> Báo Tiền Phong đã có nhiều thành tích đáng tự hào (*)
>60 năm nhìn lại để tự hào và sửa mình
Lần đầu tiên đáng nhớ...
Nhớ lại lần đầu tiên, sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt đối với nhiều sinh mạng vào thời điểm thiêng liêng trong đời sống văn hóa Việt: Dịp cận Tết.
Ý tưởng về một ngày Chủ nhật mang tính nhân văn, đem lại cơ hội sống, niềm vui cho người bệnh được nhà báo Đoàn Công Huynh, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong đưa ra vào một ngày đông năm 2008 và nhận được sự ủng hộ của mọi người trong tòa soạn.
Với trách nhiệm của một phóng viên y tế, tôi được Ban biên tập giao nhiệm vụ kết nối với Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư để hai bên cùng nhau xây dựng chương trình hiến máu tình nguyện này. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư hào hứng đón nhận ý tưởng ấm tình người của báo Tiền Phong bởi từ đó đến nay, Tiền Phong là tờ báo duy nhất thực hiện công việc thiện nguyện này.
Năm năm trước, Ngày Chủ Nhật Đỏ lần thứ nhất diễn ra trong sự hồi hộp và đầy âu lo của những người tổ chức chương trình bởi Ngày chủ nhật 18/1/2009 rơi vào ngày 23 tháng Chạp. Thông thường, những ngày giáp Tết Nguyên đán, các cơ quan, gia đình đang kết thúc công việc và chuẩn bị sắm Tết. Và báo Tiền Phong mạnh dạn xông vào một việc hết sức vất vả.
Mục tiêu đặt ra, theo kinh nghiệm của các bác sĩ Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu của Viện là thu gom được 90 đơn vị máu. Để đạt được con số đó cần có hơn 100 người đăng ký tham gia hiến máu vì không phải ai cũng đủ điều kiện để hiến.
Hôm đó khuôn viên của Nhà văn hóa học sinh sinh viên tại bờ hồ Thiền Quang, gần trụ sở báo Tiền Phong trở nên chật hẹp bởi đội ngũ tình nguyện viên tham gia vận động hiến máu và những người đến hiến máu. Cuối ngày Chủ Nhật Đỏ đầu tiên đáng nhớ ấy cũng hoàn thành mục tiêu đặt ra với 96 đơn vị máu thu được.
Những người tham gia tổ chức chương trình thở phào nhẹ nhõm vì dù chưa nhiều nhưng số máu đó cũng có thể đem lại niềm vui cho hàng trăm bệnh nhân Bệnh viện Nhi T.Ư, họ được truyền máu để có sức khỏe về ăn Tết với gia đình.
Cán bộ, phóng viên Tiền Phong vừa vận động, tổ chức, vừa trực tiếp hiến máu. |
Ngày Chủ Nhật Đỏ lần thứ nhất đã diễn ra và nhận được sự hưởng ứng của các bạn trẻ cũng như các tầng lớp khác trong xã hội. Báo Tiền Phong đã nhấn mạnh thông điệp nhân văn trong chủ đề “Tiếp sức cho người nghèo, tiếp máu cho người khổ” trong những ngày cuối cùng của năm âm lịch.
Từ lần Chủ Nhật Đỏ thứ 2 trở đi, với chủ đề “Sinh mệnh của bạn và của tôi”, ngoài ý nghĩa nhân văn còn có ý nghĩa nhận thức, trí tuệ trong hoạt động này ở thời điểm áp Tết hằng năm. Vì sự sống của người khác và cả vì sinh mệnh của chính bản thân mình…
Những lần Chủ Nhật Đỏ tiếp sau, có khi trời ảm đạm, mưa phùn, rét căm căm nhưng cùng với băng rôn đỏ rực, những gương mặt trẻ đầy nhiệt huyết và, hơn tất cả, là những tấm lòng chân thành giữa người với người đã khiến ngày Chủ Nhật Đỏ ấm áp và rạng rỡ lạ thường.
Bằng sự kiện này, báo Tiền Phong cũng hy vọng sẽ cổ vũ lòng nhân ái, tình yêu thương của đồng bào trong cả nước với phương châm: “Góp sức cho người nghèo, góp máu cho người khổ”. Và thật sự điều ấy đã được lan tỏa trong Ngày Chủ Nhật Đỏ lần thứ 5 (20/1/2013) khi cả Hà Nội và Thái Nguyên cùng lúc giới trẻ hiến máu với hơn 1.400 đơn vị máu thu được.
Những tấm lòng nhân ái
Năm năm gắn bó với chương trình Chủ Nhật Đỏ là 5 năm mùa giá rét nhưng để lại trong tôi những tình cảm ấm áp của biết bao người đăng ký hiến máu.
Để có thể tham gia hiến máu tình nguyện, ai cũng phải bước lên cân để kiểm tra cân nặng. Lần nào cũng thế chiếc cân đặt trước cửa phòng khám sức khỏe hoạt động liên tục.
Bước lên mặt cân để kiểm tra cân nặng tưởng là việc vô cùng bình thường nhưng lại là nơi diễn ra những tâm trạng vui, buồn khác nhau của những người tình nguyện hiến máu. Có tiếng reo vui của bạn sinh viên khi chiếc kim trên bàn cân đạt con số 45kg, đủ tiêu chuẩn hiến máu, nhưng cũng có những bạn trẻ mang tâm trạng ngược lại…
Nhà báo Hồ Thu có nhiều đóng góp cho Chủ Nhật Đỏ. |
Trong tôi vẫn không phai ấn tượng sâu sắc khi nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ với gương mặt khắc khổ, đôi bàn tay chai sạn, dáng người nhỏ bé gồng mình đạp xe chở 2 sọt rau đến khu vực trước Công viên Thống Nhất, dựa chiếc xe cồng kềnh sát vỉa hè rồi chị dè dặt bước vào hỏi thủ tục đăng ký hiến máu.
Qua câu chuyện với chị, tôi biết chị nhận được thông tin hiến máu tình nguyện tại Ngày Chủ Nhật Đỏ trong khi đang bán rau cho mấy bạn sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Vậy là sáng đó, chị tranh thủ ghé vào hiến máu trước khi ra chợ bán 2 sọt rau. Đôi mắt đã nhiều nếp nhăn nhưng nụ cười tươi và ấm áp của chị như khỏa lấp sự vất vả bởi niềm vui nhỏ bé được hiến máu cứu người.
Những người tham gia hiến máu hẳn vô cùng đồng tình với lời tâm sự ấm áp của nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập, Trưởng Ban tổ chức Ngày Chủ Nhật Đỏ lần thứ 5: "Những giọt máu đưa con người trở về từ cõi chết, giúp hồi phục sức khỏe, cũng có nghĩa là đưa niềm vui, niềm hạnh phúc trở lại với biết bao bệnh nhân, biết bao gia đình. Đó thực sự là những giọt máu hồi sinh". |
Và nhiều nữa những bạn trẻ hết lần này đến lần khác tham gia các đợt hiến máu tình nguyện. Cả những nữ sinh viên gạt đi nỗi sợ kim tiêm và máu để hiến những giọt máu đào của mình với hy vọng đem lại sức khỏe, sự sống của nhiều bệnh nhân cần máu…
Cùng nhiều ngày hội hiến máu khác trên địa bàn Hà Nội dịp xuân về, Chủ Nhật Đỏ là một dấu ấn đặc sắc thể hiện truyền thống “Tương thân tương ái” của dân tộc ta, là dịp để các bạn trẻ thể hiện nhiệt huyết, tinh thần nhân ái và chung tay hành động vì xã hội, khẳng định triết lí sống cao đẹp của tuổi trẻ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Tổ chức chương trình này, báo Tiền Phong truyền đi thông điệp: “Là con người, chúng ta muốn chia sẻ nỗi khó khăn của con người. Là cơ quan truyền thông, chúng tôi muốn loan truyền và cổ súy thông điệp nhân đạo Hiến máu cứu người. Chúng tôi coi đó là bổn phận cá nhân và của cơ quan truyền thông”.
Năm năm - 5 lần tổ chức, hàng ngàn đơn vị máu đã được tiếp vào cơ thể nhiều bệnh nhân. Những con số chứng tỏ sức sống, sức lan tỏa của ngày hội của tình thương, của sự chia ngọt sẻ bùi ở ý nghĩa sâu xa, nhân văn và cảm động nhất, khi mà con người dành tặng cho những người anh em, đồng bào của mình đang trong cơn hoạn nạn những giọt máu hồng quý giá rút từ chính cơ thể mình.