao tranh nổ ra hôm 13/9, khi Armenia cáo buộc Azerbaijan tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo và máy bay không người lái qua biên giới. Baku, trong khi đó, tuyên bố họ chỉ đáp lại "sự khiêu khích" của Yerevan. Hàng chục binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng trong hai ngày sau đó, cho đến khi Thủ tướng Armenia - Nikol Pashinyan tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu, và Azerbaijan đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn.
Thủ tướng Pashinyan cho biết hôm 16/9 rằng số người Armenia thiệt mạng do các cuộc đụng độ đã lên tới ít nhất 135 người, trong khi Bộ Quốc phòng Azerbaijan cùng ngày cho biết họ đã mất 71 binh sĩ.
Hai quốc gia Liên Xô cũ hiện vẫn còn mâu thuẫn về khu vực Nagorno-Karabakh. Khu vực Nagorno-Karabakh, nơi phần lớn dân cư là người Armenia, đã tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan vào đầu những năm 1990. Baku tuyên bố khu vực này là lãnh thổ của mình, trong khi Yerevan ủng hộ Nagorno-Karabakh giành độc lập.
Giữa hai nước đã nổ ra một cuộc giao tranh kéo dài 44 ngày vào năm 2020. Xung đột kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian.
Cũng trong ngày Chủ nhật, hàng chục người đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Yerevan yêu cầu Armenia rời khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga đứng đầu. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu, trong khi giương cao quốc kỳ Armenia và Mỹ.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trước đó đã yêu cầu CSTO giúp đỡ. Khối này sau đó đã cử một phái đoàn đến Armenia, nhưng không điều động lực lượng quân sự khiến các quan chức ở Yerevan không hài lòng.
Bà Pelosi cho biết thật “thú vị” khi Armenia cảm thấy thất vọng trước phản ứng từ Nga. "Thật thú vị khi họ thất vọng vì họ hiểu thực tế rằng họ không được bảo vệ bởi mối quan hệ đó. Chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, bà nói.
CSTO là khối an ninh bao gồm 6 quốc gia thuộc Liên Xô cũ là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Khối được thành lập vào năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ, có vai trò đảm bảo an ninh cho các quốc gia thành viên.
Khối có trụ sở chính tại Mátxcơva, nhưng các quốc gia thay nhau giữ vai trò lãnh đạo, còn gọi là chủ tịch luân phiên.
Các quyết định của CSTO được đưa ra dựa trên cơ sở nhất trí. Các thành viên của khối thường tổ chức tập trận chung hằng năm, và được yêu cầu không tham gia các khối quân sự khác, ví dụ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu.