Chủ tịch Hà Nội nói về việc xét nghiệm nhanh COVID-19

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
TPO - Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, độ nhạy và độ chính xác của test nhanh này cũng ở mức tương đối vì chủ yếu tìm kháng thể dựa trên mức độ vi rút. Chính vì thế, trường hợp của bệnh nhân 714 mặc dù đã được test nhanh có kết quả âm tính, nhưng khi xét nghiệm PCR vẫn có kết quả dương tính.

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố chiều 6/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng Hà Nội vẫn đang làm tốt công tác phòng chống dịch. 

Đối với 3 ca nhiễm ngoài cộng đồng ở Hà Nội, thành phố xác định các ca bệnh đều có nguồn gốc lây nhiễm từ Đà Nẵng. Thành phố cũng đã xác định 104 ca F1 liên quan đến với bệnh nhân 714 và 6 bệnh nhân trên chuyến bay VN7189.

Thành phố cũng đã yêu cầu tạm dừng hoạt động các quán bar, karaoke, các hoạt động tập trung đông người…Đặc biệt, bất kể người nào có dấu hiệu ho, sốt, khó thở thì đều lấy mẫu xét nghiệm.

Cùng với đó, thành phố cũng đã giao Sở GD&ĐT chuẩn bị các công tác đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, thành phố yêu cầu thực hiện phân luồng khám chữa bệnh theo đúng quy trình khám, chữa bệnh.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm mà người dân đang rất quan tâm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin, số lượng test nhanh Hà Nội hiện có là do Bộ Y tế cung cấp từ giai đoạn 2 với tổng số là 100.000 test. Trong giai đoạn trước của dịch, thành phố đã dùng 20.000 test để thực hiện cho các khu chợ đầu mối và các phường xung quanh BV Bạch Mai, đã cho kết quả rất tốt.

Trong giai đoạn này, đến nay đã có hơn 96.000 người về từ Đà Nẵng cần được xét nghiệm, trong khi đó Hà Nội chỉ có hơn 80.000 test.

Ông Chung nói thêm về việc độ nhạy và độ chính xác của test nhanh này cũng ở mức tương đối vì chủ yếu tìm kháng thể dựa trên mức độ vi rút. Chính vì thế, trường hợp của BN 714 mặc dù đã được test nhanh có kết quả âm tính, nhưng khi xét nghiệm PCR vẫn có kết quả dương tính.

“Trên tinh thần công khai, minh bạch, BCĐ của thành phố cũng xác định test nhanh là giải pháp để chúng ta kịp thời khoanh vùng những trường hợp dương tính, để có những biện pháp chặt chẽ hơn, chứ không phải là biện pháp duy nhất để chúng ta xác định ca bệnh”, ông Chung nói.

Về năng lực xét nghiệm, ông Chung cho biết, riêng CDC Hà Nội có thể xét nghiệm được 5.500 mẫu/ngày. Nếu huy động hết các nguồn lực từ các BV thì Hà Nội có thể xét nghiệm được 9.000-10.000 mẫu/ngày. Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết BV Phương Đông sẽ tặng 10.000 kit test nhanh. Ngay trong hôm nay (6/8), Hà Nội sẽ giao số lượng test này cho các quận, huyện để triển khai xét nghiệm ngay cho người dân.

Xác định công tác xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay để xác định các ca bệnh, ông Chung cho biết, thành phố cũng quyết định tất cả những người đi từ ngày 15/7 đến 29/7 từ Đà Nẵng về đều phải làm xét nghiệm PCR..

 Theo ông Chung, trong thời gian kể trên có từ 60.000-65.000 người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội. “Với năng lực chúng ta hiện nay (mỗi ngày lấy 8000 mẫu), thì việc lấy mẫu mất khoảng 9 ngày, còn xét nghiệm mất khoảng 12 ngày. Do vậy, trước mắt sẽ ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp 8 quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân…”, ông Chung nói.

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trở về từ Đà Nẵng ở 8 quận trên, thành phố Hà Nội sẽ làm sang các quận huyện khác. Ông Chung yêu cầu ngành y tế cố gắng hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm PCR cho tất cả người dân đi từ Đà Nẵng về Hà Nội trong thời gian trên.

Tuy nhiên, ông Chung cho biết, hiện nay ngành y tế thành phố đang gặp khó khăn liên quan đến việc mua sắm bộ kit test xét nghiệm PCR. Cụ thể, nếu để CDC Hà Nội tổ chức mua thì phải giữa tuần sau mới có. “Do vậy, thành phố giao Sở Y tế, cùng lãnh đạo thành phố vận động một số mạnh thường quân ủng hộ bộ kit test xét nghiệm PCR. Chứ còn giai đoạn này mua bộ test nhanh cũng không được”, ông Chung nói.

Ông Chung cũng mong muốn Thành ủy, Thường trực Thành ủy và Bí thư Thành ủy Hà Nội, có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế trong việc mua sắm vật tư y tế. Ông Chung cho biết, hiện nay không chỉ Hà Nội mà một số tỉnh thành khác cũng gặp vướng mắc trong việc mua sắp vật tư y tế trong phòng chống dịch.

“Chúng ta phải quyết liệt, chạy đua với thời gian trong phòng chống dịch. Nếu cả thành phố cùng làm quyết liệt, từ nay đến 15/8, không có ca nhiễm mới thì Hà Nội tương đối yên tâm. Còn nếu Hà Nội có ca nhiễm mới thì rất khó lường”, ông Chung nói và cho biết, nếu có ca nhiễm mới thì sẽ đẩy thêm một mức trong công tác phòng chống dịch bệnh.

MỚI - NÓNG