Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: 'Xác định giá đất rất khó'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, việc xác định giá đất là vấn đề rất khó và sẽ tác động rất nhiều đối tượng trong xã hội.

Sáng 15/9, tại Hà Nội diễn ra họp báo Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: 'Xác định giá đất rất khó' ảnh 1

Quang cảnh họp báo Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 sáng nay, 15/9. Ảnh: PV

Thị trường bất động sản phụ thuộc vào bảng giá đất

Tại họp báo, báo chí đặt câu hỏi về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó vấn đề về bỏ khung giá đất để chuyển sang xác định biểu giá theo thị trường.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thông tin, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Thường trực Uỷ ban Kinh tế họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ, dự kiến tổ chức ngày 16/9.

Theo ông Thanh, trong 8 gói chính sách theo Nghị quyết 18 của Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII đã đặt ra chính sách tài chính, giá đất. Nghị quyết cũng đặt vấn đề bỏ khung giá đất, giao cho các địa phương ban hành bảng giá đất, với yêu cầu khách quan độc lập, bảo đảm sát giá thị trường. Dù vậy, ông Thanh nhìn nhận, việc xác định giá đất là vấn đề rất khó và sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong xã hội.

“Ví dụ việc nâng bảng giá đất giúp người dân được nhà nước bồi thường, hỗ trợ cao hơn, khiếu nại, tố cáo đất đai sẽ giảm, nhưng chi phí doanh nghiệp sẽ phải bồi thường nhiều hơn, dẫn đến tiền thuê đất, sử dụng đất sẽ tăng lên”, ông Thanh phân tích và cho rằng, giá đất có thể giải quyết được vấn đề đối với đối tượng này nhưng có thể ảnh hưởng tới đối tượng khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định “bài toán đưa ra bảng giá đất như thế nào là những vấn đề hết sức khoa học, thực tiễn cần phải nhìn thấu đáo theo nhiều chiều để xử lý”.

Ông Thanh cũng chỉ ra, khi bỏ khung giá đất, giữa 2 địa phương giáp ranh xử lý vấn đề như thế nào cũng rất khó. “Trước đây có khung của Chính phủ để 2 địa phương liền kề đưa ra những bảng giá sát nhau. Bây giờ trao thẩm quyền cho HĐND các địa phương thì giá lại vênh nhau. Trên cùng một con đường, nhưng giá đất 2 tỉnh khác nhau cũng gây ra tranh cãi", ông Thanh dẫn chứng.

Ghi nhận ý kiến ý kiến của báo chí, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, sẽ cùng các cơ quan liên quan xử lý hài hòa. "Chứ không thể nào đưa ra một giá đất thỏa mãn, hài hòa lợi ích mọi đối tượng”, ông Thanh nêu.

Dự báo về thị trường bất động sản sau khi sửa Luật Đất đai, ông Thanh phân tích, thị trường ổn định hay không phụ thuộc vào việc giá đất, bảng giá đất tới đây sẽ thế nào.

“Đây là vấn đề phức tạp. Nhưng mục đích của chúng ta là phải ổn định được thị trường bất động sản”, ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: 'Xác định giá đất rất khó' ảnh 2

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trao đổi với báo chí. Ảnh: PV

Ông Thanh chia sẻ thêm, mục tiêu sửa Luật là xử lý vấn đề của thị trường bất động sản, xử lý hài hoà lợi ích các đối tượng. Hiện nay, việc sửa đổi mới ở giai đoạn bước đầu. Dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến qua 3 kỳ họp. Sau khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, các cơ quan sẽ tiếp thu, tới đầu năm sau sẽ tổ chức xin ý kiến nhân dân rộng rãi, phục vụ việc hoàn thiện về tài chính đất đai và giá đất là "hai vấn đề vốn gây ra nhiều khiếu kiện".

Có xem xét điều chỉnh thuế với xăng dầu?

Liên quan đến giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường, giúp giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt.

Theo ông Thanh, giá xăng dầu tác động tới "rổ hàng hoá" (lương thực thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ) trong nước. CPI 8 tháng tăng 2,58% so với cùng kỳ 2021. Nếu không kiểm soát tốt giá hàng hoá trong nước, nhất là xăng dầu thì mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% là thách thức.

Về vấn đề liệu có xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế với xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT… ông Thanh cho rằng, theo Nghị quyết 43, chỉ giảm thuế VAT với mặt hàng không tiêu thụ đặc biệt, trong khi đó xăng dầu nằm trong nhóm hàng tiêu thụ đặc biệt nên không giảm được thuế VAT.

Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ theo dõi tình hình giá xăng dầu thế giới, để đánh giá tác động, có đề xuất giảm các loại thuế với xăng dầu. Thuế bảo vệ môi trường đã giảm kịch khung theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các sắc thuế khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

"Tới giờ chúng tôi chưa nhận được tờ trình của Chính phủ. Ngoài thuế, trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị xem lại các yếu tố cấu thành giá xăng dầu, hay sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu thế nào… để giá trong nước diễn biến theo sát giá thế giới.

Nghị quyết cũng yêu cầu kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ xăng dầu, nhằm tránh tình trạng khan hiếm giả tạo. Vừa rồi Bộ Công Thương đã kiểm soát, xử phạt hành chính, tước giấy phép tạm thời 1 số doanh nghiệp", ông Thanh nêu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Việc có trình giảm các loại thuế này hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thị trường thế giới.

"Nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao trên 100 USD/thùng, chắc chắn phải xem xét điều chỉnh thuế, các yếu tố cấu thành trong xăng dầu để hạ nhiệt mặt hàng này. Chính phủ sẽ theo dõi tình hình giá xăng dầu thế giới để đề xuất Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới", ông Thanh nói.

Diễn đàn là một hoạt động thường niên của Quốc hội, do Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đồng tổ chức.

Sự kiện có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội. Từ năm 2022, tên gọi của Diễn đàn sẽ đổi thành “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội” để phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Quốc hội cũng như bao quát các vấn đề cả về kinh tế và xã hội của đất nước.

Dự kiến, diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề. Trong đó, chuyên đề 1 có chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chuyên đề 2 tập trung vào chủ đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.