Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters |
Bà Pelosi đáp máy bay xuống thủ đô Yerevan của Armenia vào chiều thứ Bảy, và đến thẳng địa điểm hội đàm với Thủ tướng Nikol Pashinyan.
Cùng đi với bà có Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Frank Pallone, Anna Eshoo và Jackie Speier. Trong đó Eshoo và Speier là người gốc Armenia.
Chuyến công du nước ngoài gần đây nhất của bà Pelosi là chuyến thăm đảo Đài Loan (Trung Quốc) hồi đầu tháng 8. Chuyến thăm đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo thông cáo báo chí từ văn phòng Chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi sẽ gặp gỡ các lãnh đạo chính phủ, quan chức an ninh Armenia, và sẽ “thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ, liên tục của Mỹ” đối với việc giải quyết xung đột ở Nagorno-Karabakh.
Khu vực Nagorno-Karabakh, nơi phần lớn dân cư là người Armenia, đã tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan vào đầu những năm 1990. Baku tuyên bố khu vực này là lãnh thổ của mình, trong khi Yerevan ủng hộ Nagorno-Karabakh giành độc lập.
Giữa hai nước đã nổ ra một cuộc giao tranh kéo dài 44 ngày vào năm 2020. Xung đột kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian.
Tuy nhiên, chiến sự lại nổ ra hôm 13/9, khi Armenia cáo buộc Azerbaijan tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo và máy bay không người lái qua biên giới. Baku, trong khi đó, tuyên bố họ chỉ đáp lại "sự khiêu khích" của Yerevan. Hàng chục binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng trong hai ngày sau đó, cho đến khi Thủ tướng Pashinyan tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu, và Azerbaijan đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn.
Thủ tướng Pashinyan cho biết hôm 16/9 rằng số người Armenia thiệt mạng do các cuộc đụng độ đã lên tới ít nhất 135 người, trong khi Bộ Quốc phòng Azerbaijan cùng ngày cho biết họ đã mất 71 binh sĩ.
Thư ký Hội đồng An ninh Armenia Armen Grigory cảm ơn “cộng đồng quốc tế” đã đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn mà không nói rõ thêm những quốc gia nào có liên quan. Cùng với Pháp và Mỹ, Nga đồng chủ trì Nhóm hòa giải Minsk. Nhóm đã nhiều lần tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Baku và Yerevan trong nhiều thập kỷ.
Mỹ là nơi có nhiều người gốc Armenia sinh sống. Họ đã kêu gọi Washington hỗ trợ quê hương sau khi đợt giao tranh mới nhất nổ ra.